Cung đường đau khổ
Chúng tôi đến Nậm Cắt vào đúng “mùa nước kiệt” của Bắc Kạn. Chẳng ai có thể tưởng tượng ra một dòng sông lớn có lưu vực dài tới 290km với hàng chục phụ lưu và lưu lượng nước lên đến 4,2 tỉ m3 nước/năm lại có thể “nước chảy lơ thơ” đúng theo nghĩa đen như vậy. Mới đầu mùa khô nhưng sông Cầu nhiều đoạn đã cạn trơ đáy, những tảng đá hình ô van, tròn, dẹt muôn hình vạn trạng nằm ngổn ngang xuôi theo lòng sông. Con sông lớn như dòng suối nhỏ mà những đứa trẻ con lên 3 lên 5 cũng có thể dễ dàng lội ào ào từ bờ này sang bờ bên kia. Bởi vậy mà chiếc xe khách 16 chỗ ngồi của chúng tôi mới có thể dễ dàng 2 lần “vượt” sông Cầu để đến với Nhà máy Thủy điện Nậm Cắt, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông tỉnh Bắc Kạn.
Người làm điện lực dầu khí thường đùa vui cho rằng, Nhà máy điện Nậm Cắt được đặt ở nơi “nổi tiếng” với 3 cái “nhất”. Đó là xã nghèo nhất huyện, huyện nghèo nhất tỉnh và tỉnh thì nghèo nhất cả nước. Bởi vậy nên từ thị xã Bắc Kạn đến xã Đôn Phong có 2 con đường thì một đường đã bị trận lũ lớn giữa năm 2013 làm sập, hỏng nhiều đoạn khiến xe cộ không thể lưu thông, còn lại là đường liên xã của huyện Bạch Thông.
Trước khi đoàn xe khởi hành, anh Vũ Hoàng Long, Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty CP Dầu khí Bắc Kạn (PVP Bắc Kạn) đã giới thiệu trước: “Đây là con đường mệnh danh là “cung đường đau khổ”. Tính từ quốc lộ 3 đến nhà máy khoảng cách chỉ vỏn vẹn 13km nhưng đi ôtô phải mất ít nhất là 2 giờ đồng hồ”. Cán bộ trong đoàn ai cũng ngạc nhiên và thắc mắc với tốc độ của ôtô thì làm gì có chuyện đi lâu như thế? Anh Long mỉm cười hóm hỉnh rồi bỏ lửng một câu: “Các anh cứ đi thì biết, khó tả lắm”.
Hai tổ máy phát điện của Nậm Cắt đã phát điện đạt 100% công suất
Sau những thử thách khắc nghiệt, tưởng chừng Nậm Cắt đã được gặt hái “quả ngọt” sau hơn 1 năm phát điện ổn định với gần 20 triệu kWh điện cung cấp cho tỉnh Bắc Kạn thì nhà máy đã gặp “đại nạn”. Trận lũ quét kinh hoàng cuối tháng 5/2013 đã khiến nhiều khu vực xã Đôn Phong bị nước lũ nhấn chìm, Quốc lộ 3 đoạn Km 164 + 200 bị ngập sâu trong nước, các phương tiện giao thông trong tỉnh Bắc Kạn hoàn toàn bị tắc nghẽn. Mặc dù đã có các phương án phòng chống bão lũ nhưng khi sông lên quá nhanh, vượt báo động II 0,4m, toàn bộ Nhà máy Thủy điện Nậm Cắt đã bị lũ nhấn chìm.
Nhớ lại thời điểm đó, anh Hướng Văn Huấn, trưởng ca trực khi nước lũ ngập tràn nhà máy vẫn còn thấy xúc động: “Sáng ngày 29/5/2013, khi trực điều độ báo lũ về, nước sông lên rất nhanh nên báo động toàn bộ nhà máy. Mặc dù đã chuẩn bị các phương án chống lũ như làm kè đá, chặn bao cát, giằng chéo mái nhà… đồng thời toàn bộ cán bộ, công nhân viên trong nhà máy đã đội mưa, thay nhau xúc đất đổ xuống chân đê, liên tục xếp bao cát để chặn dòng nước lũ… “Trận chiến giữ nhà máy Nậm Cắt” giằng co gần 3 giờ thì đê phòng bị vỡ do gỗ, đá đầu nguồn đổ về đã tăng sức phá hoại của cơn lũ lên gấp nhiều lần. Dòng nước sông Cầu vốn hiền hòa là thế nay trở nên hung hãn, chỉ trong vòng 3 phút đã nhấn chìm toàn bộ khu vực đập, nhà máy của Nậm Cắt. Nhìn nhà máy ngập trong nước lũ, chúng tôi đều thấy đau đớn và bất lực. Đàn ông thì run rẩy siết chặt hai tay, đỏ hết cả vành mắt, phụ nữ thì chẳng còn ai phân biệt được nước mắt với nước mưa”.
