Nhìn lại chặng đường 10 năm vừa qua của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) sẽ thấy ngay rằng, tập thể những “người Dầu khí làm điện” có quyền tự hào về những gì mình đã làm được. Từ “con đường sỏi đá” chồng chất khó khăn, thử thách, họ đã tạo dựng được “đường băng” để PV Power “cất cánh” bay cao hơn nữa trong chặng đường tiếp theo. Hãy cùng giải mã những thành công mà PV Power đã đạt được.
Chủ trương làm nên thành công
Nguyên nhân lớn nhất là tập thể người lao động PV Power đã đoàn kết trên dưới một lòng. Đây chính là yếu tố cần và đủ để họ vượt qua mọi khó khăn, từ đó có những suy nghĩ tích cực, đồng thuận, thực hiện được những giải pháp, kế hoạch chiến lược và có bước đi thích hợp trong từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo PV Power qua các thời kỳ đã có những phân tích sâu sắc về thực tế của đơn vị, xác định rõ phương hướng để đưa ra ba chủ trương lớn, đóng vai trò xuyên suốt hành trình phát triển của PV Power.
Trước hết là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Xác định yếu tố con người là cốt lõi và có giá trị lâu dài, nên PV Power đã cực kỳ chú trọng về công tác đào tạo nhân lực. Vì thế, việc đào tạo, chuyển giao công nghệ được ký kết trong hợp đồng EPC của nhà thầu nước ngoài là rất rõ ràng. Các cán bộ PV Power hầu như đều được vừa làm - vừa đào tạo. Tỷ lệ cán bộ, công nhân viên có trình độ đại học và trên đại học của đơn vị đạt hơn 70%. Có thể nói, ít có đơn vị nào trong ngành điện lại có đội ngũ lao động trình độ cao như PV Power. Cũng nhờ có nguồn nhân lực chất lượng cao, tác phong làm việc chuyên nghiệp và yêu nghề nên PV Power đã làm chủ công tác vận hành các nhà máy điện, có khả năng tự bảo dưỡng các khối thiết bị phụ trợ và đang thực hiện chủ trương dần thay thế các nhà sản xuất gốc trong công tác sửa chữa đối với các khối thiết bị chính của nhà máy điện như turbine và máy phát.
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1
Chủ trương tiếp theo là PV Power luôn xác định bảo dưỡng nhà máy là khâu cực kỳ quan trọng. Cũng chính vì thế, PV Power đã thành lập một đơn vị là Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power Services), chuyên cung ứng các dịch vụ bảo dưỡng các nhà máy điện. Cách làm này đã tạo ra một đội ngũ làm công tác bảo dưỡng rất chuyên nghiệp, có trình độ cao, giảm được biên chế và tiết kiệm được chi phí vận hành, bảo dưỡng rất lớn. Đồng thời nâng cao, tối ưu hóa quản lý nguồn nhân lực. Một bộ phận nhân lực nhỏ phụ trách bảo dưỡng, sửa chữa tại các nhà máy, còn kỹ sư chính thì xoay vòng các nhà máy theo lịch đại tu các nhà máy. Vì vậy, việc bảo dưỡng nhà máy sẽ dần hướng tới nội địa hóa, tránh phải thuê chuyên gia nước ngoài.Tiếp đến là chủ trương về công tác đầu tư. PV Power luôn coi chiến lược phát triển dài hạn là mục tiêu hàng đầu song song với phát triển nguồn nhân lực, đó là kim chỉ nam xâu chuỗi mọi hoạt động của đơn vị. Trong công tác đầu tư, PV Power là đơn vị ngành điện đầu tiên ở Việt Nam có đủ mọi loại hình năng lượng: thủy điện, nhiệt điện khí, nhiệt điện than, năng lượng tái tạo (cụ thể là điện gió). Thế mạnh của PV Power được xác định là các nhà máy nhiệt điện khí, nằm trong chuỗi giá trị từ thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Riêng về khí điện, PV Power hiện nay đứng đầu toàn quốc với công suất 2.700MW của 4 nhà máy.
Kỳ vọng vào những trung tâm điện - khí mới
Trong chiến lược đã được Chính phủ phê duyệt, PVN/PV Power dưới sự chỉ đạo của Chính phủ sẽ phát triển thêm 4 trung tâm điện - khí mới là Nhơn Trạch 3-4 sử dụng LNG nhập khẩu; Trung tâm khí điện ở Kiên Giang; Trung tâm Khí điện Sơn Mỹ 2 và Trung tâm Khí điện ở miền Trung sử dụng khí từ mỏ Cá voi Xanh.
