Thực hiện đúng quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và minh bạch hóa thông tin, đó là hai yếu tố mà PV POWER thực hiện xuyên suốt từ khi bắt đầu cổ phần hóa đến nay.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó TGĐ Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV POWER)
Chia sẻ về hoạt động quan hệ cổ đông (IR), bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó TGĐ Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV POWER - mã POW) cho biết “PV Power thực hiện đúng công tác IR theo quy định công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và sự minh bạch xuyên suốt", bà Ngọc Bích nói.
Những bước đầu POW thực hiện hoạt động quan hệ cổ đông (IR) bắt đầu từ giai đoạn đầu quá trình cổ phần hóa. “Bắt đầu khi anh Đinh Văn Sơn – Trưởng ban Chỉ đạo cổ phần hóa PV POWER đề xuất Chính phủ phải chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) 20%”, bà Ngọc Bích chia sẻ.
POW là một đơn vị thuộc PVN và chiếm 11% tổng sản lượng cả nước. Hiện tại, doanh nghiệp có 8 nhà máy với mức sản xuất 4,2 nghìn Kw. Thế mạnh của POW là các nhà máy điện khí, điện than thủy điện.
Các chuyên gia tài chính, chứng khoán chia sẻ với chúng tôi rằng áp lực sẽ là rất lớn, bởi thị trường chứng khoán sẽ phải tiếp nhận khối lượng lớn cổ phiếu. Tuy vậy, với sự hỗ trợ của Ủy ban Chứng khoán và Sở, phiên đấu giá IPO đã thành công. Theo đó, 100% lượng cổ phần chào bán được mua. Cụ thể, 1.928 nhà đầu tư đã mua toàn bộ 20% vốn cổ phần chào bán của PV Power với giá trúng bình quân 14.938 đồng/ CP, cao hơn 500 đồng so với giá khởi điểm. Để có kết quả đó, PV Power đã thực hiện tốt công tác IR ngay từ những bước đầu như công bố đầy đủ thông tin, tổ chức các buổi Roadshow, gặp gỡ Nhà đầu tư…
“Rất nhanh sau đó, chỉ trong vòng chưa đến 40 ngày, chúng tôi đã đưa cổ phiếu POW giao dịch trên sàn UpCom và POW cũng là một trong các cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên sàn HOSE trong năm 2019”, bà Ngọc Bích chia sẻ.
Việc chuyển sàn niêm yết thực tế đã không diễn ra đúng như kế hoạch khi trước đó PV POWER đặt ra là trong năm 2018. Tuy vậy, “chúng tôi thấy đa phần các cổ đông doanh nghiệp là người nước ngoài và họ thường có kỳ nghỉ dài vào cuối năm, do vậy chúng tôi đã dời kế hoạch niêm yết sàn HOSE đầu năm 2019 nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư”.
Đúng là theo kế hoạch HOSE và HNX sẽ “về chung một nhà”, POW cũng từng có kế hoạch ở lại HNX chờ hai sàn sáp nhập, nhưng “1 ngày thôi tạo cơ hội thanh khoản cho nhà đầu tư chúng tôi cũng làm”, bà Ngọc Bích nói.
Và từ khi sang sàn HOSE, khối lượng giao dịch cổ phiếu của POW đạt mức gấp 3 lần bình quân so với trên HNX.
Diễn biến giao dịch của cổ phiếu POW từ khi niêm yết đến nay
“Để nói chung về công IR mà POW thực hiện, tất cả những gì chúng tôi làm đều dựa trên sự minh bạch để tạo niềm tin với nhà đầu tư, cổ đông và các thành viên thị trường”.
Sự minh bạch đó thể hiện ở việc công ty thường cung cấp thông tin cho các công công ty chứng khoán, các nhà phân tích, môi giới nhằm giúp giới tài chính, phân tích có cái nhìn hiểu hơn về những gì nhà quản lý đang làm, và có sự góp ý với công tác quản trị. “Thậm chí, các ý kiến từ giới phân tích còn cho thấy họ đã có ý kiến rất tốt và có cái nhìn sâu hơn, hỗ trợ các giải pháp quản lý tốt hơn cho công tác quản trị”.
Ở cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, POW đánh giá đây là cuộc gặp gỡ thể hiện quan hệ giữa POW với cổ đông, do đó công ty đặt “hỏi và thảo luận” (Q&A) là phần trọng tâm và dành lượng lớn thời gian trả lời thắc mắc cho cổ đông.
Năm 2019, bà Ngọc Bích cho biết hoạt động IR của POW sẽ đi sâu hơn và thông qua các mối quan hệ trung gian thành viên thị trường, đơn vị truyền thông nhằm tiếp cận các nhà đầu tư. Công ty cho biết cũng sẽ tổ chức “broker meeting” – gặp gỡ với môi giới chứng khoán.
“Cùng với các cổ đông cũ, các cổ đông mới, các cổ đông lớn sẽ là sức mạnh và tiềm năng to lớn với POW”.