Không nản lòng, ngay khi lũ rút, với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu PV Power, cán bộ, công nhân viên Nậm Cắt đã làm “sống lại” nhà máy. Hoàng Long, Bí thư Đoàn Nậm Cắt cho biết: “Khi nước lũ rút hết, chứng kiến Nậm Cắt bị tàn phá ai cũng đau lòng. Chúng tôi đã phải “bới” nhà máy ra từ hàng tấn đất đá, cát bùn và cả rác. Anh em đã động viên nhau dọn dẹp vệ sinh, tháo dỡ toàn bộ các thiết bị, turbine của hai tổ máy để lau chùi. Cùng với công tác sửa chữa lại kênh dẫn nước, đập chính của nhà máy. Chúng tôi coi như phải lắp đặt, vận hành lại từ đầu”.
Có lẽ sau mỗi lần vấp ngã, khi đứng dậy được thì ý chí và quyết tâm của con người lại càng mạnh mẽ hơn. Chỉ trong vòng 3 tháng sửa chữa, thay thế, lắp đặt lại thiết bị Nhà máy Nậm Cắt lại sáng điện trở lại. Đến nay, sau 6 tháng nhà máy đã phát điện đạt công suất tối ưu và cung cấp ổn định hàng triệu kWh điện cho tỉnh Bắc Kạn.
Làng thủy điện dầu khí
PVP Bắc Kạn có hơn 30 cán bộ, công nhân viên. Ngoài một số cán bộ chủ chốt làm việc tại Hà Nội, luôn thường trực tại Nậm Cắt có hơn 20 kỹ sư, công nhân vận hành hầu hết là người dân tộc ít người như Dao, Tày, Nùng. Chẳng biết từ bao giờ, khu tập thể cán bộ, công nhân viên của Nậm Cắt đã xuất hiện những gia đình nhỏ, tiếng cười vui của trẻ thơ, vườn rau, đàn gà, những lồng chim đủ loại.
Cách nhà máy hơn 2km, đập chính của nhà máy chỉ dài chưa đến 50m, chắn ngang dòng suối Nậm Cắt tạo nên một hồ nước nhỏ trong xanh. Chúng tôi gặp Đồng Sỹ Bun, công nhân vận hành người Tày đang trực trên đập nước. Phòng điều độ chỉ khoảng 12m2 nhưng khá đầy đủ từ điện thoại, máy tính và một chiếc giường đơn. Khuôn mặt thật thà, phúc hậu Bun hiền lành cho biết: “Bộ phận vận hành có 16 người chia làm 3 ca, 4 kíp, mỗi ca sẽ có một người trực tại đập chính 8 giờ/ngày. Công việc của chúng em là theo dõi dòng nước, kiểm tra, đảm bảo an toàn của đập nên cũng không hề nhàn hay buồn tẻ. Ngày cũng như đêm, mỗi giờ đều phải ngó nghiêng kiểm tra xem con nước lên xuống thế nào rồi ghi vào bản theo dõi để báo cáo. Nếu có rác rưởi, cây gỗ hay xác động vật thì phải vớt và xử lý ngay lập tức để đảm bảo chất lượng luồng nước chảy vào turbine. Tháng vừa rồi có con nai vô ý ngã xuống dưới đập, thế là anh em hò nhau ra vây bắt, vui đáo để đấy!”.
