Đến hết tháng 3/2017, công suất lớn nhất trên hệ thống điện miền Nam khoảng 13.000MW, dự kiến mức này sẽ còn gia tăng trong những tháng đỉnh điểm mùa khô, kéo dài đến hết tháng 6/2017. Hiện nay, công suất truyền tải điện qua hệ thống dây 500kV Bắc - Nam trung bình khoảng 4.300MW, chiếm khoảng 34% nhu cầu, phần còn lại là nguồn trực tiếp từ các nhà máy điện ở miền Nam.
Ông Lê Xuân Thái - Trưởng Ban Quan hệ cộng đồng Tổng Công ty Điện lực miền Nam cho biết, năm nay, nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện do EVN quản lý được đánh giá khả quan hơn so với năm 2016. Bên cạnh lưới điện truyền tải từ Bắc vào Nam, hiện một số nhà máy điện tại khu vực phía Nam vừa đóng điện vận hành, cung cấp thêm nguồn điện trực tiếp giảm áp lực cho đường dây truyền tải Bắc Nam. Đó là tổ máy S1 của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 (tỉnh Trà Vinh) có công suất 622,5MW vừa được vận hành thương mại. Đồng thời, nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (tỉnh Bình Thuận) có công suất 1.200MW đang được đẩy nhanh tiến độ dự kiến vận hành hòa lưới lần đầu vào tháng 5/2017.
Được biết, ngay từ đầu năm, EVN SPC đã xây dựng phương án cung cấp điện khi hệ thống mất cân đối cung cầu, phương án đảm bảo cung cấp điện trung hạ áp của từng đơn vị và triển khai tuyên truyền tiết kiệm điện. Các công ty điện lực tại 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam được yêu cầu phải tham mưu cho Uỷ ban nhân dân các địa phương kiện toàn Ban chỉ đạo cung cấp điện và phê duyệt danh sách khách hàng quan trọng cần được ưu tiên khi hệ thống điện mất cân đối cung cầu. Đối phó với mùa khô hạn, EVN SPC đã yêu cầu công ty điện lực tại các tỉnh, thành phố trong khu vực chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng tại địa phương xác định khu vực có phụ tải thường tăng đột biến, nhu cầu điện cấp bách, đảm bảo điện cho tưới tiêu, chống hạn, phục vụ nước sạch sinh hoạt, ưu tiên sử dụng vốn được phân bổ thực hiện các công trình cung cấp điện cho mục tiêu giảm thiệt hại do thiên tai, xâm nhập mặn, đảm bảo cung cấp điện ổn định theo nhu cầu trong mùa khô năm 2017./.