Thứ sáu, 21/04/2017 | 08:06

DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG: Góc nhìn từ ngành năng lượng.

Trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sẽ giữ vai trò như thế nào, đóng góp ra sao đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước?... là những câu hỏi đang được nhiều người đặt ra đối với các DNNN.

DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG: Góc nhìn từ ngành năng lượng.

DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG: Góc nhìn từ ngành năng lượng.

Kỳ I: Giữ “mạch sống” của nền kinh tế

 Sự phát triển của hệ thống điện những năm qua chính là sự bảo đảm cho quá trình tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế. Bởi điện là nguyên liệu đầu vào, là “thức ăn” của hầu hết các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế. Không có điện hoặc cung ứng không đủ điện để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thì mọi lĩnh vực sản xuất - kinh doanh không thể phát triển được.

 1. Nếu ví nền kinh tế là một “cơ thể sống” thì điện chính là “máu”, là “nguồn sống” của nền kinh tế. Vậy nên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được Đảng, Chính phủ đặt ra đối với ngành điện là “phải đi trước một bước”. Đi trước để tạo nền tảng, tiền đề cho các ngành, lĩnh vực khác hay nói đúng hơn là để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cho quá trình tăng trưởng, phát triển của “cơ thể” nền kinh tế. Và trong suốt những năm qua, trọng trách này đã được đặt trọn trên vai 3 trụ cột của ngành năng lượng là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp - Than khoáng sản Việt Nam (TKV).

Theo ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc EVN, với sứ mệnh được giao, EVN luôn xác định, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khó khăn thách thức tới đâu thì mục tiêu đảm bảo cung ứng đủ điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước luôn là ưu tiên số 1 của Tập đoàn. Vậy nên, những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, quá trình mở rộng, phát triển của các ngành, lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế, áp lực mở rộng, phát triển hệ thống lưới điện để đáp ứng các nhu cầu gia tăng phụ tải đặt ra với EVN là vô cùng lớn. Áp lực đó không chỉ là vấn đề phát triển hệ thống nguồn và lưới truyền tải mà còn là áp lực từ việc đầu tư hiện đại hóa hệ thống lưới điện phân phối, đáp ứng các nhu cầu về chất lượng dịch vụ khách hàng ngành điện…

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 điều chỉnh (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), ngành điện phải bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm. Sản lượng điện toàn hệ thống cũng được xác định vào khoảng 265-278 tỉ kWh vào năm 2020; Năm 2025 khoảng 400-431 tỉ kWh và năm 2030 khoảng 572-632 tỉ kWh… Cùng với việc phát triển hệ thống nguồn điện, điều chỉnh Quy hoạch điện VII cũng đặt mục tiêu phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện trên cơ sở các nguồn lực và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện đầu tư cân đối giữa phát triển nguồn điện và nhu cầu điện giữa các vùng, miền trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi vùng, miền. Phát triển lưới truyền tải 220kV, 500kV trong hệ thống điện quốc gia nhằm bảo đảm truyền tải điện từ các trung tâm điện lực tới các trung tâm phụ tải một cách an toàn, tin cậy và kinh tế. Từng bước nâng cao chất lượng điện để cung cấp dịch vụ điện với chất lượng ngày càng cao.

Theo tính toán của giới chuyên gia, để đạt được các mục tiêu trên, tổng vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện (không tính các nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT) giai đoạn 2016-2030 khoảng 148 tỉ USD. Chỉ tính riêng từ nay đến 2020, mỗi năm ngành điện cần khoảng 7 tỉ USD (khoảng hơn 150.000 tỉ đồng) để xây dựng nguồn và lưới điện. Đây thực sự là một thách thức rất lớn đối với ngành điện, đặc biệt trong bối cảnh giá điện hiện nay vẫn chưa được điều chỉnh theo cơ chế giá thị trường, đảm bảo cho ngành điện có đủ khả năng tích lũy vốn để tái đầu tư.

Thực tế này cũng được ông Đặng Hoàng An khẳng định: Những năm gần đây, tuy tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm của Việt Nam đã giảm nhiệt nhưng vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới, thường xuyên ở mức 2 con số. Như năm 2016, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm ở Việt Nam là trên 10%. Điều này đã đặt ra áp lực phát triển, mở rộng hệ thống điện quốc gia là rất lớn.

Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả khó khăn, sau nhiều năm nỗ lực không biết mệt mỏi, được sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, sự hiệu quả, đồng hành của xã hội trong công tác tuyên truyền, sử dụng điện tiết kiệm, từ năm 2014 đến nay, hệ thống lưới điện quốc gia đã có dự phòng. Hệ thống điện hiện nay có tổng công suất 42.000MW, đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 30 thế giới. Chất lượng dịch vụ khách hàng của ngành điện tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ khi chỉ số tiếp cận điện năng năm 2016 theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới tăng 5 bậc so với năm 2015. Còn nếu tính từ năm 2014, từ khi Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế thì Việt Nam đã tăng được 60 bậc, từ 156 lên 96.

