Bài học cho Việt Nam
Trao đổi với Lao Động tại buổi trao đổi "Đầu tư tài chính trong lĩnh vực năng lượng" diễn ra chiều 11.10, ông Mark Hutchinson - Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á (thuộc Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu) cho biết, cuộc khủng hoảng thiếu điện ở Trung Quốc có nhiều lý do, trong đó có các vấn đề về nhập khẩu nguyên nhiên liệu và sự điều tiết cung cầu trên thị trường.
Hiện nay, có 27 mỏ than ở Trung Quốc đã phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi bão lũ. Chỉ như vậy thôi, nhưng nguồn cung than bị ảnh hưởng nặng nề. Đó là chưa kể việc nhập khẩu than của Trung Quốc từ các thị trường khác cũng bị tác động do cuộc khủng hoảng nguyên nhiên liệu toàn cầu.
"Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn là "thành trì" cuối cùng cung cấp và đầu tư tài chính trong lĩnh vực điện than. Với các dự án điện than chưa xây dựng, chưa huy động vốn ở Việt Nam, hiện vấn đề kêu gọi đầu tư tài chính rất khó.
Bởi, từ cuối tháng 9.2021, Trung Quốc đã tuyên bố không đầu tư điện than ở nước ngoài. "Kỷ nguyên" xây dựng dự án điện than dựa vào nguồn vốn nước ngoài đã chấm dứt.
Cho nên, muốn huy động vốn thì chỉ còn cách dựa vào ngân hàng trong nước, hoặc Chính phủ thực hiện đầu tư công để thực hiện các dự án điện than", ông Mark Hutchinson nói.
Để tránh "rơi" vào cuộc khủng hoảng thiếu điện như Trung Quốc, theo ông Mark, Việt Nam cần đa dạng hoá nguồn điện, tránh trường hợp một nguồn chiếm tỉ trọng quá lớn, gây ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng.
Các nguồn điện cần được phát triển như điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ, điện mặt trời, thuỷ điện...; và tăng cường hệ thống pin tích trữ năng lượng.
"Thời điểm hiện tại, công nghệ pin tích trữ năng lượng chủ yếu dựa vào pin lithium, nhưng trong tương lai có thể sử dụng pin lưu trữ hydro với công nghệ tốt hơn", ông Mark Hutchinson nói.
Cũng theo ông Mark, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng các dự án điện khí LNG để chạy phủ đỉnh.
Chuyên gia này cho rằng, nếu như trước đây, có nhiều dự án điện khí chạy nền, thì bây giờ mọi chuyện đã thay đổi theo hướng điện khí chạy phủ đỉnh, còn các nguồn năng lượng rẻ hơn như điện mặt trời, điện gió sẽ chạy nền để đảm bảo vận hành hệ thống điện.
Đồng thời, Việt Nam cần tăng tính đoán định của nguồn điện trong công tác điều độ hệ thống điện.
"Ở các thị trường mà đã phát triển sử dụng nhiều nguồn điện, họ dành nhiều thời gian để cải thiện công tác dự báo. Những dự báo sẽ được đưa về các trung tâm điều độ để phân tích, đánh giá, từ đó có phương án huy động các nguồn điện phù hợp", ông Mark cho hay.
Huy động vốn cho điện gió sẽ khó khăn
Theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, sau ngày 3.10.2021, cơ chế giá ưu đãi FIT cho điện gió sẽ hết hạn. Bộ Công Thương cho biết sẽ nghiên cứu và đề xuất phương án đấu thầu, xác định giá đối với các dự án điện gió.
Theo ông Mark Hutchinson, việc thiếu cơ chế giá ưu đãi FIT cho điện gió trong thời gian tới sẽ khiến cho việc huy động vốn các dự án gặp khó khăn. Bởi lẽ, để có thể đầu tư dự án lớn, các tổ chức tài chính sẽ cần cơ chế rõ ràng, minh bạch.
Theo bà Liming Qiao – Giám đốc khu vực châu Á (Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu), để chuyển từ cơ chế giá ưu đãi FIT sang cơ chế đấu thầu, cần có giai đoạn chuyển tiếp một cách cẩn trọng. Vì để thực hiện triển khai xây dựng cơ chế đấu thầu phù hợp sẽ cần khoảng 2 năm.
"Việc có những cơ chế chuyển đổi như vậy là rất quan trọng. Nhiều thị trường ở Châu Âu khi chuyển đổi sang cơ chế khác đều có giai đoạn chuyển tiếp, tiếp tục cơ chế giá ưu đãi FIT; như vậy mới có thể giữ được các nhà đầu tư trong giai đoạn chờ chuyển đổi lên đấu thầu", bà Liming Qiao cho hay.
;
Nguồn: Báo Lao động