LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) được coi là “nhiên liệu cầu nối” trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường hơn, nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng cho sự phát triển bền vững. Cuối năm 2022, dự án kho LNG Thị Vải 1 triệu tấn/năm của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) dự kiến sẽ vận hành và sản phẩm LNG lần đầu tiên được đưa vào sử dụng tại Việt Nam.
Có thể khẳng định, LNG là nhiên liệu hóa thạch sạch nhất bởi quá trình đốt cháy khí tự nhiên không thải ra muội than, bụi hoặc khói. LNG được hóa lỏng khi làm lạnh sâu đến -162°C sau khi đã loại bỏ các tạp chất giúp dễ dàng bảo quản và vận chuyển. Với thành phần metan chiếm đến 95%, LNG tạo ra ít hơn 30% CO2 so với dầu nhiên liệu và 45% so với than đá, giảm đáng kể lượng khí thải N2O và hầu như không có khí thải SO2 gây hại cho môi trường.
Với các ảnh hưởng của dịch Covid 19, xu hướng chuyển dịch năng lượng, các cam kết của Chính phủ về chống biến đổi khí hậu tại COP26, các chuyên gia năng lượng dự báo bức tranh về cung cấp năng lượng tại Việt Nam sẽ có sự thay đổi đáng kể. Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã xác định rõ quan điểm phát triển năng lượng là giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than với mục tiêu giảm tối đa phát thải khí CO2; không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới và xem xét chuyển đổi một số nguồn điện sử dụng nhiên liệu than sang LNG.
Tiềm năng về nguồn cung khí nội địa không lớn, cao nhất trong giai đoạn năm 2025 – 2029 khoảng 14 tỷ m3 khí/năm và sẽ giảm nhanh vào các năm tiếp theo. Các nguồn khí có giá thành thấp, chất lượng tốt suy giảm nhanh như bể Rồng Đôi, Lan Tây, Lan Đỏ, nguồn khí từ bể Cửu Long, trong khi đó các nguồn khí mới dự kiến được đưa vào đều có chi phí và giá khí cao. Vì vậy, các dự án nhập khẩu khí LNG là phương án khả thi trong giai đoạn tới, trước mắt là dự án kho LNG Thị Vải.
Đại diện Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương cho biết, theo Lộ trình phát triển thị trường khí Việt Nam, từ nay đến hết năm 2025, Việt Nam sẽ triển khai vận hành mô hình kinh doanh mới đối với các dự án LNG nhập khẩu (các thành phần tham gia nhập khẩu LNG bán khí trực tiếp đến các khách hàng).
Bộ Công Thương hiện đang hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai quyền được thuê và sử dụng hạ tầng bên thứ ba, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện trước khi triển khai áp dụng. Bộ cũng sẽ xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn về xây dựng và vận hành kho cảng nhập khẩu LNG, các trang thiết bị vận chuyển LNG, bảo đảm về chất lượng, an toàn thiết kế, thi công, xây dựng và vận hành các công trình khí LNG. Trong giai đoạn bắt đầu nhập khẩu LNG, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư hạ tầng nhập khẩu LNG để tăng nguồn lực đầu tư, đa dạng nguồn cung ứng khí đốt cho nền kinh tế quốc dân.
Là đại diện tiêu biểu, chủ lực của ngành công nghiệp khí Việt Nam, với kinh nghiệm và năng lực vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng khí cùng với sự am hiểu thị trường, PV GAS luôn tích cực đi đầu trong việc thực hiện chiến lược, định hướng về LNG của Chính phủ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ông Hoàng Văn Quang – Tổng giám đốc PV GAS cho biết, PV GAS đã thực hiện nhiều chiến dịch khác nhau để quảng bá khí tự nhiên là một giải pháp tốt hơn và PV GAS cũng chính là “Người tiên phong” nhập khẩu LNG để thay thế dần nhiên liệu ô nhiễm hơn như than, dầu,... tại các nhà máy nhiệt điện trong hệ thống điện Việt Nam, chuyển đổi hỗn hợp năng lượng sang trạng thái “xanh hơn”.
Năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc phát triển này cần được xem xét, đánh giá với một lộ trình hợp lý, đảm bảo tỷ trọng hài hòa. Trong đó, các nguồn năng lượng cơ bản như LNG, khí tự nhiên vẫn sẽ chiếm vai trò quan trọng, bởi đây còn là nguồn cung công suất chạy nền tin cậy khi năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện, nhằm đảm bảo tính ổn định của hệ thống, đồng thời đáp ứng các mục tiêu về môi trường – ông hoàng Văn Quang nhận định.
Trong lĩnh vực LNG, PV GAS định hướng sẽ nỗ lực giữ vai trò đầu mối đầu tư và nhập khẩu LNG cho các hộ tiêu thụ trên toàn quốc nhằm thực hiện hiệu quả vai trò công cụ quản lý và điều tiết thị trường khí, LNG của Nhà nước; Ưu tiên nguồn lực, nhanh chóng đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ nhập khẩu, phân phối LNG để đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài cho các khách hàng hiện hữu, kích thích sự hình thành, phát triển các khách hàng mới của các ngành, các khu vực theo định hướng phát triển kinh tế xã hội.
Khu vực Thị Vải, Bình Thuận, miền Bắc định hướng trở thành đầu mối/trung tâm LNG cả nước. PV GAS phấn đấu nhập khẩu LNG từ năm 2022 và Dự án LNG Thị Vải sẽ cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu cho các nhà máy điện Nhơn Trạch, các hộ tiêu thụ khác ở khu vực Đông Nam bộ. Sự xuất hiện của Kho cảng LNG Thị Vải và Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4 sẽ góp phần đảm bảo cho nhu cầu về khí cũng như điện cho khu vực công nghiệp đang ngày càng cấp thiết tại khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.
Để đảm bảo phát triển ổn định của thị trường kinh doanh khí, PV GAS đề xuất Chính phủ và các cấp Bộ, ngành đưa ra lộ trình phù hợp và hài hòa nhằm đảm bảo hiệu quả và khuyến khích dòng vốn đầu tư vào các dự án điện khí LNG. Đồng thời cũng cần xây dựng hành lang pháp lý cho việc triển khai các Dự án hydrogen và cũng như xây dựng các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn quốc gia về hydrogen, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện phát triển các dự án hydrogen và thị trường hydrogen trong tương lai.
PV GAS mong muốn có cơ chế giao cho các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước những đơn vị có đủ năng lực, uy tín và kinh nghiệm thực hiện vai trò chủ lực, dẫn dắt để triển khai đầu tư phát triển hạ tầng nhập khẩu LNG quốc gia. Như vậy sẽ giúp tận dụng tối đa nguồn lực về cơ sở hạ tầng cảng biển, kho chứa, đường ống… đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng và lợi ích tổng thể quốc gia tránh gây lãng phí đầu tư hạ tầng phân tán/rời rạc và nguồn lực xã hội.
Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng các cơ chế cụ thể để khuyến khích khai thác các nguồn khí trong nước, đặc biệt là nguồn khí đồng hành và mỏ nhỏ, mỏ cận biên trên cơ sở tính toán hiệu quả tổng thể từ thượng nguồn đến hộ tiêu thụ cũng như cân đối hài hòa giữa sản lượng nhập khẩu và sản lượng khai thác khí trong nước. Do giá LNG biến động mạnh, thiếu tính ổn định nên Chính phủ và các cấp thẩm quyền cần xây dựng cơ chế về giá khí LNG bán cho các hộ tiêu thụ điện phù hợp. Đây là điều kiện căn bản để đảm bảo hiệu quả và kích thích đầu tư cho các dự án điện khí LNG trong thời gian tới.
;
Nguồn: Báo Tài nguyên & Môi trường