Mông Cổ nỗ lực sản xuất điện từ năng lượng tái tạo
Ngày 19/2, ông Budargin và Bộ trưởng Ganhuu đã có cuộc hội đàm tại Ulan Bator về khả năng đẩy mạnh hợp tác năng lượng, bao gồm cả việc tạo điều kiện kỹ thuật cho việc hiện thực hóa tiềm năng xuất khẩu, nhập khẩu của hệ thống năng lượng giữa hai nước.
Theo sáng kiến của phía Mông Cổ, hai bên quan tâm đề cập đến chiến lược phát triển chung cho sự hội nhập về năng lượng của khối các quốc gia Đông Bắc Á.
Trong tương lai, chiến lược hợp tác này sẽ có khả năng tạo ra một vòng tròn năng lượng khép kín giữa Nga và khu vực Đông Bắc Á.
Cụ thể trước mắt, thông qua hành lang Mông Cổ, dự án sẽ cung cấp dòng điện cho các quốc gia Đông Bắc Á từ hệ thống năng lượng Siberia và nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Mông Cổ.
Phía Mông Cổ khẳng định sự quan tâm của mình trong việc thành lập một hành lang vận chuyển xuất khẩu điện từ Nga đến Mông Cổ, Đông Bắc Á và thậm chí có thể đến Đông Nam Á.
Hai bên cũng đã thảo luận khả năng tham gia của các chuyên gia Rosset trong dự án hiện đại hóa, xây dựng lại cơ sở hạ tầng lưới điện Mông Cổ.
Hai bên bày tỏ sẵn sàng tiếp tục thảo luận các vấn đề đã được đưa ra trong cuộc gặp này, nhằm phát triển hợp tác lâu dài.
Mông Cổ hiện nay phải chịu đựng sự thiếu hụt nghiêm trọng về điện, vì vậy đang có kế hoạch xây dựng một chuỗi các nhà máy thủy điện trên sông Selenga và các nhánh của nó.
Sông Selenga chảy vào hồ Baikal của Nga, nên việc xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông này ở phần đất thuộc Mông Cổ không được phía Nga ủng hộ.
Trong năm 2014, dự án thủy điện đã bị đình chỉ, nhưng Mông Cổ vẫn cố gắng tìm mọi cách để đảm bảo nguồn cung điện cho đất nước mình.
Về phần mình, Nga bày tỏ sẵn sàng cung cấp điện cho Mông Cổ với giá ưu đãi, để đổi lại việc Mông Cổ từ bỏ các dự án thủy điện có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho hồ Baikal.
Trong tháng 12/2016, Nga và Mông Cổ tuyên bố thành lập tổ công tác để giải quyết vấn đề này.