2. Hệ thống điện quốc gia đã có dự phòng, chất lượng điện cũng không ngừng được nâng cao là kết quả của những nỗ lực, quyết tâm không biết mệt mỏi của đội ngũ những người làm điện Việt Nam. Và đóng góp không nhỏ trong đó là sự chung tay, góp sức, chia sẻ gánh nặng của với EVN của PVN khi công nghiệp điện được xác định là một trong những lĩnh vực kinh doanh chính của PVN.

Theo đó, ngay từ năm 2001, PVN đã nghiên cứu đầu tư Dự án Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2. Đến năm 2007,  PVN đã thành lập Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và các ban quản lý dự án để quản lý đầu tư xây dựng và vận hành các dự án điện theo nhiệm vụ Chính phủ giao. Và tính đến thời điểm này, PVN đã đưa vào vận hành an toàn, hiệu quả 4 nhà máy nhiệt điện khí, 3 nhà máy thủy điện, 1 nhà máy nhiệt điện than với quy mô công suất 4.208,2MW (Cà Mau 1& 2: 1500MW, Nhơn Trạch 1: 450MW, Nhơn Trạch 2: 750MW, Thủy điện Hủa Na 180MW, Đắkđrinh 125MW, Nậm Cắt 3,2MW và Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1: 1.200MW), góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong các tháng mùa khô.

Và trong định hướng phát triển, chung tay vì mục tiêu “điện đi trước một bước”, PVN xác định định hướng phát triển lĩnh vực điện trong thời gian tới là vận hành ổn định, an toàn và có hiệu quả các nhà máy điện hiện có, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và mang lại hiệu quả kinh tế cho PVN/PV Power; Tập trung đẩy nhanh tiến độ và thực hiện có hiệu quả, đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án nhiệt điện than đã được Chính phủ giao; Sử dụng có hiệu quả nguồn nhiên liệu khí cho phát triển công nghiệp điện. Đồng thời đẩy nhanh công tác nghiên cứu phát triển các dự án điện khí khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép: Dự án Điện khí Kiên Giang sử dụng khí Lô B; Dự án Điện khí sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh; Phát triển đa dạng các loại hình nguồn điện khác như: Nhiệt điện Khí LNG Nhơn Trạch 3, 4, Sơn Mỹ 2, thủy điện, năng lượng tái tạo, với điều kiện đáp ứng được chỉ tiêu kinh tế, tài chính của dự án.

Ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN trong một cuộc trao đổi với báo chí cũng khẳng định, sự vào cuộc, chung tay gánh vác của PVN, TKV trong việc phát triển hệ thống điện đã góp phần quan trọng giúp ngành điện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “đi trước một bước”. Điều này được thể hiện rõ trong việc triển khai các dự án nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VI khi đây đều là những dự án điện đòi hỏi vốn lớn, công nghệ hiện đại hoặc nằm ở những địa điểm khó khăn nhất. Tuy nhiên, cũng giống như EVN, cả PVN và TKV tham gia đầu tư các dự án điện này đều không đặt nặng yếu tố kinh doanh lên hàng đầu. Cả PVN, TKV và EVN làm điện là vì lợi ích chung của nền kinh tế, vì mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. Điều này càng được khẳng định trong quá trình triển khai Quy hoạch điện VII khi một loạt nhà đầu tư tư nhân đã công khai ý định rút khỏi các dự án thủy điện nhỏ và vừa. Và theo tìm hiểu của phóng viên Báo Năng lượng Mới thì lý do mà những chủ đầu tư này đưa ra là hiện vốn đầu tư vào các dự án điện là rất lớn (theo tính toán của giới chuyên gia, để làm ra 1MW điện từ thủy điện nhỏ và vừa, nhà đầu tư phải bỏ ra vài chục tỉ đồng), trong khi giá điện hiện nay còn thấp, có khi không đủ bù đắp chi phí...

Câu chuyện này đã khẳng định một điều: Làm điện không hề dễ và nếu tham gia đầu tư vào dự án điện vì mục đích lợi nhuận thì khó có thể làm được. Đây chính là vấn đề mà ngành điện đã phải đối diện từ nhiều năm nay, chi phí lớn, lợi nhuận thấp, thậm chí bằng 0, trong khi nhu cầu đầu tư, gia tăng sản lượng lại ngày càng cao. Và cũng có một điều chắc chắn rằng, trong suốt những năm qua, nếu không có sự góp mặt của PVN, TKV đầu tư vào các dự án điện (chủ yếu là các dự án nhiệt điện - hình thức sản xuất điện hiện đại, đòi hỏi công nghệ cao) thì EVN khó lòng về đích, ngành điện cũng khó lòng thực hiện chủ trương hiện đại hóa hệ thống điện với công nghệ hiện đại đã đề ra.

