TRẦN VIẾT NGÃI, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Đường dây 500kV mạch 3, Nhà nước giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức triển khai thực hiện, EVN giao cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) làm chủ đầu tư và Ban QLDA các công trình điện miền Trung thay mặt chủ đầu tư quản lý dự án.
Đường dây 500kV mạch 3 có ý nghĩa kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, quốc phòng rất to lớn, đảm bảo việc tăng cường cấp điện từ các nhà máy điện ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên vào cho các tỉnh phía Nam hiện nay đang còn thiếu điện. Ngoài ra, Đường dây 500 kV mạch 3 còn làm nhiệm vụ liên kết lưới điện khu vực và lưới điện quốc gia ở cấp điện áp 500 kV.
Hiện nay, do phân bố các nhà máy điện ở 3 miền không đều, hiện tại các nhà máy nhiệt điện, thủy điện đang tập trung nhiều ở miền Bắc và miền Trung. Mới đây Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh) thì đã có nhiều dự án nhiệt điện được xây dựng ở khu vực miền Nam. Các nhà máy điện này hiện nay đã và đang xây dựng, một số dự án đã đi vào vận hành như: Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Duyên Hải 2, Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3… góp phần cung cấp điện tại chỗ cho khu vực này, tuy vậy do sự phát triển kinh tế ở khu vực phía Nam ngày càng tăng trưởng mạnh, trong đó công nghiệp, nhất là lĩnh vực đầu tư FDI, nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến, đánh bắt thủy hải sản ngày càng phát triển cao… dó đó việc tăng trưởng điện năng ở khu vực này là mang tính tất yếu.
Đường dây 500 kV mạch 3 được quyết định đầu tư vừa mang tính chất cung cấp điện lâu dài, nhưng còn có ý nghĩa giải quyết tình huống, trong những năm trước, việc các nhà máy điện tại miền Nam chưa đủ cấp nguồn điện tại chỗ thì ý nghĩa của đường dây này đóng góp vào đây rất to lớn.
Đường dây 500kV mạch 3 này được chia làm 3 phân đoạn, phân đoạn thứ nhất đi từ Vũng Áng vào Quảng Trạch để sau này cung cấp điện từ Quảng Trạch - một trong những Trung tâm điện lực lớn của cả nước, dài 32 km; phân đoạn thứ hai, đi từ Quảng Trạch đến Dốc Sỏi có chiều dài 500 km; phân đoạn thứ ba từ Dốc Sỏi đi PleiKu2 có chiều dài 209 km. Tổng cộng đường dây 500 kV mạch 3 có chiều dài 744 km, với tổng vốn đầu tư 12.400 tỷ đồng.
Do yêu cầu sớm có điện cung cấp cho miền Nam vào năm 2019, do vậy, Chính phủ giao cho EVN, NPT chỉ đạo xây dựng công trình hoàn thành trong 18 tháng, dự kiến khởi công tháng 9/2017 và hoàn thành đưa vào vận hành quý I/2019.
Với thời gian thi công đường dây có chiều dài 744 km trong vòng 18 tháng là thời gian mang tính kỷ lục, hết sức khẩn trương…. Để đảm bảo được tiến độ này thì EVN đã huy động bốn công ty tư vấn gồm: Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1, Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2, Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 3, Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 4 và Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) tập trung khảo sát thiết kế, lập bản vẽ thi công, bản vẽ chế tạo và nhiều công việc khác của chức năng tư vấn để đảm bảo trong thời gian nhanh nhất xác định được hướng tuyến đi, xác định được vị trí móng, trong đó có nhiều móng néo, móng cột đỡ, móng cột vượt các sông suối, đồi núi, thiết kế các loại cột, thiết kế các loại móng cột tương xứng…. Trong suốt thời gian qua, năm đơn vị tư vấn này làm việc ngày đêm, không kể ngày nghỉ, trong đó đưa một lực lượng lớn lấy mẫu địa chất, đất đá, thí nghiệm cường độ, một lực lượng tính toán, xác định, thiết kế từ móng cột, dây dẫn, tiết diện, trạm biến áp…
Bên cạnh đó, NPT lập ban chỉ đạo và trực tiếp chỉ đạo Ban QLDA các công trình điện miền Trung khẩn trương lập hồ sơ mời thầu để cho các đơn vị tham gia xây lắp, cung ứng vật tư thiết bị, vật liệu…để triển khai sớm đáp ứng nhu cầu với thời gian khẩn trương nhất.
Để tiện lợi cho công tác vận hành sau này, dự kiến công tác giám sát chất lượng công trình, EVN và NPT sẽ giao cho bốn công ty truyền tải làm nhiệm vụ này, điều này đồng nghĩa với bốn công ty này sẽ quản lý, vận hành công trình này.
Rút kinh nghiệm, bài học, rất nhiều điều hay có tính sáng tạo và kế thừa từ việc xây dựng đường dây 500 kV mạch 1 (1992-1994), đường dây 500 kV mạch 2 và một đường dây dài trên 400 km là đường dây 500kV Pleicu - Mỹ Phước - Cầu Bông, điều đó để nói lên rằng EVN, NPT, Ban QLDA các công trình điện miền Trung có đủ năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm, cộng với những công nghệ mới, quyết tâm cao, chúng ta tin tưởng rằng công trình đường dây 500 kV mạch 3 này sẽ hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, cũng như tính an toàn cao.
Rút những bài học từ việc xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam mạch 1, có những kinh nghiệm giá trị cao nên vận dụng, xin nêu một vài ví dụ để đảm bảo được tiến độ khẩn trương nhất.
