Thứ hai, 08/05/2017 | 08:06

Những yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu tháng 5/2017

Động lực chính dẫn dắt giá dầu trong tháng 5/2017 sẽ là cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào ngày 25/5 tới tại Vienna, Áo.

Những yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu tháng 5/2017

Những yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu tháng 5/2017

Giá dầu trong tháng 4 vừa qua được miêu tả biến động như đồ thị hình sin và kết thúc với mức giảm vào cuối tháng và trong tháng 5 này, thị trường dầu mỏ dường như sẽ không thể lặng sóng.

Trên MarketWatch mới đây, bà Tamar Essner, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng và tiện ích tại Nasdaq Advisory Services nhận định: “Giá dầu đã được giao dịch trong phạm vi rất hẹp trong tháng 4, giống như các tháng trước. Giá dầu đã được hỗ trợ sau cuộc không kích của Mỹ ở Syria và Yemen. Sự kiện này khiến rủi ro địa chính trị tăng lên tại khu vực Trung Đông - nơi có nguồn cung cho 30% nhu cầu dầu của thế giới”.

Ngoài ra, có một số kỳ vọng rằng, OPEC sẽ quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện tại (đang thực hiện từ ngày 1/1/2017 và sẽ kết thúc vào ngày 30/6 tới). Arập Xêút - quốc gia lãnh đạo OPEC đã lên tiếng ủng hộ đối với việc gia hạn này. Quyết định cuối cùng sẽ được công bố sau cuộc họp của nhóm với các đối tác ngoài OPEC, trong đó có Nga, vào ngày 25/5 tới.

nhung yeu to anh huong den gia dau thang 52017

Tuy nhiên, sản lượng dầu thô tại Mỹ đã tăng lên trong bối cảnh giá dầu WTI tăng vọt tới 45% vào năm ngoái, sau một đợt giảm giá kéo dài trong 2 năm.

Theo chuyên gia Essner, có 5 yếu tố chính sẽ tác động lên thị trường dầu mỏ trong tháng 5 này:

1. Cuộc họp của OPEC

Động lực chính dẫn dắt giá dầu trong tháng 5 sẽ là cuộc họp tới của OPEC. Lời nói của tất cả các thành viên tham gia vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng năm ngoái, bao gồm cả các nước trong và ngoài OPEC, chẳng hạn như Nga, về cam kết của họ đối với việc cắt giảm sẽ quyết định hướng đi của thị trường trong những tuần tới.

2. Sản lượng dự kiến từ các công ty sản xuất dầu

Các nhà đầu tư cũng sẽ xem xét kỹ ý kiến của các công ty thăm dò và khai thác dầu ở Mỹ, những công ty này sẽ công bố kết quả kinh doanh trong tháng 5. Họ sẽ tìm kiếm những thông tin cập nhật từ tình hình sản xuất của các công ty dầu đá phiến ở Mỹ để có được những nhận định chuẩn xác hơn về mức độ tăng trưởng dầu đá phiến của Mỹ.

3. Tồn kho dầu và số giàn khoan mới đưa vào hoạt động tại Mỹ

Bà Essner cho rằng, lượng dầu tồn kho và số giàn khoan mới đưa vào hoạt động tại Mỹ sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới biến động giá dầu. Tuy nhiên, bà lưu ý, “theo yếu tố mùa vụ, tháng 5 là giai đoạn giá dầu mạnh lên do nhu cầu tăng lên trong mùa hè ở Mỹ, nhưng chúng ta phải xem số liệu có phản ánh điều này hay không”.

Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) hôm 26/4 cho biết, nguồn cung dầu thô hằng tuần của Mỹ đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, cơ quan này cũng báo cáo rằng dự trữ xăng bất ngờ tăng, khi lượng sản phẩm được cung cấp - một chỉ số dự báo ngầm cho nhu cầu, đã giảm 1,8% trong 4 tuần qua so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, dữ liệu từ Công ty Baker Huges cho thấy, số giàn khoan hoạt động tại Mỹ đã tăng tuần thứ 15 liên tiếp, đồng nghĩa với việc sản lượng khai thác dầu của siêu cường này tiếp tục gia tăng.

4. Cuộc bầu cử Tổng thống tại Iran

Chuyên gia Essner cực kỳ nhấn mạnh đến cuộc bầu cử Tổng thống tại Iran vào ngày 19/5 tới, trước cuộc họp của OPEC. Mặc dù đương kim Tổng thống Hassan Rouhani đang được dự đoán là sẽ chiến thắng và có thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng bà Esner vẫn thận trọng: “Chúng ta đã chứng kiến nhiều kết quả bầu cử bất ngờ trên toàn thế giới và vì thế nhà đầu tư không nên loại trừ bất kỳ khả năng nào. Nếu một nhân vật cứng rắn nào đó đắc cử, từ đó dẫn tới việc tái áp dụng các biện pháp trừng phạt của phương Tây lên Iran và điều này sẽ có lợi cho giá dầu”.

5. CHDCND Triều Tiên

Diễn biến xoay quanh chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ thu hút nhiều sự chú ý của thế giới trong tháng 5. Do Triều Tiên nằm gần các nước có nhu cầu dầu cao trên thế giới, như Trung Quốc, Nhật Bản, nên giá dầu có thể chịu tác động tiêu cực nếu căng thẳng ở khu vực này leo thang.

Theo báo cáo hằng quý dự báo thị trường tiêu thụ mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), giá dầu thô năm 2017 sẽ đạt 55USD/thùng, giữ nguyên so với mức hồi tháng 1/2017 và tăng 25,7% so với mức giá của năm 2016.

Cũng theo dự báo này, giá dầu sẽ tăng 8,2% lên 60USD/thùng vào năm 2018, nhờ các biện pháp cắt giảm sản lượng của OPEC và các quốc gia khác ngoài khối này. Tuy nhiên, WB cho biết, mức dự báo có thể thay đổi tùy thuộc vào diễn biến phục hồi của hoạt động khai thác dầu đá phiến của Mỹ. Vì nếu sản lượng dầu đá phiến tăng nhanh hơn dự kiến của WB, điều này sẽ gây thêm áp lực lên giá và làm chậm lại sự tái cân bằng của thị trường, đồng thời làm giảm mức độ tuân thủ thỏa thuận của OPEC.

;

Bài liên quan