Trong câu chuyện với chúng tôi, Giám đốc Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau Ngô Văn Chiến không khỏi xúc động khi kể về quá trình xây dựng và phát triển của đơn vị. Theo đó, Cụm dự án khí - điện - đạm Cà Mau đặt tại xã Khánh An, huyện U Minh, có diện tích hơn 230ha, bao gồm các dự án đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau, Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, Nhà máy đạm Cà Mau... "Ở cụm dự án này có nhiều cái nhất. Đó là công suất lớn nhất, thi công trong thời gian nhanh nhất, nằm xa nhất, điều kiện thi công khó khăn nhất, phát huy nội lực lớn nhất và do lực lượng kỹ sư, công nhân trẻ nhất đảm nhận" - ông Chiến cho biết.
Khu vực đặt hai nhà máy điện được xây dựng trên diện tích rộng 35ha, là khu đầm lầy ngập mặn, xen lẫn những vuông tôm. Việc xây dựng một nhà máy quy mô lớn trên nền đất yếu cực kỳ phức tạp. Những mũi khoan thăm dò sâu tới 25m mà vẫn thấy bùn, cọc bê tông dài 75m đóng xuống mất hút... nên những ngày đầu xây dựng nhà máy, việc nghiên cứu công nghệ và xử lý nền móng tốn rất nhiều thời gian, công sức. Nhưng với quyết tâm của sức trẻ, sự bền bỉ của những người con ngành Dầu khí, chỉ trong hơn 1 năm, hai nhà máy điện đã chính thức vận hành. Nhà máy điện Cà Mau 1 khởi công ngày 9-4-2006, vận hành thương mại ngày 20-3-2008; Nhà máy điện Cà Mau 2 khởi công tháng 6-2007 và vận hành thương mại vào ngày 23-12-2008. Và cuối tháng 12-2008, toàn bộ dự án đường ống dẫn khí vào Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 được khánh thành.
Hơn 10 năm xây dựng và trưởng thành, với nền tảng vững chắc từ Công ty mẹ PV Power, Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau đã khẳng định được vai trò của mình, phát huy những thành quả đạt được trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hai nhà máy điện hoạt động an toàn, ổn định và hiệu quả, đã phát lên lưới điện quốc gia với tổng sản lượng đạt gần 70 tỷ kWh. Trong số 8 nhà máy điện mà PV Power đang quản lý, hai nhà máy của Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau đã chiếm tới hơn 50% tổng sản lượng (PV Power cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 136 tỷ kWh sau gần 10 năm hoạt động), đóng góp đáng kể trong 15% thị phần của PV Power trên sản lượng điện thương phẩm quốc gia (đứng thứ 2 sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Đặc biệt, đi vào hoạt động đúng thời kỳ đất nước phát triển mạnh mẽ, nhu cầu điện của cả nước tăng 15 - 17%/năm, hai nhà máy đã giải quyết được tình trạng thiếu điện vào mùa khô hằng năm, ổn định năng lượng cho khu vực phía Nam và quốc gia.
Được ví như "gà đẻ trứng vàng" của ngành Điện lực dầu khí, đến nay, Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau đã đạt doanh thu trên 96.800 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 2.400 tỷ đồng. Trong năm 2017 này, nhiệm vụ trọng tâm của Công ty là đạt sản lượng điện trên 7,5 tỷ kWh, tổng doanh thu là 8.890 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 180 tỷ đồng.
Cả hai nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 1.500MW, với công nghệ tiên tiến do Siemens AG (Đức) cung cấp phần chính. Ưu điểm của công nghệ là có phương pháp làm mát tuần hoàn khép kín, vận hành 6.000 giờ/năm, trong vòng 25 năm. Lượng khí tiêu thụ khoảng 1,4 tỷ mét khối/năm, điện năng 7,2 - 9 tỷ kWh/năm. |