Thứ ba, 12/04/2022 | 17:10

Đối diện nguy cơ thiếu điện

Đối diện nguy cơ thiếu điện

Đối diện nguy cơ thiếu điện

Nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau quãng thời gian đình trệ bởi dịch bệnh Covid-19, nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Hai năm 2022 và 2023 là giai đoạn cao điểm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cũng là thời điểm doanh nghiệp trong và ngoài nước mở rộng sản xuất, kinh doanh. Việc đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế là vấn đề thách thức trong bối cảnh nhiều dự án cung cấp, truyền tải đang đối mặt với hàng loạt khó khăn.
theo tính toán, hệ thống điện miền bắc tiềm ẩn nguy cơ thiếu công suất đỉnh trong các tháng cuối mùa khô, đầu mùa lũ...Ảnh chỉ mang tính minh họa. nguồn internet
Theo tính toán, hệ thống điện miền Bắc tiềm ẩn nguy cơ thiếu công suất đỉnh trong các tháng cuối mùa khô, đầu mùa lũ...Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Thách thức về nguồn cung Mới đây Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, điện cho phát triển kinh tế đang là vấn đề nóng. Các năm 2022 - 2023 là giai đoạn cao điểm thực hiện đầu tư, nếu nhu cầu điện không được đáp ứng sẽ kéo giảm sức phục hồi kinh tế. “Nếu các dự án đầu tư vào ngành điện chậm trễ, hoạt động sản xuất, truyền tải, phân phối điện không thông suốt, không đáp ứng nhu cầu sử dụng, tốc độ phục hồi và phát triển của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cảnh báo. Thông tin về tình hình cung ứng điện thời gian tới, Tập đoàn Điện lực (EVN) cho biết, theo tính toán, hệ thống điện miền Bắc tiềm ẩn nguy cơ thiếu công suất đỉnh trong các tháng cuối mùa khô, đầu mùa lũ, cụ thể là các tháng 5, 6 và 7. Về tiến độ các dự án nguồn điện, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN thông tin, những dự án do EVN làm chủ đầu tư triển khai đúng hoặc sớm hơn tiến độ nhưng các dự án khác đều đang chậm tiến độ. Bên cạnh đó, tiến độ dự án lưới truyền tải cũng bị ảnh hưởng do vướng mắc về mặt bằng. Tình hình cung cấp than cho sản xuất điện gần đây gặp rất nhiều khó khăn do nguồn cung năng lượng sơ cấp bị ảnh hưởng, giá nhập khẩu cao. Theo EVN, cuối tháng 3, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do nhiều tổ máy phải dừng và giảm phát. Ông Vũ Văn Lợi, Trưởng ban Đầu tư xây dựng thuộc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam cho hay, việc vận hành nhà máy nhiệt điện than giai đoạn hiện nay là vấn đề đáng ngại. Mặc dù nguồn than cho sản xuất điện được TKV cam kết, nhưng thời gian qua sản lượng cung cấp suy giảm, trong khi giá nhập khẩu lên tới gần 300 USD/tấn (trước đây là 60 - 70 USD/tấn). Ngày 31/3, TKV vừa phải hủy thầu đối với 2 gói thầu mua than nhập khẩu có tổng giá gói thầu hàng nghìn tỷ đồng do không có nhà thầu tham dự. Nguy cơ thiếu than cho sản xuất điện càng thêm căng thẳng. Hóa giải thế nào?
Để đủ nguồn cung, EVN đề nghị Chính phủ chỉ đạo các chủ đầu tư bảo đảm tiến độ vận hành các nguồn điện lớn. Đồng thời, EVN đề xuất có cơ chế phát triển nhanh các nguồn điện tái tạo ở miền Bắc để có thể huy động thêm nguồn cung cấp điện. EVN cũng kêu gọi người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả… PGS. TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng cho rằng, có một thực tế là EVN cũng như các đơn vị mua buôn hiện đang mua điện theo giá của thị trường và bán điện theo giá của Nhà nước quy định. Do đó, khi giá đầu vào biến thiên còn giá đầu ra không đổi thì mức độ chịu đựng của EVN cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Nếu hoạt động của EVN không bảo đảm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đầu tư trong dài hạn cũng như vấn đề an ninh cấp điện. “Nếu giá nhiên liệu cứ tiếp tục leo thang như hiện nay thì chúng ta không thể giữ mãi giá điện không thay đổi. Theo đó, phải chấp nhận điều chỉnh giá điện từng bước theo cơ chế thị trường”, ông Hồi nêu quan điểm và cho rằng, bất kể đầu tư của Nhà nước hay tư nhân thì cũng phải bảo đảm được lợi ích của nhà đầu tư. Ở phương diện Nhà nước, đó là lợi ích tổng thể của xã hội, trong đó có lợi ích ngành điện nhằm đảm bảo tái đầu tư mở rộng. Với đầu tư tư nhân, nếu cứ giữ giá mua thấp thì chắc chắn không thể thu hút nhà đầu tư. Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho rằng, cần có cơ chế thưởng, phạt rõ ràng đối với nhà đầu tư dự án điện. Nếu nhà đầu tư nào thực hiện dự án chậm tiến độ thì có cơ chế phạt, thu hồi dự án để giao cho nhà đầu tư khác. Đây cũng là giải pháp nhằm loại bỏ những nhà đầu tư “lướt sóng”, tránh tình trạng làm mất cơ hội của nhà đầu tư thực sự. Về phía nhà đầu tư, đại diện Công ty CP Tập đoàn Năng lượng T&T, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam… bày tỏ mong muốn hoàn thiện các cơ chế chính sách đầu tư vào năng lượng xanh, năng lượng sạch nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, khơi thông dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Nguồn: Báo Đấu thầu

;
Từ khóa: Tin tức - Sự kiện

Bài liên quan