Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia cuối tuần trước, ông Yousfi cho biết Algeria “hoàn toàn nghiêm túc trong kế hoạch tăng sản lượng khí đốt” và sản lượng khí đá phiến sẽ góp phần giúp hiện thực hóa kế hoạch này.
Ông đánh giá trữ lượng khí có thể khai thác của Algeria là khoảng từ 700 tới 840 tỷ m3).
Bộ Năng lượng Algeria nhận định hoạt động khoan dò tìm trữ lượng khí trong năm 2013 là “cực kỳ thuận lợi” và quốc gia này đã phát hiện thấy 550 triệu tấn (4 tỷ thùng) quy đổi ra dầu tại 32 mỏ dầu khí mới, gấp ba lần số lượng mỏ phát hiện được trong năm 2012.
Những mỏ mới có thể cho phép Algeria tăng sản lượng dầu thêm 50% trong thập niên tới, từ mức 1,2 triệu thùng/ngày hiện nay.
Mặc dù sản lượng khí đốt của Algeria tại nhiều mỏ khai thác cũ đang có xu hướng giảm dần nhưng nước này vẫn là quốc gia đứng thứ ba thế giới về nguồn cung khí tự nhiên cho châu Âu, sau Nga và Na Uy.
Algeria đang cần hợp tác với các công ty nước ngoài để duy trì sản lượng tại các mỏ dầu khí hiện nay.
Tuy nhiên, từ sau vụ tấn công tại khu khai thác In Amenas cách đây không lâu, dư luận đã đặt ra câu hỏi liệu các công ty nước ngoài có sẵn sàng triển khai hoạt động sản xuất và kinh doanh ở quốc gia Bắc Phi này nữa hay không.
Bên cạnh đó, ngành dầu khí quốc gia Algeria cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi một loạt các vụ bê bối tham nhũng liên quan tới công ty năng lượng quốc doanh Sonatrach, và tình trạng chậm trễ kéo dài trong việc đưa những dự án khai thác mới vào hoạt động.
Theo thông tin từ tập đoàn dầu khí BP của Anh, tổng sản lượng khí đốt của Algeria đã giảm từ mức 88 tỷ m3 năm 2005 xuống chỉ khoảng hơn 80 tỷ m3 trong năm 2012. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa của Algeria vẫn tiếp tục tăng.