Sau khi đầu tư thành công Nhơn Trạch 1-2, PV Power đã trình và được Thủ tướng phê duyệt bổ sung Dự án Nhơn Trạch 3 và 4 vào Quy hoạch điện Quốc gia (Tổng sơ đồ điện VII) vận hành lần lượt trong các năm 2020 và 2021. Bên cạnh đó, Trung tâm Điện khí ở Kiên Giang, sử dụng khí Lô B - Ô Môn, theo Tổng sơ đồ điện 7 được Chính phủ phê duyệt, sẽ đi vào hoạt động từ khoảng năm 2021-2022 với tổng công suất lắp đặt là 1.500MW. Trung tâm Điện lực ở Sơn Mỹ 2 (tỉnh Bình Thuận) sử dụng LNG nhập khẩu đã được Thủ tướng giao cho PVN. Ở đây sẽ có 3 nhà máy Sơn Mỹ 2.1, 2.2, 2.3. Mỗi nhà máy có công suất 750MW và vận hành lần lượt bắt đầu từ năm 2023. Và gần đây PVN đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư Dự án mỏ khí Cá Voi Xanh với Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ). Chính phủ đã giao cho PVN phát triển hai dự án gắn với ký kết này và PV Power cũng đã có biên bản ghi nhớ hợp tác với UBND tỉnh Quảng Nam để chuẩn bị điều kiện về mặt bằng, cơ sở vật chất cho hai dự án.
Cổ phần hóa để tạo động lực phát triển
Để cổ phần hóa thành công phải giải quyết 3 việc: Thứ nhất là xác định giá trị doanh nghiệp, thứ hai là xây dựng chiến lược phát triển của công ty sau cổ phần hóa và thứ ba là tìm kiếm cổ đông chiến lược đồng hành.
Về xác định giá trị doanh nghiệp, trước khi cổ phần hóa thì tổng giá trị tài sản của PV Power khoảng 50.485 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 23.481 tỉ đồng, còn lại là vốn vay. Tỷ lệ vốn vay và vốn chủ sở hữu ở ngưỡng rất an toàn xấp xỉ 1:1, như vậy là rất cân bằng giữa vốn vay và vốn chủ sở hữu.
Cơ cấu tài chính của PV Power có thể nói là rất bền vững. Sau khi đánh giá lại, vốn Nhà nước tăng khoảng 10.000 tỉ đồng (từ 23.481 tỉ đồng, tăng lên thành 33.557 tỉ đồng). Bước xác định giá trị doanh nghiệp của PV Power đã được phê duyệt.
Về xây dựng chiến lược phát triển sau cổ phần hóa. PV Power đang triển khai xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa với mục tiêu trở thành tổng công ty công nghiệp điện - dịch vụ mạnh, năng động và có năng lực cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh điện, cung cấp các sản phẩm dịch vụ liên quan, trong đó lấy sản xuất điện là trọng tâm hàng đầu.
Sau khi cổ phần hóa, PV Power tiếp tục vận hành hiệu quả các nhà máy điện Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2, đồng thời triển khai đầu tư các dự án nhiệt điện khí mới và tiếp nhận quản lý, vận hành các nhà máy nhiệt điện than do PVN đầu tư. Giai đoạn 5 năm đầu tiên sau cổ phần hóa, PV Power đặt mục tiêu cung ứng cho hệ thống điện quốc gia trên 200 tỉ kWh điện, doanh thu bình quân đạt khoảng 40.000 tỉ đồng/năm.
Về lộ trình IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) và tìm kiếm cổ đông chiến lược. PV Power dự kiến sẽ thực hiện IPO trong khoảng quý III/2017. PV Power sẽ chào bán công khai cổ phiếu ra thị trường lần đầu, sau khi được Thủ tướng phê duyệt. Sau khi IPO thành công sẽ hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và cuối năm 2017, đầu năm 2018 dự kiến sẽ tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu.
Vấn đề lớn của PV Power là tìm cổ đông chiến lược. Hiện PV Power đang có danh mục 50 nhà đầu tư tiềm năng trên toàn thế giới và sẽ rút lại khoảng 10 nhà đầu tư để có lựa chọn chính xác cuối cùng.
Chặng đường tiếp theo
Lộ trình phát triển PV Power trong 10-20 năm tới được xác định là tích cực tham gia vào hệ thống điện cạnh tranh, thu hút đầu tư về điện. Đó là xu hướng hợp lý khi định hướng của ngành điện Việt Nam đang tiến tới thúc đẩy các tổ chức cá nhân tham gia vào phát triển nguồn điện.
Hiện nay, PV Power đang xây dựng các kịch bản sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa. Theo đó ưu tiên tập trung phát triển các dự án khí và quản lý, tiếp nhận các dự án than do Tập đoàn bàn giao.
PV Power vẫn xác định việc xây dựng và phát triển các nhà máy điện, dù là điện khí, điện than cũng luôn cần chú ý tới việc bảo vệ môi trường. PV Power dự tính đến năm 2020 phải có 3% năng lượng tái tạo trong tổng công suất; đến năm 2030 phải có 6%. Đây sẽ là một bước đột phá nếu thực hiện thành công và PV Power đang chuẩn bị kỹ càng để tiến tới đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo.