Thứ tư, 27/02/2019 | 09:03

MIỀN TRUNG MUA ĐIỆN MẶT TRỜI VỚI GIÁ CAO NHẤT GẦN 2.500 ĐỒNG/KWH

Đây là nội dung đáng chú ý trong dự thảo mới về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời mới tại Việt Nam được Bộ Công Thương công bố.

MIỀN TRUNG MUA ĐIỆN MẶT TRỜI VỚI GIÁ CAO NHẤT GẦN 2.500 ĐỒNG/KWH

MIỀN TRUNG MUA ĐIỆN MẶT TRỜI VỚI GIÁ CAO NHẤT GẦN 2.500 ĐỒNG/KWH

Đây là nội dung đáng chú ý trong dự thảo mới về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời mới tại Việt Nam được Bộ Công Thương công bố. Ảnh minh họa

Theo bản dự thảo này, giá mua bán điện mặt trời sẽ được tính theo 4 vùng bức xạ (theo địa lý) và 4 loại hình sản xuất, gồm dự án điện mặt trời nổi, điện mặt trời mặt đất, dự án tích hợp hệ thống lưu trữ và điện mặt trời mái nhà.

Các tỉnh miền Bắc và bắc miền Trung sẽ có giá mua cao nhất, mức 2.486 đồng một kWh (khoảng 10,87 cent) cho các dự án điện mặt trời mái nhà. Trong khi đó giá mua với dự án điện mặt trời mặt đất và nổi tại khu vực này lần lượt 2.102 và 2.159 đồng một kWh.

Trong khi giá thấp nhất ở khu vực các tỉnh có tiềm năng về điện mặt trời lớn như nam Trung bộ, nam Tây Nguyên. Cụ thể, mỗi kWh điện tại dự án điện mặt trời mặt đất có giá mua 1.525 đồng (6,67 cent); dự án điện mặt trời nổi là 1.566 đồng (6,85 cent) và cao nhất khu vực này là 1.877 đồng (khoảng 8,21 cent).

So với mức giá "cào bằng" 9,5 cent (gần 2.100 đồng) một kWh, dự thảo giá mua bán điện mặt trời lần này của Bộ Công Thương có sự phân mảnh khá rõ khi cơ quan quản lý đang muốn tạo ra sự hấp dẫn với dự án đặt tại khu vực bức xạ thấp. Cùng đó, phân tán bớt dự án tại khu vực bức xạ nhiệt cao lâu nay vẫn tập trung tại Bình Thuận, Ninh Thuận.

Số liệu hết tháng 9/2018, đã có 121 dự án được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến 2020 là 6.100 MW và 2030 là 7.200 MW. Ngoài ra, còn 221 dự án đang xếp hàng chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 13.000 MW.

Cuối năm 2018, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị bổ sung thêm 17 dự án nữa vào quy hoạch điện và đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Như vậy, tổng công suất đăng ký đầu tư loại năng lượng này đã vượt xa Quy hoạch điện 7 điều chỉnh trong đó định hướng tới 2020 công suất điện mặt trời 850 MW và tăng lên 4.000 MW sau đó 5 năm.

Trước đó, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 281 về việc ban hành khung giá phát điện năm 2019 áp dụng cho đàm phán giá hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện theo quy định.

Cụ thể, đối với nhà máy nhiệt điện than, mức trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí cảng biển và cơ sở hạ tầng dùng chung) áp dụng cho than nhập khẩu công suất tinh 1x600 MW là 1.896,05 đồng/kWh. Mức trần của nhà máy điện chuẩn có công suất tinh 2x600MW là 1.677,02 đồng/kWh.

Các thông số nhiên liệu sử dụng tính toán giá phát điện năm 2019 bao gồm: Suất tiêu hao nhiên liệu tinh ở mức tải 85%: 0,478 kg/kWh (công suất tinh 1x600MW); 0,474 kg/kWh (công suất tinh 2x600MW). Nhiệt trị than: 4.797 kcal/kg. Giá than (chưa bao gồm thuế VAT và chi phí vận chuyển): 1.737.978 đồng/tấn (than nhập khẩu). Tỉ giá đồng/USD là 23.350.

Đối với nhà máy thủy điện, mức trần của khung giá điện (chưa bao gồm thuế tài nguyên nước, tiền phí dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thuế giá trị gia tăng) là 1.110 đồng/kWh.

Căn cứ khung giá phát điện đã quy định và chi tiết thông số nhiên liệu sử dụng tính toán khung giá phát điện cho nhà máy nhiệt điện than, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đơn vị phát điện đàm phán giá mua bán điện thực tế tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về phương pháp xác định giá phát điện và về quản lý chi phí đầu tư xây dựng do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

 
;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan