Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió với trên 3.000 km2 đường bờ biển. Theo lộ trình, Việt Nam sẽ phát triển 800 MW điện gió vào năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng nhu cầu điện. Mục tiêu là phát triển 2.000 MW điện gió vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030.
Ông Chris Beaufait, Chủ tịch Tập đoàn Vestas Châu Á Thái Bình Dương và Trung Quốc cho rằng, nhu cầu điện của Việt Nam hiện tăng trưởng nhanh với tốc độ khoảng 10%/năm. Gió sẽ là nguồn năng lượng giúp Việt Nam đảm bảo tốt vấn đề an ninh năng lượng thông qua việc giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch phải nhập khẩu và những biến động trên thị trường than đá, khí đốt…. Ngoài ra, điện gió cũng có thể giúp loại bỏ một số thách thức mà thủy điện gặp phải liên quan đến hiện tượng thay đổi khí hậu theo mùa, hay các vấn đề về ô nhiễm của các nhà máy nhiệt điện.
Theo TS. Trần Thị Thu Trà, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có thể tận dụng được các đồi trọc để xây các tuốc bin gió, không gây ảnh hưởng đến đất canh tác. Đồng thời, ảnh hưởng của thiên nhiên nơi đặt các tuốc bin gió không đáng kể nếu so sánh với nhà máy thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân…
Năng lượng gió là nguồn năng lượng sạch và vô tận. Đây là điều tiên quyết đem lại lợi thế của năng lượng gió so với các nguồn năng lượng hóa thạch vốn có hạn. Với việc công nghệ ngày càng tiến bộ và sử dụng năng lượng gió ngày càng phổ biến hơn thì giá thành của năng lượng gió ngày càng rẻ.
Theo PGS. TS. Bùi Huy Phùng, Viện Khoa học Năng lượng, giá điện gió trên thế giới những năm gần đây đã giảm nhiều, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sử dụng các nguồn năng lượng này. Ở Việt Nam, giá điện gió và điện mặt trời cũng đang giảm nhanh, không còn đắt như những năm trước và hoạt động phát triển nguồn điện này cũng bắt đầu khởi sắc. Chính phủ cũng đang tạo các điều kiện để đẩy nhanh việc phát triển nguồn năng lượng sạch này.
Giai đoạn trước 2010, suất đầu tư cho điện gió ở Việt Nam từ 3.500 - 4.000 USD/kW, tương đương giá điện 15-17 cents/kWh, nhưng đến 2015-2016, suất đầu tư chỉ còn 2.000-2.500 USD/kW và giá điện chỉ còn 9-10 cents/kWh. Dự báo đến 2020-2025, suất đầu tư điện gió sẽ chỉ còn 1.500 USD/kW và giá điện giảm còn 7 cents/kWh.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Huy Phùng cho rằng, giá điện từ gió trong thời gian 5-10 năm tới chắc sẽ vẫn còn cao hơn các nguồn truyền thống, do vậy, cần có chính sách hỗ trợ để phát triển nguồn năng lượng này. Cần phải nghiên cứu giá và mức hỗ trợ có tính hệ thống, đồng bộ đối với tất cả các nguồn điện thay vì các quyết định hỗ trợ cho từng loại nguồn điện. Ngoài ra, nâng cao tỷ trọng nội địa hóa, cập nhật thông tin và cẩn trọng trong đàm phán dự án năng lượng tái tạo để giảm tối đa đầu tư.
Theo chuyên gia đến từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Nguyễn Văn Vy, nhiệt điện gió trên đất liền hiện là một trong những nguồn có chi phí thấp trong các loại nguồn điện. Dự án điện gió tốt nhất trên thế giới hiện đang cung cấp điện với giá chi phí khoảng 5 cents/kWh mà không cần hỗ trợ tài chính. Tiến bộ công nghệ đồng thời với việc giảm chi phí đầu tư, dẫn đến chi phí quy dẫn (LCOE) của điện gió trên đất liền sẽ tiếp tục giảm với mức giá đã cạnh tranh, thậm chí thấp hơn so với nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo thống kê của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, các dự án điện gió đang vận hành ở Việt Nam ước tính có khoảng 1.300 máy phát điện gió cỡ gia đình (công suất từ 150 W đến 200 W) đã được lắp đặt sử dụng, chủ yếu ở vùng ven biển từ miền Trung, Đà Nẵng trở vào. Đồng thời, đưa vào vận hành các nhà máy quy mô tương đối lớn với tổng công suất khoảng 160 MW như Nhà máy Phong Điện 1 Bình Thuận (30 MW), Bạc Liêu (99,2 MW), Phú Lạc (24 MW), Phú Quý (6 MW).
Đánh giá của các tổ chức quốc tế cho thấy, Việt Nam có tiềm năng năng lượng gió lớn, ước tính đạt hơn 500.000 MW, hơn gấp 6 lần tổng công suất ước tính của toàn ngành Điện vào năm 2020. Tuy nhiên, tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng và để biến thành hiệu quả kinh tế vẫn sẽ là một chặng đường dài.
Nguyên nhân được chỉ ra là giá mua điện gió chưa đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư, nguồn cung cấp linh kiện, thiết bị và dịch vụ trong nước còn hạn chế… Do đó việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện gió đã gặp không ít cản trở.
Ông Chris Beaufait cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các khung chính sách pháp lý, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của bộ máy tổ chức và phương thức quản lý trong lĩnh vực điện gió. Đồng thời, tổ chức nghiên cứu, sửa đổi cơ chế hỗ trợ phát triển, giá bán điện gió ở các mức khác nhau cho các dự án trong đất liền và trên biển để thống nhất áp dụng cho các dự án điện gió…
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, nhược điểm lớn nhất của năng lượng gió là sự phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và chế độ gió. Vì vậy khi thiết kế, cần nghiên cứu hết sức nghiêm túc chế độ gió, địa hình cũng như loại gió.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ sản xuất, sử dụng máy phát điện gió cỡ nhỏ phục vụ gia đình. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng chế tạo các máy phát điện gió loại nhỏ sử dụng cho gia đình. Những sản phẩm này không yêu cầu cao về công nghệ, doanh nghiệp có thể nâng tỷ lệ nội địa hóa lên đến 80%, để giảm giá thành sản xuất, lắp đặt.
Từ những máy phát điện gió nhỏ, “góp gió thành bão” sẽ góp phần giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và nâng cao tỷ lệ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu các nguồn điện những năm tới.
Thứ tư, 19/04/2017 | 15:06