Thứ nhất, về công tác tư vấn, việc tổ chức xác định các vị trí móng cột, các công ty tư vấn chỉ cần xác định các vị trí cột móng néo, móng đỡ vượt và móng cột vượt, còn xác định tất cả các loại móng cột trung gian để các công ty xây lắp tự đo đạc và xác định các vị trí ấy.
Thứ hai, cần xin Nhà nước một số cơ chế đặc thù, ví dụ như cho phép thuê ngoài (chủ yếu là lực lượng địa phương) để làm các công việc như: vận chuyển vật tư thiết bị, vật liệu xây dựng cát, sỏi đá, xi măng, sắt thép kể cả vận chuyển các cự ly ngắn, nhất là ở các độ dốc…; lựa chọn những đơn vị có đủ năng lực để vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng, máy biến áp, máy cắt. Nhà nước nên hỗ trợ một phần kinh phí.
Thứ ba, đối với công việc xây lắp là vấn đề quan trọng để đảm bảo tiến độ, do đó cho phép các công ty đào móng, rửa vật liệu, đào đúc móng, dây tiếp địa và vận chuyển vật liệu ở đường ngắn, ở những vị trí phải dùng sức người.
Để đảm bảo tiến độ đúc móng cũng như dựng cột, các đơn vị xây lắp cần đầu tư đầy đủ vật tư trang thiết bị như DT130 để tạo đường lên núi và thi công ở các vị trí trên đồi núi, sình lầy; và DT55 là thiết bị chuyên dùng để chuyên chở vật tư, vật liệu lên đồi núi cao, cũng như ở vị trí sình lầy…
Thứ tư, những vùng không có sóng điện thoại cho những đơn vị, tổ đội thi công ở trong rừng sâu thì nên trang bị bộ đàm icom để thường xuyên liên lạc một cách kịp thời.
Máy kéo dây là một thiết bị hết sức quan trọng, cần kiểm tra số lượng, chất lượng của từng đơn vị xây lắp để đảm bảo tiến độ, nếu thiếu cho chế tạo thêm.
Thứ năm, về quản lý chất lượng, rút ra từ đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1, cần Chính phủ cho phép bố trí lực lượng công an các địa phương có đường dây điện đi qua theo dõi giám sát, nhất là việc ngăn chặn ăn cắp, bớt xén vật liệu và an ninh cho đường dây… Trong vật liệu thi công cần quan tâm vật liệu đưa vào đúc móng, cát, sỏi, đá phải được rửa sạch, xi măng độ max phải theo thiết kế, việc nhào, trộn phải hết sức kỹ; độ sâu và rộng của kích thước móng phải đúng thiết kế. Trong quá trình thi công móng, công tác đầm, nén chặt cũng cần phải đặc biệt quan tâm. Cần chú ý lắp đặt bu long móng phải đúng kích thước, vị trí và đảm bảo đúng kỹ thuật…
Song song với giám sát công trường, ngoài bốn công ty truyền tải thì vai trò giám sát tác giả của bốn công ty tư vấn và giám sát công trình của Ban quản lý dự án hết sức quan trọng. Làm tới đâu cần ghi vào nhật ký giám sát công trình…
Để kịp thời đảm bảo tiến độ công trình trong thời gian 18 tháng thì việc dùng đòn bẩy khuyến khích người công nhân, cán bộ trên công trường hết sức quan trọng, do đó cần tổ chức khoán gọn cho từng tổ, đội, đơn vị… cá nhân, đơn vị nào vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng thì kịp thời thưởng vật chất, đồng thời bồi dưỡng cho những cá nhân, đơn vị làm ngày, đêm, ngày nghỉ…
Một vấn đề quan trọng nữa, EVN, NPT cũng như Ban QLDA các công trình điện miền Trung phải có các vị tổng chi huy, phó chỉ huy tực tiếp phụ trách để điều độ các nội dung công việc của công trình hàng ngày, hàng tuần tùy theo mức độ công việc nhanh hay chậm.
Vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư của từng địa phương, EVN, NPT cần xin Chính phủ cơ chế giao khoán trách nhiệm này cho địa phương. Nếu địa phương nào mà triển khai chậm thì phải trịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam hết sức vui mừng và hoàn toàn ủng hộ chủ trương xây dựng đường dây này và sẵn sàng chia sẻ, đóng góp những kinh nghiệm, hiểu biết bổ sung thêm cho công trình, đồng thời, sẵn sàng tuyên truyền để toàn Đảng, toàn dân biết được giá trị to lớn của công trình này.
Đây là một công trình có ý nghĩa lịch sử, đánh giá tầm nhìn xa của ngành Điện lực Việt Nam, cũng như năng lực thực hiện để đảm bảo xây dựng được nhiều công trình được dây 500 kV dài hàng nghìn km trong thời gian nhanh nhất, tiết kiệm nhất. Các đường dây 500 kV này xuất hiện có ý nghĩa làm ổn định hệ thống điện quốc gia, cung cấp đủ điện năng cho miền Nam đang còn thiếu điện, đồng thời liên kết lưới điện 3 miền thống nhất với nhau.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chia sẻ khó khăn gian khổ, thách thức với EVN, với NPT và Ban QLDA các công trình điện miền Trung và mong muốn, tin tưởng những mục tiêu đưa ra cho công trình này sẽ được đúng tiến độ, chất lượng, hoàn thành chủ trương của Chính phủ. Chúc cho sự thành công, sự thắng lợi, để đánh dấu thêm một mốc son lịch sử của ngành điện trong thế kỷ 21.