Thứ năm, 08/08/2013 | 15:32

Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1: Những ngày “nước rút”

  Theo ước tính của nhà thầu Lilama, hiện có hơn 3.000 công nhân đang xây dựng, lắp đặt các thiết bị và vận hành chạy thử trên công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1. 

Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1: Những ngày “nước rút”

Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1: Những ngày “nước rút”

          

  Theo ước tính của nhà thầu Lilama, hiện có hơn 3.000 công nhân đang xây dựng, lắp đặt các thiết bị và vận hành chạy thử trên công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1. 

Để bảo đảm tiến độ theo kế hoạch, hoàn tất toàn bộ các công tác xây dựng trước mùa mưa bão năm nay, Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1 (BQLDA - thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN) cùng các nhà thầu đã đặt ra biểu đồ công tác cho từng ngày, từng tuần như một cuộc "nước rút" để về đích.
 

Tính đến tháng 6-2013, tiến độ tổng thể của dự án đạt 90,2%. Trong đó, công tác thiết kế đã đạt 99,6%, mua sắm thiết bị đạt 98,4%, thi công xây lắp đạt 92,3%... Công tác thi công, lắp đặt thiết bị trong thời gian qua đều bảo đảm tiến độ theo kế hoạch. Được biết, chủ đầu tư cùng tổng thầu Lilama và các nhà thầu xây dựng dự án đã khẳng định quyết tâm cao nhất để đạt mốc đốt lửa lần đầu của lò hơi tổ máy số 1 vào tháng 9-2013 và hòa lưới điện quốc gia vào tháng 12-2013.

Trên con đường về đích của dự án này, hiện nay vẫn còn một số vấn đề cần sớm được hoàn thành. Tổng thầu Lilama đang xử lý, rà soát lại các thiết kế, giao diện giữa các hệ thống, gói thầu và đặc biệt là hoàn chỉnh hệ thống DCS (Distributed control system - hệ thống điều khiển phân tán), HFO (hệ thống chạy dầu trong quá trình chạy thử), khí nén… để có thể kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện tránh ảnh hưởng đến tiến độ chung của quá trình chạy thử nhà máy. Dự án có nhiều nhà thầu thiết bị, để tránh "dẫm chân nhau", bảo đảm ổn định vận hành nên việc thống nhất một quy trình quản lý chạy thử, tiến đến vận hành toàn bộ nhà máy là việc làm rất cần thiết. Hiện nay, các tư vấn giám sát đã đánh giá các hệ thống vận hành tốt như sân phân phối 220kV, hệ thống xử lý nước, nước thải, ngược lại lò hơi phụ vận hành chưa tốt nên đã điều chỉnh yêu cầu nhà cung cấp thay thế bằng lò hơi mới. Tổng thầu Lilama đã huy động thêm các chuyên gia, tư vấn để hỗ trợ cho công tác quản lý tiến độ, công tác chạy thử, nghiệm thu. BQLDA đã yêu cầu các nhà thầu hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng của các hệ thống trước khi nghiệm thu. Do các hạng mục xây dựng đang thi công dang dở đều nằm trên "đường găng" tiến độ, nên Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) đã đẩy mạnh thi công các hạng mục như cảng than, cửa xả nước... Tổng khối lượng đào móc theo kế hoạch dự kiến lên đến hơn 1 triệu mét khối. PVC đã hoàn thành, bàn giao một số hạng mục, các hạng mục còn lại sẽ bảo đảm tiến độ xây dựng trước khi mùa mưa bão đổ về Vũng Áng vào tháng 9.

Với sự hỗ trợ tích cực của các ban chuyên môn thuộc Tập đoàn PVN, phối hợp đồng bộ với BQLDA, tổng thầu Lilama và các ngành chức năng, công tác điều chỉnh tài chính đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng chỉ đạo của Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn PVN.
 
         
Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1 có công suất 1.200MW gồm 2 tổ máy, được xây dựng tại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Với tổng mức đầu tư gần 1,25 tỷ USD, đây là nhà máy nhiệt điện lớn nhất ở khu vực miền Trung hiện nay, nằm tại Khu kinh tế Vũng Áng, do Tập đoàn PVN làm chủ đầu tư.
 
  Nhà máy này sử dụng công nghệ đốt than phun trực tiếp của các nước G7. Than cho nhà máy là than nội địa và than cám 5 với lượng tiêu thụ 2,9 triệu tấn/năm. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia 7,2 tỷ KWh/năm, doanh thu bán điện khoảng 289 triệu USD/năm (tương đương khoảng 4.900 tỷ đồng). Dự án Nhà máy Điện Vũng Áng 1 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nằm trong Tổng sơ đồ điện VI về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025 và được phép áp dụng cơ chế đặc thù để đầu tư xây dựng các công trình điện cấp bách giai đoạn 2006-2010 (Theo Quyết định số 1195/QĐ-TTg ngày 9-11-2005 ). Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp lượng điện năng khá lớn, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng của hệ thống điện quốc gia giai đoạn 2006-2015 và bảo đảm an ninh năng lượng cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
;
Từ khóa: Hoạt động PV Power

Bài liên quan