Với vị thế đầu ngành, hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, tăng trưởng tốt, mức định giá hấp dẫn… Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) tự tin sẽ thành công trong IPO cũng như trong việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Ngày 31-1 tới đây, PV Power sẽ chính thức IPO tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mức giá khởi điểm là 14.400 đồng/cổ phần. Petrovietnam dự kiến thu về 6.745 tỉ đồng nếu đấu giá thành công ở mức giá thấp nhất là giá khởi điểm. Ở mức giá này, tổng giá trị vốn hóa thị trường của PV Power khoảng 1,48 tỉ USD.
Các phân tích cho thấy, đây là cơ hội rất tốt để các nhà đầu tư sở hữu cổ phần của PV Power, một nhà sản xuất điện hàng đầu với tiềm năng tăng trưởng rất tích cực bởi: Nhu cầu sử dụng điện năng tăng 8-10%/năm đến năm 2025, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của PV Power. PV Power đang sở hữu 8 nhà máy điện với tổng công suất 4,2GW, đứng thứ 2 cả nước về công suất và sản lượng phát điện. Tiềm năng phát triển các dự án điện khí mới trong tương lai dự kiến nâng tổng công suất điện của PV Power lên 5,7GW. Đồng thời, PV Power đã ký các hợp đồng với các nhà cung cấp nhiên liệu (than, khí) hàng đầu và các hợp đồng mua bán điện (PPA) dài hạn (ít nhất 10 năm) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong đó sự thay đổi giá khí/than sẽ chuyển hoàn toàn sang EVN. Dựa trên các phân tích, đánh giá khách quan, nhiều chuyên gia nhận định, lợi nhuận của PV Power sẽ tăng trưởng nhanh đến năm 2020 và PV Power còn có tiềm năng nâng cao biên lợi nhuận hằng năm nhờ vào đội ngũ quản lý, điều hành năng lực cao và giàu kinh nghiệm. Đặc biệt, các dự án điện khí có thời gian thu hồi vốn nhanh, hiệu quả, giúp PV Power chi trả bớt lãi vay và giảm áp lực tài chính trong các năm tiếp theo. Từ đó, cổ phiếu của PV Power được dự báo sẽ là cổ phiếu chất lượng, hấp dẫn trong dài hạn, hứa hẹn đem lại lợi nhuận cao cho cổ đông và nhà đầu tư. Năng lực nội tại và sự phát triển khả quan chính là cơ sở vững chắc để PV Power tự tin thành công trong IPO, cũng như trong việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược sau IPO. Các ý kiến chuyên gia: Ông Đinh Văn Sơn, Thành viên HĐTV Petrovietnam, Trưởng ban Chỉ đạo cổ phần hóa PV Power: PV Power có kinh nghiệm quản lý, vận hành, bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy nhiệt điện. Petrovietnam sẽ xem xét để thuê PV Power vận hành và bảo dưỡng dài hạn khi các nhà máy điện than mà Petrovietnam đang làm chủ đầu tư (Thái Bình 2, Long Phú 1 và Sông Hậu 1) khi hoàn thành. Khi cổ phần hóa các nhà máy này, Petrovietnam sẽ dành cho PV Power những ưu tiên. Với điện khí, ngoài các nhà máy hiện tại, PV Power sẽ là chủ đầu tư Nhà máy Điện khí Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4. Đồng thời, Petrovietnam cũng cam kết để PV Power tham gia tối đa vào các nhà máy điện khí khác của Petrovietnam trong tương lai. Do cam kết trong một số hợp đồng vay vốn, Petrovietnam phải giữ tối thiểu 51% cổ phần tại PV Power đến năm 2025. Tuy nhiên, Petrovietnam đang có kế hoạch tái cơ cấu các khoản vay này. Nếu trong năm 2019 cơ cấu xong thì Petrovietnam có thể sẽ giảm xuống còn 36% cổ phần sở hữu tại PV Power. Ông Barry Weisblatt, Giám đốc nghiên cứu và phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt: Tất cả các nhà máy điện khí của PV Power (chiếm khoảng 60% tổng công suất lắp đặt) đều nằm ở miền Nam là khu vực thiếu điện trầm trọng. Chúng tôi ước tính tăng trưởng doanh thu của PV Power sẽ đạt 13,3% trong năm 2018 do Nhà máy Vũng Áng đã giải quyết được các vấn đề kỹ thuật, đi vào hoạt động ổn định và có lãi. Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 sau khi đại tu, sản lượng tăng cao. Trong 5 năm tới, ước tính tăng trưởng kép hằng năm của PV Power là 13,8%, chủ yếu do Nhà máy Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4 đi vào hoạt động năm 2021-2022; các nhà máy điện Cà Mau và Nhơn Trạch 1 sẽ lần lượt hết khấu hao năm 2019 và 2020. Ông Lưu Văn Lương, Giám đốc khối phân tích, Công ty Chứng khoán Bảo Việt: Trong top 5 công ty, tổng công ty phát điện lớn nhất cả nước hiện nay (PV Power, Genco1, Genco2, Genco3, TKV), PV Power có suất đầu tư thấp nhất (khoảng 16,4 tỉ đồng/MW). Bên cạnh đó, cấu trúc tài chính của PV Power được đánh giá an toàn nhất so với các công ty còn lại. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của PV Power là 60/40 so với 4 công ty còn lại (khoảng 80/20). Trong khi đó, trong cơ cấu giá điện, giá cố định chiếm khoảng 40% trong tổng giá thành sản xuất điện của nhà máy (suất đầu tư, cấu trúc tài chính là hai yếu tố chính ảnh hưởng đến giá cố định này). Đây cũng là yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh của PV Power.