Chúng tôi đến nhà máy đúng vào giờ cơm chiều, nằm cuối khoảng sân tráng xi măng của khu nhà ăn là chiếc bếp củi lớn đang bập bùng cháy vài thanh củi lớn. Mùi thơm của cơm gạo mới đang tỏa ngát trong khí của cả khu tập thể. Bên mâm cơm nóng hổi, “hot boy” của Nậm Cắt, anh Nông Văn Tứ hồ hởi giới thiệu thực đơn như “thịt lợn bóp”, “rau tầm bóp”, “măng rừng bóp”…
Chúng tôi ai cũng ngạc nhiên bởi những cái tên khá mới lạ của các loại đặc sản của vùng Nậm Cắt. Như hiểu được sự hiếu kỳ của chúng tôi, anh Tứ thủng thẳng giải thích: “Các bác vào đến đây cũng thấy rồi đấy, quanh đây chẳng có chợ búa gì cả, đường xá thì gập gềnh nên muốn mua thực phẩm rất khó khăn. Có một con đường tắt từ khu vực nhà máy đi ra ngoài thị trấn chỉ đi hơn 3km nhưng phải đi đường mòn qua 2 quả núi. Con đường này chỉ vừa lọt được 1 chiếc xe máy, trơn trượt và nhiều đoạn dốc hơn 45o lại thường xuyên có lở đất. Phải là người thuộc đường và có gan lớn mới dám đi lối này. Mỗi ngày chúng tôi phải đặt hàng mới có người đưa thực phẩm đến nhưng có giá gấp rưỡi đến gấp đôi. Bởi vậy anh em vui miệng gắn luôn từ “bóp”, có nghĩa là lấy giá đắt vào các loại thực phẩm. Thời gian qua, chúng tôi tự tăng gia trồng rau, thả gà và năm tới sẽ nuôi cả lợn nữa nên nhu cầu thực phẩm sẽ không còn cao như trước nữa, “tự túc là hạnh phúc” mà”.
Tôi đến thăm “nhà” trưởng ca Hướng Văn Huấn, một trong những gia đình đầu tiên của “xóm Nậm Cắt”. Ngoài hành lang “nhà” Huấn treo ba lồng chim các loại từ chào mào, họa mi đến chích chòe. Căn phòng nhỏ xinh của cặp vợ chồng trẻ chỉ khoảng 16m2 nhưng được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ và khá đầy đủ tiện nghi. Về đầu quân cho Nậm Cắt từ những ngày đầu tiên, Huấn là một kỹ sư có kinh nghiệm vận hành nhà máy điện hiếm hoi nên tự nhiên trở thành anh cả của đội vận hành.
Huấn bộc bạch: “Tôi vừa mới lấy vợ trong năm rồi. Hai vợ chồng đều là người Dao, cùng quê Bạch Thông nay lại được làm cùng nhau ở Nậm Cắt. Được đơn vị và anh em tạo điều kiện dành riêng cho một phòng trong khu nhà tập thể nên chúng tôi “định cư” luôn ở đây. Hiện nay, từ việc nhỏ đến việc lớn, kỹ sư và công nhân vận hành đều phải cố gắng tự làm. Khi nhà máy có sự cố công nhân cùng các kỹ sư luôn cố gắng tự mày mò sửa chữa. Trong nhà máy, mọi người coi nhau như người thân, luôn tự học hỏi, đùm bọc nhau trong cuộc sống. Chúng tôi coi nhà máy như mảnh ruộng của nhà mình nên bảo nhau phải biết thương, biết chăm “nó” thì “nó” mới khỏe, mới phát điện tốt được”.
Đêm đầu tiên ở lại Nậm Cắt, tôi không tài nào ngủ được, lắng nghe tiếng cười đùa của những công nhân điện lực dầu khí tuổi đôi mươi, tiếng dòng nước chảy ầm ì trong lòng đất qua turbine phát điện mà lòng cứ nao nao. Chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự gắn bó mật thiết đầy mộc mạc và ý chí mãnh liệt của những con người dầu khí đang cắm rễ, đâm chồi trên vùng đất Đôn Phong đầy khắc nghiệt nhưng cũng thấm đượm tình người.
Nhà máy Thủy điện Nậm Cắt triển khai thi công từ tháng 4/2011. Ngày 5/4/2012, Nậm Cắt hoàn thành hiệu chỉnh, hòa lưới điện quốc gia và chính thức phát điện thương mại. Năm 2013, sản lượng điện sản xuất của Nhà máy Thủy điện Nậm đạt khoảng 9 triệu kWh điện. Thủy điện Nậm Cắt thường trực 30 cán bộ, công nhân viên, trong đó đội vận hành gồm 16 người. Hơn 90% cán bộ, công nhân viên Nậm Cắt thuộc các dân tộc ít người của Bắc Kạn. |