Thứ tư, 19/04/2017 | 09:06

Định hình năng lượng tái tạo toàn cầu trong 10 năm tới

Khoảng 100 năm trước, chúng ta mới chỉ hình dung một thế giới - nơi con người có thể khai thác thành công tiềm năng của mặt trời, của gió và của biển cả. Tầm nhìn đó, cùng với sự đầu tư không ngừng vào cải tiến công nghệ, đã giúp hình thành thế giới

Định hình năng lượng tái tạo toàn cầu trong 10 năm tới

Định hình năng lượng tái tạo toàn cầu trong 10 năm tới


Nhận định trên là của chuyên gia năng lượng Debora Frodl, Giám đốc toàn cầu tại GE Ecomagination, và Yves Rannou, Giám đốc và là CEO của bộ phận thủy điện (GE Renewable Energy). Vậy, động lực nào thúc đẩy ngành kinh doanh năng lượng tái tạo? Điều gì có thể giúp con người ngày càng thành công hơn trong lĩnh vực này? Tạp chí Năng lượng Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết bình luận, phân tích dưới đây.

Thử thách lớn nhất cho nhân loại trong thế kỷ 21 là cấp điện cho cả hành tinh, đồng thời giảm phát thải CO2 và giảm chi phí năng lượng.

Một năm trước, trong báo cáo Ecomagination được công bố đã đánh giá những bước phát triển đáng kinh ngạc của năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Lúc đó, chúng tôi đã kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư và chính phủ tiếp tục đẩy nhanh quá trình đổi mới năng lượng tái tạo, xây dựng các giải pháp mới và tạo ra một hệ sinh thái năng lượng thực sự bền vững cho hành tinh này, cho chúng ta và nền kinh tế thế giới.

Một năm đã qua và rõ ràng là niềm lạc quan của chúng tôi có cơ sở.

Một số sự kiện và con số sau cho thấy sự phát triển nổi bật của ngành năng lượng tái tạo. Năm 2016, đầu tư vào phong điện và điện mặt trời lớn gấp đôi đầu tư vào điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch. Năng lực sản xuất điện tái tạo tiếp tục gia tăng mạnh mẽ: ở Mỹ, 60% công suất điện tăng thêm là từ nguồn năng lượng tái tạo. Trong năm 2016, Bồ Đào Nha đã có thể cấp đủ điện cho toàn quốc trong bốn ngày liên tục chỉ bằng điện tái tạo. Điện xanh đủ cho người Đức sử dụng trong 24 giờ, và ở Đan Mạch, phong điện không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn thừa để xuất khẩu sang Na Uy, Đức và Thụy Điển.

Đặc biệt là lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh, phong điện đã vượt qua điện than.

Mô hình dự án năng lượng từ thủy triều. Nguồn: Populationeducation

Năm 2016 cũng chứng kiến tiềm năng phát triển thủy điện thành nguồn tích trữ và tích hợp với phong điện và điện mặt trời. Các nhà máy thủy điện nhỏ ngày càng gần gũi với người dùng hơn.

Năm ngoái, Bộ Năng lượng Mỹ đã phát hành báo cáo nhận định rằng vào năm 2050, công suất thủy điện của Mỹ có thể tăng từ 101 GW lên gần 150 GW.

Chúng tôi tin tưởng rằng năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ vì:

Trước tiên, nhu cầu cho nguồn cung điện mới đang tăng lên với tốc độ đáng kể trên toàn cầu. Trong nửa đầu năm 2016, đầu tư vào năng lượng sạch là 116,4 tỉ USD, và đầu tư vào ngành năng lượng toàn cầu mỗi năm là xấp xỉ 2 nghìn tỉ USD.

Thứ hai, ở nhiều nước, điện tái tạo có thể rẻ bằng hay thậm chí là rẻ hơn các nguồn điện truyền thống. Ví dụ, ở Mỹ, phong điện trên đất liền đang rất cạnh tranh với các loại điện sản xuất từ khí tự nhiên.

Đối tác nghiên cứu của chúng tôi là Viện liên doanh Phân tích Năng lượng Chiến lược (JISEA) đã dự báo rằng, vào năm 2025, cải tiến công nghệ sẽ giúp giảm giá phong điện 29% và giảm giá điện mặt trời 44%. Tính chung trên toàn thế giới, thủy điện vẫn nằm trong nhóm có giá cạnh tranh nhất.

Thứ ba, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo là một cỗ máy "tạo việc làm". Số lượng lao động trong ngành này trên toàn cầu hiện là 9,5 triệu và đang tăng với tốc độ 5%/năm.

Điều này có nghĩa là mỗi năm sẽ có thêm khoảng 475.000 việc làm mới. Việc làm trong ngành này dồi dào nhất ở Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nhật và Đức.

Nhưng chúng ta còn có cơ sở để lạc quan hơn nữa. Các tiến bộ công nghệ và cam kết tạo lập chính sách có thể mở đường cho một thế giới nơi phong điện chiếm đến 1/3 sản lượng điện toàn cầu vào giữa thế kỷ này. Dự báo đó không phải là "bánh vẽ". Ngược lại, dự báo đó phản ánh tốc độ tiến bộ công nghệ hiện nay.

Các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu của chúng tôi đang cải tiến công nghệ phong điện với mục tiêu đưa giá sản xuất phong điện về 3 cent/kWh.

Không chỉ hạn chế trong phong điện và điện mặt trời, cải tiến công nghệ thủy điện cũng hứa hẹn sẽ tăng hiệu suất đáng kể cho các nhà máy.

Cải tiến về thủy điện hưởng lợi từ cuộc cách mạng kỹ thuật số. Ví dụ, Digital Hydro Plant là sự kết hợp độc nhất vô nhị giữa máy móc và phần mềm, hoạt động dựa trên phân tích dữ liệu, và cải thiện năng suất của các nhà máy thủy điện trên toàn cầu. Phân tích dữ liệu tính toán chính xác hơn năng suất của tua bin, nhà máy và các thiết bị, hỗ trợ quản lý chi phí và sản xuất điện.

Chỉ hơn 100 năm trước, trong một quảng cáo trên Scientific American, chúng tôi đã hình dung một thế giới - nơi con người có thể khai thác thành công tiềm năng của mặt trời, của gió và của biển cả. Tầm nhìn đó, cùng với sự đầu tư không ngừng vào cải tiến công nghệ, đã giúp hình thành thế giới năng lượng tái tạo nơi chúng ta đang sống.

Vì vậy, hãy tưởng tượng điều gì sẽ đến trong 10 năm nữa!

;

Bài liên quan