Việc dừng cấp khí của khu vực PM3 cho các nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 đã khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải huy động một số nhà máy chạy dầu ở khu vực phía Nam, nhằm đảm bảo nguồn cung cấp điện trong tháng đỉnh điểm của năm về tiêu dùng điện.
Theo thông báo của EVN, từ ngày 1-14/7, Nhà máy điện Cà Mau công suất 1.500 MW không được cấp khí để phát điện do bị ngừng toàn bộ khí từ khu vực PM3. Tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cũng cho thấy, để đáp ứng nhu cầu phụ tải của khu vực miền Nam, sẽ phải huy động các tổ máy của các nhà máy nhiệt điện Ô Môn và Cà Mau bằng nhiên liệu dầu.
Ngoài ra EVN cũng có kế hoạch huy động các tổ máy tua bin khí dầu khởi động nhanh của các Nhà máy nhiệt điện Cần Thơ, Thủ Đức để phủ đỉnh trong trường hợp cần thiết.
Với dự báo nhu cầu phụ tải sử dụng điện của hệ thống là 384 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất dao động từ 19.900 - 20.100 MW, EVN đã lên kế hoạch huy động các nhà máy điện hợp lý trong điều kiện vận hành thị trường điện cạnh tranh theo đúng phương thức được duyệt để đảm bảo cung cấp điện an toàn trong thời gian ngừng toàn bộ khí PM3.
Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 phải chạy dầu DO khi bị cắt khí
Đáng nói là nguồn điện được huy động lần này để thay thế nguồn điện được sản xuất từ khí của Nhà máy Cà Mau 1&2 là điện phát từ dầu DO.
Đây cũng là nguồn điện có giá thành sản xuất cao nhất trong các loại nhiên liệu không tái tạo lại được gồm than, khí và dầu, vốn rất được hạn chế huy động để tránh làm gia tăng mạnh chi phí sản xuất điện.
Cụ thể, theo kế hoạch về cân bằng điện tại quyết định số 7969/QĐ-BCT về Phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2013 thì tháng 7 sẽ lần đầu tiên trong năm sản xuất đến nguồn điện chạy dầu DO với sản lượng 185 triệu kWh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Vũ Huy Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVP), nơi quản lý Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 cho hay, các tổ máy của Cà Mau 1và 2 đã bắt đầu phát điện bằng dầu từ khi cắt khí và đã tiêu thụ hết 1.000 tấn dầu DO trong 4 ngày đầu tiên.
Với giá dầu hiện nay, 1 kWh điện chạy từ dầu có giá thành gần 4.000 đồng, cao hơn gấp đôi giá bán lẻ điện bình quân hiện nay.
Dẫu vậy, PVP cũng không mong đợi sẽ huy động cao nhiệt điện chạy dầu của các tổ máy thuộc Nhà máy Cà Mau 1 và 2 bởi ảnh hưởng đến thiết bị và cũng khiến cho số tiền mà EVN nợ khi mua điện từ các nhà máy này lại tăng thêm.
Về phía mình, để giảm chi phí phát điện chạy dầu mà vẫn đảm bảo nhu cầu cấp điện cho miền Nam, EVN đã đề nghị Bộ Công thương và Cục Điều tiết Điện lực điều chỉnh công suất phát của các nhà máy thủy điện, hỗ trợ hệ thống điện miền Nam như Đắc R’tih, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, Đại Ninh, Thác Mơ... theo tình hình thực tế nhằm đảm bảo an toàn cấp điện của hệ thống ở khu vực phía Nam trong giai đoạn cắt khí.
Mặt khác, EVN cũng đề xuất có tính toán, điều chỉnh công suất chạy khí Nam Côn Sơn của cụm các nhà máy điện Bà Rịa-Phú Mỹ-Nhơn Trạch để huy động tối đa vào giờ cao điểm. Dĩ nhiên, biện pháp này ngoài nhằm đảm bảo nguồn điện cho khu vực phía Nam cũng là để giảm áp lực phải huy động nguồn nhiệt điện dầu với giá cao.
Cũng theo kế hoạch, nguồn khí không chỉ dừng ở khu vực Cà Mau trong nửa đầu tháng 7 này mà từ này 20 - 27/7 sẽ còn dừng từ lô 11.2 để bảo dưỡng theo kế hoạch. Việc giảm nguồn khí từ Lô 11.2, cũng khiến nguồn khí từ Nam Côn Sơn cấp cho các nhà máy điện theo hệ thống này giảm xuống còn khoảng 15 triệu m3/ngày đêm. Tuy nhiên, việc giảm khí khu vực này đã được tính toán trong kế hoạch vận hành và không phải chạy dầu để bổ sung.
Việc chạy dầu DO cũng được lên kế hoạch vào tháng 9 tới với 211 triệu kWh khi nguồn khí Nam Côn Sơn lại dừng để bảo dưỡng thiết bị của Lô 06.1, đường ống khí Nam Côn Sơn từ ngày 7-16/9 và của nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn trong ngày 8/9.
Với thực tế đang cấp khí xấp xỉ 20 triệu m3/ngày đêm cho cụm các nhà máy điện Bà Rịa-Phú Mỹ-Nhơn Trạch có công suất cao tren 2 lần so với Nhà máy Cà Mau 1 và 2, việc tìm kiếm nguồn thay thế bằng nhiệt điện dầu DO được xem là một giải pháp hữu hiệu.
Dẫu vậy, nếu nhu cầu phụ tải của hệ thống không đạt như kế hoạch đã được tính toán từ đầu năm, thì việc huy động các tổ máy chạy dầu cũng giảm xuống.
Đây sẽ là điều được EVN mong chờ, bởi nếu không tăng giá điện thì sự có mặt của các nguồn điện chạy dầu sẽ càng làm cho tình hình tài chính của EVN thêm nhiều khó khăn.