Bên cạnh việc đầu tư cho dây chuyền khai thác, sản xuất dầu mỏ và khí đốt, việc đầu tư cho chuyển đổi năng lượng cũng cách tiếp cận tiếp theo để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.
Cơ sở khai thác khí đốt tự nhiên Bin Omar tại thành phố cảng Basra của Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chưa bao giờ bài toán năng lượng lại cấp bách đối với thế giới như hiện nay trong bối cảnh nguồn cung chịu tác động nghiêm trọng của các yếu tố địa chính trị, xã hội, đe dọa làm đứt gãy đà hồi phục kinh tế và có nguy cơ làm trầm trọng hơn thách thức về chuỗi cung ứng.
Chỉ trong một năm qua, thế giới đã chứng kiến quá nhiều biến động trên thị trường năng lượng, tác động đến mọi khía cạnh của "cỗ máy" kinh tế toàn cầu.
Do những hạn chế đi lại nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19, nhu cầu dầu mỏ đã giảm mạnh, trong khi sản lượng không được cắt giảm đủ nhanh, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ giữa tháng 4/2020 có lúc giảm xuống dưới 0 USD/thùng (khoảng -40 USD/thùng).
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu ở mức âm, đồng nghĩa với việc người bán phải trả tiền để "giải phóng" dầu tồn kho.
Tuy nhiên, khi các nước dần trở lại cuộc sống bình thường sau đại dịch COVID-19, nhu cầu về dầu mỏ cũng phục hồi, cùng với tác động của các yếu tố địa chính trị, cụ thể là căng thẳng Nga-Ukraine, giá dầu mỏ toàn cầu đã liên tục ghi nhận mức đỉnh, có thời điểm gần chạm mốc 140 USD/thùng.
Ước tính, giá dầu đã tăng đột biến khoảng 60% kể từ đầu năm nay, làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và lạm phát sau giai đoạn đình trệ vì dịch COVID-19.
Không chỉ vậy, giá dầu tăng phi mã kéo theo nhiều hệ lụy không thể tránh khỏi, đó là lạm phát tăng, giá thực phẩm và dịch vụ tăng, chuỗi cung ứng vốn đã tắc nghẽn nay càng khó khăn.
Điều này đòi hỏi các nước thế giới cần có cách tiếp cận chặt chẽ hơn, bền vững hơn và có lộ trình đối với các nguồn năng lượng như dầu mỏ hay khí đốt.
Tại Diễn đàn Năng lượng toàn cầu lần thứ sáu vừa bế mạc tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohamed Barkindo nhấn mạnh điều cần thiết vào thời điểm hiện nay là xem lại cách các nước thăm dò, sản xuất, tinh chế, phân phối và tiêu thụ hydrocarbon, cũng như điều chỉnh các hoạt động này cho phù hợp với thực tế, đặc biệt là về tính bền vững.
Trên thực tế, hệ thống năng lượng toàn cầu hiện nay chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, trong đó địa chính trị, phương thức khai thác và sản xuất dầu mỏ và khí đốt, cách thức phân phối có tác động lớn nhất. Nếu một trong những yếu tố này bị "lung lay," hệ thống năng lượng có thể rơi vào trạng thái mất cân bằng.
Bởi vậy, tính bền vững được xem là mấu chốt để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt có bền vững được hay không phụ thuộc vào chính sách của từng nước, đặc biệt là các nguồn đầu tư hợp lý. Việc thiếu vốn đầu tư trong khâu thăm dò sẽ dẫn tới hậu quả tất yếu là sự mất cân đối giữa gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác, để rồi tiêu lạm vào kho dự trữ.
Như vậy, trong trường hợp xảy ra cú sốc địa chính trị ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng toàn cầu, nước đó có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng dầu mỏ và khí đốt.
Theo ông Barkindo, triển vọng ngành dầu khí thế giới đến năm 2045 cho thấy ngành này sẽ cần nguồn vốn đầu tư khoảng 11.800 tỷ USD cho các hoạt động thăm dò, khai thác, sản xuất và tinh chế.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Diễn đàn Năng lượng quốc tế (IEF) và hãng phân trích IHS Markit cho thấy tổng vốn đầu tư cho riêng hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí toàn cầu đã giảm 23% so với các mức trước đại dịch, xuống còn 341 tỷ USD trong năm 2021.
