Từ ngày 16/9/2017 đến ngày 19/9/2017, Đoàn đại biểu Hội Cựu Chiến binh (CCB) Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đã thực hiện chuyến đi Về nguồn năm 2017 về thăm lại vùng Đông bắc của Tổ quốc. Đoàn đã dâng hương lên các anh hùng liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tại Nghĩa Trang Liệt sĩ Quốc Gia Vị Xuyên, thực hiện trọng thể Lễ Chào cờ Tổ quốc tại Cột cờ Lũng Cú – điểm cực bắc của đất nước và thăm, dâng hương tại khu di tích lịch sử cách mạng Tân Trào.
Trong hành trình chuyến đi, đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tri ân sâu sắc, đầu tiên đoàn đã đến đặt vòng hoa và dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên (thị trần Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) thành kính tri ân các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.
Một phút mặc niệm tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sỹ tại Nghĩa trang Vị Xuyên
Đồng chí Hà Đức Thu, Chủ tịch hội CCB PV Power dẫn đầu đoàn thắp nén tâm nhang tri ân các Anh hùng Liệt sỹ
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên hiện là nơi an nghỉ của 1.758 liệt sĩ, trong đó có 272 phần mộ liệt sĩ chưa biết tên. Các anh đến từ 33 tỉnh, thành phố trên khắp mọi miền đất nước. Họ là những chàng trai vừa đôi mươi, mười tám đã anh dũng xả thân hy sinh trong 10 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tổ quốc. Đã 38 năm trôi qua, trong trái tim những người đồng chí, đồng đội, đồng bào vẫn chứa chan một niềm tin mãnh liệt: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Máu của các anh đã tô thắm thêm lá cờ cách mạng, da thịt của các anh đã hòa vào đất, đá biên cương để mảnh đất nơi đây mãi xanh tươi và trường tồn cùng đất nước.
Đoàn chụp ảnh kỷ niệm tại Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên
Đoàn đã đến thăm, làm lễ chào cờ Tổ quốc tại Cột cờ Lũng Cú, điểm cực Bắc của Tổ quốc. Cột cờ Lũng Cú được xây dựng trên đỉnh núi Kim Long (còn gọi là núi Rồng thuộc địa phận xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Theo các sử liệu ghi lại tại địa điểm này Lý Thường Kiệt sau khi tập kích đánh thắng quân Tống ở Ung Châu, Trung Quốc, trên đường rút quân về đã cắm một lá cờ tại nơi này để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ. Đến thế kỷ 18, hoàng đế Quang Trung cũng đã cắm cờ chủ quyền tại đây. Trong không khí thiêng liêng, trang trọng, dưới lá cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay nơi địa đầu tổ quốc, khi khẩu lệnh chào cờ cùng tiếng nhạc quốc ca vang lên, hòa cùng vào lời hát, mỗi đồng chí đều có chung một cảm xúc thiêng liêng khó tả. Vang vọng từ đâu đó là tiếng trống từ ngàn đời xưa, đất nước lại hiện lên qua những trang sử vàng thiêng liêng, hào hùng.
[video width="576" height="320" mp4="/pow-media/uploads/2017/09/chaocotai_lungcu.mp4" autoplay="true"][/video]Dưới lá cờ Tổ quốc rộng 54 m2 tung bay các đồng chí Cựu chiến Binh tự hào hát vang bài Tiến quân ca.
Lễ Chào cờ tại Cột cờ Lũng Cú
Chụp ảnh kỷ niệm tại Cột Cờ Lũng Cú
Đây là chuyến hành trình khó khăn, leo đèo liên tục, những vách đá dựng đứng ở bên đường, những khúc cua tay áo khiến cho mọi người khá mệt mỏi, tuy vậy các hội viên vẫn động viên nhau đi đến nơi, đến đích đúng lịch trình đặt ra. Nhìn những mầm đá xanh mọc ở cao nguyên đá Đồng Văn, chinh phục đèo Mã Pí Lèng, cũng là cung đường đẹp nhất trên con đường mang tên “Đường hạnh phúc”, cảm thông về sự khó khăn của đồng bào các dân tộc vùng cao nơi biên giới dâng trào trong mỗi hội viên.
Con đường hạnh phúc với những khúc quanh co liên tục
Chia tay tỉnh Hà Giang - nơi miền đất linh thiêng, hùng vĩ, mến khách của đồng bào dân tộc, mỗi thành viên trong đoàn đều đọng lại nhiều tâm tư, suy nghĩ với cả niềm vui và dòng nước mắt lăn trên khóe mắt. Các hội viên đều cảm nhận được rằng: có cuộc sống thanh bình hôm nay, Đất nước ta đã phải hy sinh bao xương máu của quân và dân trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Những cảm xúc ấy đã khiến khí thế sôi nổi của đoàn càng được nâng cao trên chặng đường trở về Hà Nội và hứa hẹn sẽ có nhiều hơn những chuyến đi mới ở các địa danh khác của Tổ Quốc thân yêu.
Người già và trẻ em người dân tộc tại Hà Giang
Trên đường về Hà Nội, cũng nằm trong hành trình của chuyến đi đoàn ghé thăm khu di tích cách mạng Tân Trào với Lán Nà Lừa, Cây Đa Tân Trào, Đình Hồng Thái, thăm lại nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc trong những năm kháng chiến chống Pháp tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Lán Nà Lứa
Về với Lán Nà Lừa, thăm Cây đa Tân Trào chính là được về với cội nguồn của cách mạng Việt Nam, được hiểu thêm về quá trình hoạt động cách mạng của vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị thành lập Khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng, chủ trì Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại hội Tân Trào để bầu ra Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, quyết định Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành chính quyền về tay nhân dân. Trong thời khắc quyết định của vận mệnh đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời đối với cách mạng Việt Nam qua câu nói: “ Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Khi cả dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, một lần nữa Tuyên Quang được Trung ương Đảng và Chính phủ chọn làm căn cứ địa cách mạng của cả nước, nơi làm việc của các bộ, ngành trung ương lãnh đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc suốt 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại cây đa Tân Trào
Đoàn dâng hương và chụp ảnh tại khu di tích đình Hồng Thái