3. Trở lại câu chuyện của ngành điện, kể từ khi được thành lập theo Quyết định số 562/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 10-10-1994 đến nay, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể, cán bộ, công nhân viên toàn ngành điện, EVN luôn xuất sắc hoàn thành mọi nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà Đảng, Chính phủ giao phó. Bản thân Đảng ủy, ban lãnh đạo EVN cũng luôn xác định dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khó khăn thách thức lớn đến đâu thì ngành điện vẫn phải “đi trước một bước” để tạo nền tảng năng lượng, giữ “máu” cho kinh tế - xã hội đất nước phát triển.

Sứ mệnh của ngành điện như vậy là rất nặng nề và thực tế để hoàn thành sứ mệnh đó, trong suốt những năm qua, ngành điện đã phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều, đặc biệt trong bài toán về vốn đầu tư phát triển hệ thống điện sao cho đảm bảo mục tiêu “điện đi trước một bước”. Tuy nhiên, sau một thời gian dài một mình “gồng gánh”, áp lực phát triển đặt lên vai ngành điện giờ là vô cùng lớn. Một tính toán của ngành điện cho thấy, để đáp ứng 1% tăng trưởng GDP thì tốc độ gia tăng sản lượng điện của ngành điện phải là 2%.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) khi đề cập tới câu chuyện này đã khẳng định rằng, đây thực sự là một thách thức lớn đối với ngành điện, đặc biệt là vấn đề về vốn. Theo ông Ngãi, những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn 2010-2011, do nắng nóng kéo dài, chủ yếu là khu vực miền Nam, làm cho khu vực này bị thiếu điện nghiêm trọng. Một số các nhà máy điện ở miền Nam phải chạy bằng dầu, giá 1kWh điện chạy dầu lên tới 4.000-5.000 đồng/kWh. Do đó, EVN đã bị lỗ tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Đáng nói hơn, EVN còn lỗ do phải vay hàng tỉ USD để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống điện nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên toàn quốc - đây đều là những dự án phi lợi nhuận, cộng với hàng chục tỉ USD vay trước đây với tỉ giá thấp, nhưng nay tỉ giá đã tăng cao... Bên cạnh đó, giá điện của Việt Nam hiện ở mức 7 cent/kWh là quá thấp, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như: Campuchia giá điện tới 30 cent/kWh, Singapore 10 cent/kWh, các nước khác trên thế giới bình quân có giá từ 10 cent/kWh trở lên... cũng khiến khả năng tích lũy của ngành điện bị hạn chế.

Giá điện của nước ta còn thấp, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực là một thực tế. Và chính điều này, theo nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra tại Hội thảo “Tiết kiệm năng lượng - Vấn đề cấp bách” là nguyên nhân dẫn tới thói quen tiêu dùng điện với giá rẻ một cách thoải mái mà thiếu ý thức tiết kiệm nên đã có những phản ứng thái quá… mỗi dịp có thông tin giá điện tăng. Cũng chính vì lợi ích chung của nền kinh tế, ngành điện phải “căng mình” thực hiện các dự án phát triển lưới điện, cả ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo, nhưng lợi nhuận không đảm bảo tích lũy. Thậm chí, trong giai đoạn 2010-2013, khi EVN phải thực hiện điều chỉnh giá điện theo chỉ đạo của Chính phủ thì lợi nhuận của EVN là bằng 0%.

Đó là phép toán đơn giản nhất đối với bất kỳ người làm kinh doanh nào, nhưng với EVN, PVN hay TKV thì lại khác, nó là cả một câu chuyện dài đầy phức tạp, với vô vàn những mục tiêu và lợi ích đan xen. Giá điện của Việt Nam hiện đang quá thấp là một thực tế và việc phải được điều chỉnh tăng theo cơ chế giá thị trường cũng là điều bắt buộc, là điều hiển nhiên, nhưng vì vấn đề lợi ích của nền kinh tế, của cộng đồng, buộc phải có lộ trình phù hợp. Cái khó mà ngành điện đang phải đối diện là vậy, thiếu vốn, cần vốn nhưng không thể tăng giá điện. Thiếu vốn, khó khăn về vốn nhưng vẫn phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư các dự án đưa điện đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo - đây đều là những dự án phi lợi nhuận, thậm chí đầu tư chỉ có thua lỗ...

Những nỗ lực và cả sự hy sinh cho mục tiêu “điện đi trước một bước”, để “máu”, “nguồn sống” của nền kinh tế luôn chảy, dồi dào đáp ứng sự lớn mạnh, tăng trưởng, phát triển của “cơ thể” nền kinh tế của EVN, PVN và TKV là điều không thể phủ nhận. Và chắc chắn rằng, trong thời gian tới, sứ mệnh này vẫn sẽ chờ EVN, PVN và TKV thực hiện chứ không thể là một doanh nghiệp hay thành phần kinh tế nào khác!

(Xem tiếp kỳ sau số 618, thứ Ba ngày 25-4-2017)

;

Bài liên quan