Ngày 17/5/2007 Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) chính thức được thành lập do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ 100% vốn điều lệ. Cho đến thời điểm hiện tại, PV Power đã đưa lên lưới điện Quốc gia trên 138 tỷ kWh; doanh thu khoảng 180.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 9.638 tỷ đồng và nộp ngân sách 8.835 tỷ đồng. PV Power cũng đã đóng góp khoảng 14 % sản lượng điện Quốc gia với tổng công suất đặt khoảng 12%, trở thành nhà cung cấp điện lớn thứ 2 tại Việt Nam chỉ sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Nhìn lại chặng đường 10 năm, theo ông điều gì đã làm nên thành công của PV Power?
10 năm là một chặng đường không dài, nhưng những gì mà tập thể người lao động PV Power qua các thời kỳ đã làm được thì rất đáng tự hào, xây dựng được nền móng vững chắc cho PV Power tiếp tục phát triển nhanh - vững chắc trong giai đoạn tiếp theo.
Có rất nhiều yếu tố để tạo nên sự thành công. Tuy nhiên, yếu tố đầu tiên và quyết định đó là sự nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn thách thức của tập thể người lao động Điện lực Dầu khí Việt Nam.
Một nguyên nhân nữa giúp chúng tôi có được thắng lợi là sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ cũng như là các Bộ, ngành, trung ương và địa phương, nơi mà Tổng công ty có dự án, có các đơn vị đóng quân trên địa bàn. Đặc biệt là sự quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo trực tiếp có hiệu quả của lãnh đạo Tập đoàn cũng như sự hợp tác của đối tác trong và ngoài ngành, trong nước và quốc tế.
“Nằm gai nếm mật” cùng những người anh em, cộng sự trong quá trình làm các nhà máy thuỷ điện, đặc biệt ở những nơi điều kiện tự nhiên khó khăn, trắc trở hẳn là những kỷ niệm khó quên trong quá trình công tác của ông. Ông có thể chia sẻ về điều này?
Tôi sẽ không bao giờ quên được những tháng ngày gian khổ khi làm các nhà máy thủy điện. Đó là các nhà máy mà Tập đoàn giao cho PV Power thực hiện: Dự án thủy điện Hủa Na - 180 MW; Thủy điện Đakđrinh - 125 MW; Thủy điện Nậm Cắt - 3,2 MW. Trong số này, để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất đó là thủy điện Hủa Na và Đakđrinh.
Với hai dự án này, tôi là người tham gia từ quá trình đầu tiên khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bắt đầu tiếp nhận từ chủ đầu tư cũ là Tổng công ty LILAMA, còn Đakđrinh là tiếp nhận từ Tổng công ty LICOGI.
Nhà máy Thủy điện Hủa Na được đặt ở nơi xa xôi nhất, khó khăn, gian khổ nhất so với tất cả các nhà máy thủy điện trên toàn quốc. Còn nhớ, sau khi Tập đoàn tiếp nhận Dự án thủy điện Hủa Na từ LILAMA, chúng tôi thành lập đoàn công tác tới thị sát hiện trường. Chặng đầu còn đi ô tô, nhưng khi cách vị trí đặt nhà máy khoảng 6km thì có một con dốc cứ như dựng ngược trước mặt. Con dốc này có tên “Cho không cho”. Hỏi ra mới biết con dốc này gắn với một giai thoại kể rằng ngày xưa ở vùng đất này có một đôi trai gái yêu nhau.
Chả hiểu có phải muốn thử sức khỏe và ý chí của chàng trai hay không mà một ngày nọ cô gái ra điều kiện rằng “Nếu anh cõng em qua được cái dốc này thì anh thích gì em sẽ nghe theo”. Chàng trai nọ gắng sức cõng người yêu vượt dốc và khi lên tới đỉnh, sau khi nghỉ ngơi cho lại sức, anh chàng mới hỏi “ nào, giờ có cho không”. Dĩ nhiên là lúc này cô gái phải giữ lời...
Giai thoại là thế, nhưng thực tế là cả đoàn công tác chúng tôi phải vô cùng vất vả mới leo nổi qua dốc. Đến khi bò qua được con dốc “Cho không cho” ấy thì chúng tôi phải dừng một lúc lâu thì mới có thể đi tiếp được.
Tại dự án này, gần đây có ý kiến cho rằng dự án không có hiệu quả về kinh tế, LILAMA sau khi đánh giá Hủa Na không có hiệu quả mới bàn giao cho PVN?
Đó thực sự là những suy nghĩ của người chưa hiểu. Thông tin nói rằng do LILAMA sau khi đánh giá Hủa Na không có hiệu quả thì mới bàn giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là hoàn toàn không đúng. LILAMA là đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, chuyên sâu trong lĩnh vực lắp máy và cơ khí, kinh nghiệm của đơn vị này là làm tổng thầu các nhà máy điện và các nhà máy xi măng, cũng như lĩnh vực phát triển cơ khí. Khi đó, để làm chủ đầu tư dự án điện, thì LILAMA còn gặp nhiều khó khăn, cần hợp tác với các đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh. Khi thành lập Công ty cổ phần thủy điện Hủa Na thì ngoài Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có LILAMA cũng là một cổ đông sáng lập và cùng với các cổ đông khác từ năm 2013 đã góp phần đưa các tổ máy của Nhà máy thủy điện Hủa Na lần lượt đi vào vận hành thương mại.
Theo tính toán, từ năm 2017 Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na bắt đầu có lãi và đến năm 2020 Hủa Na sẽ hoàn toàn chủ động cân đối được dòng tiền và năm 2024 sẽ hoàn trả hết toàn bộ các khoản nợ vay. Có thể khẳng định Dự án thủy điện Hủa Na là một trong những dự án có hiệu quả.
Để có thể tiếp tục đưa PV Power phát triển một cách bền vững trong thời gian tới, Ban lãnh đạo PV Power đặt ra kế hoạch gì thưa ông?
Trước hết, PV Power cần tập trung vào việc vận hành ổn định, an toàn, hiệu quả các nhà máy điện hiện có, bao gồm các nhà máy điện khí, điện than và các nhà máy thủy điện, đồng thời tiếp nhận và vận hành các nhà máy điện than do PVN làm chủ đầu tư. Thứ hai, PV Power trực tiếp làm chủ đầu tư các dự án điện khí mới, hoặc các dự án sử dụng sử dụng khí LNG nhập khẩu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời gian tới. Thứ ba, thực hiện quyết liệt công tác tái cơ cấu và cổ phần hóa, sắp xếp lại các danh mục đầu tư của các dự án và thực hiện thoái vốn theo đúng quy định của Nhà nước, đảm bảo công khai minh bạch, hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!