Thứ ba, 08/10/2013 | 08:37

Hủa Na và tinh thần dầu khí

Lên xe từ Hà Nội lúc 7 giờ sáng, vậy mà gần tối chúng tôi mới đến được NM thủy điện Hủa Na. Hơn 30 năm làm báo, có mặt ở hầu hết các công trình thủy điện ở VN, song chưa có nhà máy thủy điện nào (kể cả Yaly, Sơn La, Lai Châu) mà đường vào lại gian nan,

Hủa Na và tinh thần dầu khí

Hủa Na và tinh thần dầu khí

Lên xe từ Hà Nội lúc 7 giờ sáng, vậy mà gần tối chúng tôi mới đến được NM thủy điện Hủa Na. Hơn 30 năm làm báo, có mặt ở hầu hết các công trình thủy điện ở VN, song chưa có nhà máy thủy điện nào (kể cả Yaly, Sơn La, Lai Châu) mà đường vào lại gian nan, hiểm trở và xa như vậy. Chạy dọc theo đường Hồ Chí Minh vào đến Ngọc Lặc (Thanh Hóa) còn phải đi qua 4 huyện miền núi của Nghệ An là Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong với chiều dài gần 300 km đường đồi núi quay co, xung quanh bạt ngàn là rừng núi mới đến được nhà máy. Cứ mưa là trơn trượt, lở đất, đá rơi lấp đường. Mùa mưa, Hủa Na nhiều lần bị biến thành ốc đảo, cô lập với thế giới bên ngoài. Mấy nhà báo trẻ lần đầu vào nhà máy thủy điện hăm hở, phấn chấn là thế, vậy mà đến nơi mệt nhoài, có chút thức ăn gì trong bụng là nôn ra hết. Họ bảo: Thế mới biết những người đi làm thủy điện gian nan, vất vả đến nhường nào…

Dự án “xương xẩu”

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy điện Hủa Na, người đã bỏ cả tuổi thanh xuân của mình trên các công trường thủy điện vui vẻ nói: “Phải phong các nhà báo nữ là anh hùng, là những người dũng cảm bởi gần như chưa có nhà báo nữ nào cam đảm vào Hủa Na”. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu gian nan, vất vả của những người đi làm thủy điện ở vùng rừng núi miền Tây xứ Nghệ, giáp tỉnh Sầm Nưa của Lào…


Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng trao bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ cho những cá nhân xuất sắc 

Năm 2008, với vai trò là ngành kinh tế đầu tàu và ý thức trách nhiệm với an ninh năng lượng quốc gia, Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được đầu tư 5 trong số 13 dự án điện mà Tập đoàn Điện lực VN trả lại do khó khăn về nguồn vốn đầu tư, trong đó có dự án thủy điện Hủa Na (công suất 180 MW). Đây là dự án thủy điện đầu tiên do PVN làm chủ đầu tư và cũng là dự án thủy điện được coi là “xương xẩu” nhất, khó khăn nhất trong các dự án thủy điện đã thi công ở Việt Nam. Hủa Na “xương xẩu” không chỉ xa xôi, hẻo lánh, giao thông phức tạp, không thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư, thiết bị, trong đó có nhiều thiết bị siêu trường, siêu trọng mà điều quan trọng hơn là kết cấu địa tầng phức tạp, diện tích lòng hồ quá lớn, đường hầm dẫn nước quá dài, công tác di dân khó khăn.


Khu tái định cư cho người dân ở thủy điện Hủa Na 

Ngày ấy, không ít người đã hoài nghi về hiệu quả của dự án và cho rằng: Hủa Na ngay từ đầu đã đi ngược quy luật. Theo họ, trình tự của thủy điện là nhà máy được đặt thấp hơn đập nước nên đường vào công trình thủy điện là nhà máy trước rồi mới đến đập nước nhưng Hủa Na thì ngược lại, do chỉ có một con đường độc đạo nên phải đi theo đường xoắn ốc từ thấp lên cao rồi lại vòng xuống. Vì vậy Hủa Na đã xa lại càng xa hơn, đã khó khăn lại càng khó khăn hơn…

“Không gì là không thể làm được, càng khó càng phải có quyết tâm lớn” Khẩu hiệu và tinh thần ấy được lan tỏa từ những người lãnh đạo PVN đến các nhà thầu cả từng người thợ. Những khẩu hiệu màu đỏ chữ vàng, những mốc thời gian cụ thể được đưa ra, những phong trào thi đua yêu nước, những đồng tiền thưởng được trao đúng lúc, đúng người đã giúp Hủa Na lập nên những kỳ tích. Chỉ trong vòng 3 năm thi công với tinh thần dầu khí và trí tuệ, công sức của hàng ngàn người thợ giữa trùng điệp rừng núi, NM Thủy điện Hủa Na đã phát điện giữa niềm vui, niềm hạnh phúc của hàng ngàn con người đi làm thủy điện. Ông Hùng xúc động kể: Cuộc đời người làm thủy điện có 3 lần vui nhất, ấn tượng nhất: Đó là khi tích nước vào lòng hồ, khi ngăn sông và khi nhà máy phát điện…     

Kỳ tích Hủa Na

Trong khi các chủ đầu tư chấp nhận giá thấp để cho nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) vào làm tổng thầu thì PVN đã thực hiện rất đúng chủ trương của Chính phủ trong việc phát huy nội lực, mạnh dạn giao thầu cho các doanh nghiệp trong nước. Tiếp theo thành công của các dự án nhiệt điện Cà Mau 1, Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, thủy điện Hủa Na đã được giao cho hai nhà thầu chuyên nghiệp nhất Việt Nam trong lĩnh vực làm thủy điện là Lilama và Sông Đà thi công và các công ty trong nước tư vấn, thiết kế.

Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Trần Văn Biên, người đã lăn lộn trên các công trình thủy điện lớn như Hòa Bình, Yaly, Sê San 3, Sơn La cho biết: Với kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp trong việc thi công các công trình thủy điện lớn cùng sự đoàn kết, hỗ trợ giữa chủ đầu tư và các nhà thầu nên nhiều biện pháp thi công tối ưu, nhiều công nghệ mới và tiên tiến đã được áp dụng tại công trình này, góp phần rút ngắn thời gian thi công các hạng mục. Đó là hạng mục đường hầm dẫn dòng, hạng mục mở đường công vụ lắp đặt cấu thép định hình thay thế cầu bê tông cốt thép đã rút ngắn thời gian vận chuyển thiết bị, vật tư vào công trường, chuyển đổi bộ cốp pha đơn thành bộ cốp pha kép trong thi công đường hầm dẫn nước. Trên công trường, các nhà thầu bố trí phương tiện thi công, mặt bằng, nhân lực rất khoa học, tính toán cẩn trọng việc gì làm trước, việc gì làm sau, việc gì làm mùa mưa, việc gì làm mùa khô nên công tác chặn dòng đã hoàn thành trước lũ, tiết kiệm được nhiều chi phí. Ông Biên tâm đắc: “Nếu không tính toán cẩn thận, khoa học, thi công không quyết liệt, lũ tràn về là chậm cả một năm”.  


Phòng điều khiển trung tâm nhà máy  thủy điện  Huả Na 

Nghe ông Biên nói, tôi bồi hồi nhớ lại gương mặt thân quen của những người thợ thủy điện giữa bạt ngàn Tây Nguyên ở thủy điện Yaly. ở Sê San 3 hay mịt mù bụi đất ở thủy điện Sơn La. Giờ họ lại tụ họp về đây, trộn mồ hôi, công sức và ý chí làm nên “vàng trắng” cho đất nước, xóa đi màn đêm tăm tối của đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ An, điều mà đối với họ trước đây chỉ là một giấc mơ.

Sức sống mới  

Nhắc đến Hủa Na, người ta không thể không nhắc đến kỳ tích của việc đền bù và di dân. Đây được coi là cuộc “chuyển quân” rầm rộ và ấn tượng nhất trong các công trình thủy điện mà tôi từng biết. Ấn tượng và hoành tráng bởi cả đoàn người gồng gánh nhà cửa, lợn gà nối đuôi nhau kéo dài cả cây số đến 13 khu tái định cư. Hiện 1.362 hộ dân (hầu hết là đồng bào dân tôc Thái) với hơn 5.000 nhân khẩu đã có nhà ở ổn định. Số tiền dành cho tái định cư lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài việc chi phí cho làm nhà, họ còn sắm các phương tiện sinh hoạt như tivi, xe máy, két sắt, máy bơm nước….Những con đường nhựa, đường bê tông trải dài trên toàn huyện, các khu tái định cư đều có trạm y tế, nhà mẫu giáo, trường học. Vào những phiên chợ, chị em phu nữ mặc những bộ váy dân tộc bó sát với hàng cúc lấp lánh trên ngực thật quyến rũ. Cuộc sống ở Quế Phong đổi thay từng ngày với những tiếng bi bô của trẻ, niềm vui của người già và màu xanh của lúa khoai và nhiều cây ăn quả.

Anh Vũ Đình Tuấn, Trưởng Phòng đền bù, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Thủy điện Hủa Na, người đã nhiều năm “cắm bản” cùng dân đưa chúng tôi đến thăm một trong 13 khu tái định cư của dự án. Nằm xen kẽ những quả đồi, những thửa ruộng bậc thang hay nằm lọt giữa thung lũng là những mái nhà sàn bằng gỗ rộng mát và chắc chắn. Ông Vi Xuân Bẩy, Trưởng khu tái định cư Bản Mường Hinh mang ra một sấp giấy tờ sổ sách ghi chép số liệu về 98 hộ gia đình đã an cư lạc nghiệp tại mảnh đất này. Chỉ những bao tải gạo chất cao ở góc nhà, ông Bẩy bảo: Hàng tháng mỗi người nhận được 30 kg gạo, số gạo này không chỉ đủ nuôi người, nuôi gia súc mà còn dùng để nấu rượu. Nằm cạnh nhà Trưởng Bản Vi Xuân Bẩy là ngôi nhà khang trang của đôi vợ chồng trẻ Lang Văn Nguyên. Nguyên cho biết: Hàng ngày họ đi làm nương, làm rẫy, buôn bán và rủ nhau đi đánh cá trên sông.

Chúng tôi tạm biệt Hủa Na với lời hẹn trở lại. Vâng, tôi sẽ trở lại để gặp những kỹ sư trẻ đầy khát vọng trong phòng điều khiển trung tâm nhà máy và cả những nhà quản lý tâm huyết, trách nhiệm như Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Văn Biên, Vũ Đình Tuấn, để nắm bàn tay chai sạn của người dân hiền lành, chân chất hân hoan với cuộc sống mới tại khu tái định cư. Ngồi trên xe, ngắm nhìn hồ nước mênh mông và cả sự kiên cố, kỳ vĩ của đập tràn, đập dâng cao hàng chục mét giữa đại ngàn xứ Nghệ, tôi thầm cảm phục và biết ơn những người đi làm thủy điện. Chưa bao giờ tôi lại yêu và thương họ đến như thế./. 

;
Từ khóa: Hoạt động PV Power

Bài liên quan