Trong khi đó, ông Sultan bin Ahmed Al Jaber, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến UAE, nhận định ngành dầu khí cần khoản đầu tư trị giá 600 tỷ USD trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 để bắt kịp với nhu cầu đang gia tăng.
Ông cũng dự đoán trong ngắn hạn, thế giới sẽ chứng kiến thị trường năng lượng càng siết chặt với nhu cầu sẽ tăng gần 3 triệu thùng dầu so với năm ngoái và sẽ quay về mức như trước đại dịch vào quý 4 của năm nay.
Bên cạnh việc đầu tư cho dây chuyền khai thác, sản xuất dầu mỏ và khí đốt, thì việc đầu tư cho chuyển đổi năng lượng cũng được đề cập đến nhiều tại diễn đàn này và đây là cách tiếp cận tiếp theo để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.
[Chủ tịch ECB cảnh báo nguy cơ giá năng lượng leo thang]
Trong 3 tháng cuối năm 2021, châu Âu đã chứng kiến giá khí đốt tăng vọt do thiếu nguồn cung, một mặt do lượng khí đốt từ Nga bị cắt giảm, mặt khác do tiến trình chuyển đổi năng lượng tại một số nước quá nhanh, không có giai đoạn chuyển tiếp đủ lâu để đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng.
Pháp thường được coi là nước xuất khẩu năng lượng của châu Âu nhưng nay đã thiếu hụt năng lượng kể từ khi Công ty điện lực Electricité de France SA ngừng hoạt động 4 lò phản ứng hạt nhân.
Cũng vào thời điểm đó, sản lượng điện của các nhà máy điện gió của Đức đã giảm xuống mức thấp nhất do thời tiết không thuận lợi, khiến giá điện tăng 30% lên mức kỷ lục 487 USD/MWh.
Từ những thực tế này, có thể thấy rõ việc xây dựng lộ trình chuyển đổi năng lượng dựa trên điều kiện kinh tế và xã hội thực tế là mắt xích quan trọng trong việc đảm bảo năng lượng bền vững và mục tiêu chuyển đổi năng lượng này cần một quá trình đủ chín muồi.
Việc sử dụng năng lượng hợp lý, tránh lãnh phí cũng là biện pháp đảm bảo năng lượng bền vững.
IEA mới đây cũng thúc đẩy các chính phủ xem xét những thay đổi phù hợp, theo đó cơ quan này đã công bố kế hoạch khẩn cấp gồm 10 điểm để cắt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu, bao gồm giảm giới hạn tốc độ đường cao tốc ít nhất 6 dặm (khoảng 9,6 km)/h, làm việc tại nhà tối đa 3 ngày/tuần nếu có thể và triển khai chính sách ngày Chủ nhật không có ôtô ở các thành phố.
Các bước khác trong kế hoạch khẩn cấp bao gồm tăng cường khai thác dịch vụ xe đi chung, sử dụng tàu cao tốc và tàu đêm thay vì máy bay, hạn chế đi công tác bằng máy bay khi có thể và khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp và giao thông công cộng.
Nếu thực hiện đầy đủ, theo IEA, nhu cầu dầu thế giới sẽ giảm khoảng 2,7 triệu thùng/ngày trong vòng 4 tháng, tương đương với lượng dầu được tiêu thụ của tất cả ôtô ở Trung Quốc.
Tổng Thư ký OPEC Mohamed Barkindo đánh giá dầu mỏ và khí đốt sẽ chiếm hơn 50% tổng khối lượng năng lượng toàn cầu vào năm 2045 và sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng ngay cả khi thế giới hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn.
Trong khi đó, mức tiêu thụ thế giới mỗi năm khoảng 4 tỷ tấn dầu và 3.500 tỷ m3 khí cho thấy vai trò không thể phủ nhận của dầu khí trong nguồn năng lượng thế giới.
Tuy nhiên, không có nguồn tài nguyên thiên nhiên nào là mãi mãi, do vậy, việc tìm kiếm các năng lượng thay thế, năng lượng "xanh" cần phải được ưu tiên.
Và để đảm bảo nguồn năng lượng của thế giới bền vững trước mọi cuộc khủng hoảng thì con đường chuyển đổi năng lượng cần song hành với quá trình khai thác, sản xuất và sử dụng dầu khí bền vững./.
;
Nguồn: Vietnamplus