Tham dự có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt; các thành viên Đoàn giám sát; đại diện Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…
Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, trải qua 15 năm vận hành nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 đã cung cấp sản lượng điện lũy kế trên 108 tỷ kWh, nộp ngân sách nhà nước trên 4.300 tỷ đồng. Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau tuân thủ và chấp hành đầy đủ các quy định, quy chế của Tổng công ty và chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và Luật Điện lực nói riêng, bảo đảm công tác quản lý và vận hành an toàn Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, không để xảy ra sự cố chủ quan, sự cố cháy nổ, tai nạn lao động; các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đều đạt và đạt tốt hơn định mức được Tổng công ty giao…
Những kết quả đạt được đã góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế của Cà Mau, đặc biệt trong những năm gần đây, sản xuất công nghiệp trở thành một trong những ngành kinh tế chủ chốt của Cà Mau.
Bên cạnh những thuận lợi, đại diện Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam cho biết, việc Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 bị giới hạn lượng khí chỉ đủ cho 3 tổ máy vận hành theo cao điểm và thấp điểm của hệ thống điện cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động cũng gặp những khó khăn như trong giai đoạn mùa mưa, do nhu cầu phụ tải của Hệ thống giảm và thị trường ưu tiên khai thác các nhà máy thủy điện cùng với việc khai thác năng lượng tái tạo nên nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 chỉ được khai thác vận hành ở mức công suất thấp, do đó, không sử dụng hết lượng khí cấp theo khả năng. Do ưu tiên khai thác các nguồn năng lượng tái tạo nhất là các nhà máy điện mặt trời nên trong một số thời điểm, vào cao điểm trưa, phải ngừng và khởi động từ 1 đến 2 tổ máy; ảnh hưởng đến công tác vận hành và hiệu suất của 2 nhà máy. Tổng số lần khởi động trong 6 tháng đầu năm nay của Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 theo yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 93 lần.
Để khắc phục khó khăn, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023 và các năm tiếp theo, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam kiến nghị, các cơ quan chức năng hỗ trợ PV Power/PV Power Ca Mau thống nhất với EVN về chênh lệch giá khí tại Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2. Xem xét bổ sung dự án Nhà máy điện Cà Mau 3 vào Quy hoạch điện để sử dụng nguồn khí LNG bổ sung cho nguồn khí hiện tại đang thiếu hụt cho Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2.
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty làm rõ một số vấn đề liên quan đến bảo đảm lượng khí cho các nhà máy, an toàn trong quá trình vận hành; khung biểu giá điện khí LNG, tỷ lệ bao tiêu và cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện; nhu cầu về cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và lưu trữ một lượng khí LNG…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao các kết quả đạt được của công ty, tổng công ty trong thời gian qua, từ việc vận hành, bảo dưỡng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong một thời gian dài và cung cấp năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng cho địa phương. Những kết quả Công ty đạt được có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, người lao động trình độ cao, nỗ lực, tâm huyết với sản xuất điện cũng như nỗ lực của các đơn vị với sự phát triển chung của đất nước.
Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc do doanh nghiệp đề xuất, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thách thức doanh nghiệp gặp phải hiện nay là do cơ chế vận hành, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, bộ chuyên ngành, cơ quan quản lý vốn nhà nước, lợi ích quốc gia, cộng đồng, lợi ích của cổ đông, nhà đầu tư. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau và Tổng công ty Điện lực Dầu khí phối hợp hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát, trong đó làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong các văn bản pháp luật, đề xuất hướng xử lý, đồng thời làm rõ vai trò điều hành đối với công tác phối hợp của các đơn vị có liên quan.