Thứ ba, 22/10/2013 | 15:38

Bừng sáng Nghi Sơn

Cuối cùng, sau bao năm tháng chuẩn bị, người dân Thanh Hóa cũng chính thức đón chào sự ra đời, hứa hẹn tiềm năng phát triển vượt bậc của Khu kinh tế Nghi Sơn (KKT).

Bừng sáng Nghi Sơn

Bừng sáng Nghi Sơn

Cuối cùng, sau bao năm tháng chuẩn bị, người dân Thanh Hóa cũng chính thức đón chào sự ra đời, hứa hẹn tiềm năng phát triển vượt bậc của Khu kinh tế Nghi Sơn (KKT).


Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trình bày dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Người dân Thanh Hóa vốn cần cù chịu khó, dời non lấp biển, sự nghiệp khai khẩn mở đất đều chọn vị trí cao mà hình thành vùng kinh tế cho riêng mình, cho tới giờ các vùng kinh tế của tỉnh đều gắn với chữ "sơn”.

Khai sơn lập khu kinh tế

Tính từ phía Bắc vào, người Thanh Hóa có vùng đô thị thị xã Bỉm Sơn với xi măng Bỉm Sơn chào đời hơn ba mươi năm qua, Nhà máy ô tô Veam hiện đại với công suất thiết kế 33.000 xe một năm. Giờ đây, khu công nghiệp Bỉm Sơn (KCN) hình thành với diện tích 556 ha đã thu hút được trên 20 dự án, tổng số vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng.

Khi đường Hồ Chí Minh chạy qua tỉnh Thanh Hóa cũng là lúc cả vùng rộng lớn phía tây như bừng tỉnh với những tiềm năng lợi thế về rừng. Nếu như thời gian trước, vùng phía tây xứ Thanh nổi lên với điểm sáng là cây mía với trọng tâm là nhà máy đường Lam Sơn, thì nay tư duy phát triển đã khác. Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến say sưa, chúng tôi sẽ quyết tâm đưa KCN công nghệ cao Lam Sơn- Sao Vàng vào hiện thực trong tương lai gần.

Ông Chiến nói cũng không phải không có lý, khi trên mảnh đất này sừng sững cảng Hàng không Thọ Xuân đã chính thức đi vào hoạt động nằm ngay tại trung của KCN Lam Sơn-  Sao Vàng. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Tổng công ty Hàng không Việt Nam tăng tần suất chuyến bay trên chặng bay Thanh Hóa- TP Hồ Chí Minh từ 7chuyến/tuần lên 14 chuyến/tuần, đồng thời xem xét, nghiên cứu mở thêm đường bay mới từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, nối chuyến lên các tỉnh Tây Nguyên để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Sân bay sẽ là cầu nối giao thông hiện đại, phục vụ tốt nhất nhu cầu kết nối thương mại, đầu tư, du lịch và trao đổi văn hóa của nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói riêng và khu vực Bắc Trung bộ nói chung với thành phố Hồ Chí Minh- trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

 Từ tư duy tới hiện thực, KCN Lam Sơn- Sao Vàng đã rõ hình hài với diện tích 2.000 ha nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển tổ hợp tổ hợp Đô thị Công- Nông nghiệp công nghệ cao- Du lịch Lam Sơn- Sao Vàng. Nghe rất hợp lý, mục đích cũng rất rõ ràng: đưa KCN Lam Sơn- Sao Vàng trở thành đô thị thông minh, năng động khoa học và công nghệ, đặc biệt công nghệ cao gắn với chuyển giao, sản xuất thân thiện; một trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch của tỉnh Thanh Hóa với di sản văn hóa thế giới thành  nhà Hồ, khu du lịch văn hóa lịch sử Lam Kinh…

Tuy nhiên, nếu nói về du lịch xứ Thanh thì phải nhắc tới biển Sầm Sơn. Với quyết tâm cải thiện và làm đẹp hình ảnh du lịch biển Sầm Sơn, những năm gần đây lãnh đạo thị xã Sầm Sơn, rồi lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng đang rất trăn trở về chuyện đưa môi trường, phong cách kinh doanh của Khu du lịch Sầm Sơn về quỹ đạo chung của sự phát triển.


Bừng sáng Nghi Sơn

Kể từ khi KKT Nghi Sơn được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt và thành lập tại quyết định số 102/TTg ngày 15/5/2006. Vùng phía Nam của tỉnh trở nên sôi động, tất cả như đại công trường. KKT Nghi Sơn cách Hà Nội 200 km về phía Nam, trên trục giao lưu Bắc-Nam của Việt Nam, là cầu nối giữa Bắc và Trung bộ, các tỉnh phía Nam và cả thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan.

KKT Nghi Sơn có tổng diện tích trên 18.611 ha, bao gồm toàn bộ diện tích 12 xã phía nam huyện Tĩnh Gia. Nghi Sơn là KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển công nghiệp nặng như lọc hóa dầu, luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, sửa chữa, đóng mới tàu biển… và công nghiệp cơ bản, gắn với khai thác cảng biển nước sâu Nghi Sơn; KKT Nghi Sơn sẽ vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt, là động lực phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực bắc miền Trung. Được xác định là 1 trong 5 khu kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Nghi Sơn được Chính phủ ưu tiên tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng như, đê chắn sóng, nạo vét luồng tàu, hệ thống đường ống dẫn nước thô, giao thông, truyền tải điện, viễn thông…

"Trái tim" của KKT Nghi Sơn chính là dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án lớn, tổng mức đầu tư trên 9 tỷ USD, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa. Biến quyết tâm thành hiện thực toàn thể hệ thống chính trị, nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã và đang nỗ lực tạo ra bước ngoặt cho nền kinh tế tỉnh nhà. Ngày 23/10/2013 Thanh Hóa tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào KKT Nghi Sơn và vùng phụ cận cùng với đó là sự khởi công Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đây là lần đầu tiên tỉnh Thanh Hóa tổ chức Diễn đàn XTĐT cấp Quốc gia thu hút được đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Vĩ thanh

Trong dịp về dự Lễ kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Hàm Rồng (3- 4/1965 - 3 - 4/4/2010), nguyên Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã nhắc tới dòng sông Mã trong lịch sử chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là chiến thắng Hàm Rồng. Dòng  sông Mã cuộn chảy từng chứng kiến bao chiến công hiển hách của quân và dân trong xứ Thanh. Quá khứ lẫy lừng tạo niềm tin vững chắc để nhân dân Thanh Hóa tự tin bước tiếp trong công cuộc dựng xây tỉnh nhà. Người Thanh Hóa sẽ thêm một kỳ tích sông Mã nữa!

;
Từ khóa: Hoạt động PVN

Bài liên quan