Thứ ba, 22/12/2020 | 14:19

Chủ tịch PV Power hé lộ tiến độ thoái vốn tại PV Machino

Câu chuyện thoái vốn tại Công ty Cổ phần Máy và Thiết bị Dầu khí (PV Machino, UPCOM:PVM) làm nóng Đại hội Cổ đông bất thường 2020 của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, HOSE:POW).

Chủ tịch PV Power hé lộ tiến độ thoái vốn tại PV Machino

Chủ tịch PV Power hé lộ tiến độ thoái vốn tại PV Machino

Câu chuyện thoái vốn tại Công ty Cổ phần Máy và Thiết bị Dầu khí (PV Machino, UPCOM:PVM) làm nóng Đại hội Cổ đông bất thường 2020 của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, HOSE:POW). Mặc dù ban đầu, chương trình ĐHCĐ bất thường 2020 (22.12) của PV Power chỉ dự kiến xoay quanh việc miễn nhiệm và bầu bổ sung Thành viên HĐQT; thay đổi điều lệ và ngành nghề kinh doanh của công ty, nhưng trên thực tế, phần lớn thời gian của đại hội dành để giải đáp thắc mắc của cổ đông xoay quanh việc thoái vốn của PV Power tại PV Machino. Lộ trình thoái vốn tại PV Machino đến đâu? Các cổ đông yêu cầu đoàn chủ tọa làm rõ lộ trình thoái vốn tại PVM. Nhiều cổ đông cho rằng, PVM là công ty con của POW (sở hữu 51,9% vốn) nhưng nhưng sở hữu nhiều tài sản có giá trị bao gồm cổ phần tại các liên doanh mỗi năm mang về hàng trăm tỉ cổ tức cho công ty, các bất động sản có giá trị lớn ở Hà Nội và Đà Nẵng. Theo các cổ đông, hiện nay giá trị ghi nhận trên sổ sách của PV Power chỉ ở mức vài trăm tỉ nhưng giá thị trường ước tính có thể lên đến hàng ngàn tỉ. Chính vì vậy, các cổ đông đề nghị PV Power làm rõ phương thức thoái vốn tại PV Machino: Thỏa thuận hay đấu giá? Việc tổ chức đánh giá lại tài sản của PV Maichino được thực hiện như thế nào? Giải đáp thắc mắc của cổ đông, Chủ tịch HĐQT PV Power Hồ Công Kỳ cho biết: “Việc thoái vốn tại PV Machino được thực hiện theo đề án tái cấu trúc của POW được ĐHĐCĐ thường niên 2019 thông qua. Trước đó, khi PV Power đang là Công ty TNHH Nhà nước MTV thì Hội đồng thành viên của Tập đoàn Dầu khí cũng đã có phê duyệt một đề án tái cơ cấu, trong đó có nội dung thoái vốn của POW. Theo đó, PV Machino nằm trong diện thoái vốn giai đoạn 2016-2020”. Tuy nhiên, ông Hồ Công Kỳ cho biết quá trình thoái vốn cũng gặp nhiều khó khăn. Không chỉ PV Machino, POW đang có khoảng 9 khoản đầu tư đang cần tái cơ cấu. “Hội đồng Thành viên Tập đoàn (PVN) đã có văn bản, nghị quyết về việc thoái vốn tại PV Machino, nếu chưa hoàn thành trong năm 2020 thì tiếp tục triển khai trong năm 2021”, ông Kỳ cho hay. Chủ tịch PV Power cho biết HĐQT đã giao cho Tổng giám đốc thực hiện việc thoái vốn theo đúng trình tự pháp luật, hiện nay đang trong khâu tư vấn thoái vốn và định giá. “Tại thời điểm này, HĐQT chưa quyết định phương thức thoái vốn cụ thể vì chưa nhận được tờ trình”, ông Kỳ cho hay. PV Machino có gì hấp dẫn? Câu chuyện thoái vốn nhà nước tại PVM được nhiều nhà đầu tư quan tâm 2 năm nay. Mới đây nhất, theo thông tin của HNX, Tổng công ty Bảo Việt Nhân Thọ đã bán 6,6 triệu cổ phần PVM (tương ứng với tỷ lệ 17,08%) và không còn là cổ đông lớn của PVM từ ngày 6.11.2020. PV Machino hiện có vốn điều lệ 386 tỉ đồng, trong đó PV Power đang nắm giữ 51,6% và đại diện phần vốn nhà nước, ngoài ra CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội nắm giữ hơn 4 triệu cổ phần (tỉ lệ 10,61%). PV Machino sở hữu 10% vốn tại Công ty TNHH FCC Việt Nam, 10% vốn tại Công ty TNHH Vietnam Nippon Seiki và 8,45% tại Công ty TNHH Phụ tùng xe máy ô tô Showa Việt Nam. Hoạt động của 3 liên doanh đều rất hiệu quả nhờ nhu cầu ổn định, hàng năm mang lại cho PV Machino thu nhập tài chính từ cổ tức tiền mặt đều đặn. Theo báo cáo tài chính quý III/2020, khoản tiền này xấp xỉ 83 tỉ đồng. Ngoài ra, theo bản cáo bạch, PV Machino cũng quản lý và sử dụng nhiều bất động sản như 1.827,69 m2 đất tại số 8 Tràng Thi - Hoàn Kiếm, Hà Nội; lô đất 23.600 m2 tại đường Đào Cam Mộc (Đông Anh, Hà Nội). PVM còn liên doanh với Công ty Bách Hóa Hà Nội để khai thác lô đất số 7 Đinh Tiên Hoàng (khu nhà Hàm Cá Mập). Công ty còn 10% vốn góp tại Dự án “Khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp - Khu đô thị Nam An Khánh” thuộc lô HH3 của dự án Nam An Khánh, huyện Hoài Đức. Các chi nhánh và công ty thành viên của PV Machino ở TP HCM, Đà Nẵng cũng nắm giữ nhiều đất vàng. Chỉ riêng ở Đà Nẵng, các đơn vị như Công ty Máy thiết bị dầu khí Đà Nẵng (Daesco) có 218,8 m2 ở 53 Trần Phú; 1806,8 m2 ở 51 Phan Đăng Lưu; 3.241,6 m2 ở 495 Nguyễn Lương Bằng (đất thuê của nhà nước)… Hiện, giá trị sổ sách tổng cộng của các bất động sản nói trên chỉ vào khoảng 134 tỉ đồng. Trong khi, như các cổ đông chất vấn trong ĐHCĐ bất thường, giá trị thị trường ước tính lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Nguồn: laodong.vn

;
Từ khóa: Hoạt động PV Power

Bài liên quan