Năm 2017 đánh dấu chặng đường 10 năm phát triển và khẳng định mình trên thị trường điện năng của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power).
Thành lập theo định hướng phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) từ năm 2007, PV Power được phát triển nhằm mục tiêu đa dạng hóa ngành nghề sản phẩm lĩnh vực dầu khí, năng lượng.
Cho đến thời điểm này, PV Power vẫn giữ vững vị trí là nhà cung cấp điện năng đứng thứ 2 tại Việt Nam, sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Báo cáo mới đây từ Tổng công ty này cũng cho thấy, những chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh liên tục được cải thiện trong những năm qua.
Riêng về chỉ tiêu vốn điều lệ, ngay từ ngày đầu được thành lập với mức vốn điều lệ ban đầu là 7.600 tỷ đồng với 5 đơn vị thành viên, đến năm 2012 vốn điều lệ của PV Power đã nhanh chóng tăng lên gần 13.100 tỷ đồng với 11 đơn vị thành viên và 15 công ty liên kết. Và cho tới thời điểm cuối năm 2015, vốn điều lệ đã đạt 21.774 tỷ đồng với 10 đơn vị thành viên, 14 công ty liên kết.
Doanh thu và lợi nhuận của PV Power cũng tăng trưởng nhanh chóng, thậm chí đà tăng càng mạnh hơn trong giai đoạn về sau.
Nếu như giai đoạn 2007-2012, doanh thu của Tổng công ty đạt 69.533 tỷ đồng thì tới giai đoạn 2013-31/3/2017, con số này đã tăng gần 60% lên 109.008 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt trên 5% một năm. Trong giai đoạn đầu quản lý và vận hành các nhà máy điện, do chi phí cố định và chi phí lãi vay vốn đầu tư cao nên để đạt được có lãi là rất khó khăn, nhưng lũy kế sau 5 năm hoạt động đầu tiên PV Power vẫn đạt mức lợi nhuận khá ấn tượng 863 tỷ đồng.
Giai đoạn từ sau 2012 đến nay các nhà máy điện đều có lợi nhuận tăng do hàng năm giảm được chi phí lãi vay vốn đầu tư và thiết bị vận hành ổn định, huy động công suất cao. Ngoài ra giai đoạn này PV Power có khoản lợi nhuận từ thu hồi tố giá điện theo quy định của nhà nước. Tổng lợi nhuận trước thuế từ năm 2013 đến hết quý I/2017 đạt 8.937 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với tổng lợi nhuận thu về trong 5 năm đầu tiên.
Đóng góp cho ngân sách nhà nước của PV Power cũng tương xứng với mức doanh thu, lợi nhuận mà Tổng công ty này thu được. Theo số liệu thống kê, lũy kế nộp ngân sách nhà nước từ năm đầu thành lập đến hết quý I/2017 đạt 8.807 tỷ đồng
Với chỉ 1 nhà máy điện Cà Mau 1 đi vào hoạt động từ năm 2007, hiện PV Power đã nắm trong tay một loạt các nhà máy điện quy mô lớn như: Nhà máy điện Cà Mau 1&2, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, Nhà máy điện Nhơn Trạch 2, Nhà máy Thủy điện Hủa Na, Nhà máy Thủy điện Đakđrinh, Nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 1… Sau khi hoàn thành bàn giao Nhà máy điện Phú Quý cho EVN quản lý và vận hành từ năm 2015, tổng công suất nguồn của PV Power đang duy trì ổn định ở mức 4.208,2MW. Tăng trưởng điện năng trong suốt những năm qua liên tục duy trì ở mức 9-10%.
Theo đánh giá của giới chuyên gia trong ngành, ra đời trong bối cảnh thế giới đang trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế thế giới suy thoái và ảnh hưởng kéo dài cho đến năm 2012 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN nói chung, PV Power nói riêng. Tuy nhiên, PV Power đã từng bước khẳng định vị thế và phát triển ngày càng lớn mạnh.
Đánh giá về 10 năm của PV Power, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, đơn vị đã thực hiện thành công một loạt các dự án cung cấp điện cho hệ thống điện lưới quốc gia. PV Power đã hoàn thành xuất sắc ba mục tiêu: đảm bảo nguồn điện cho nền kinh tế, cho phát triển kinh tế, xã hội và an ninh năng lượng Việt Nam; Đảm bảo duy trì nguồn điện, sản xuất liên tục không bị sự cố, không bị gián đoạn và họ thực sự hoạt động có hiệu quả, sinh lợi.
“Từ 3 mục tiêu đó, PV Power đã hoạt động rất tốt, quản lý các dự án đều tốt cả. Sự ra đời của Tổng công ty đã đáp ứng các nhu cầu thực tế và cho đến nay, tôi đánh giá rất cao giá trị đóng góp của PV Power với ngành năng lượng nói riêng và trong nền kinh tế Việt Nam nói chung.”- Ông Trần Viết Ngãi chia sẻ.