Thứ sáu, 11/10/2013 | 14:05

Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ngành Dầu khí

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương những người lính Cụ Hồ sau chiến thắng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước lại tiếp tục dấn thân vào sự nghiệp xây dựng một ngành công nghiệp mới mẻ và đầy gian khó như Dầu khí.

Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ngành Dầu khí

Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ngành Dầu khí

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương những người lính Cụ Hồ sau chiến thắng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước lại tiếp tục dấn thân vào sự nghiệp xây dựng một ngành công nghiệp mới mẻ và đầy gian khó như Dầu khí.

Cách nay 28 năm, vào dịp kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Tổng cục Dầu khí, một sự kiện quan trọng đã được tổ chức, đó là Hội nghị Khoa học - Kỹ thuật ngành Dầu khí lần thứ nhất (từ ngày 1 đến ngày 3/11/1985). Đây là một sinh hoạt khoa học có tầm vóc lớn của toàn ngành và là khởi đầu cho một hoạt động thông tin toàn diện mang tính học thuật, vừa phục vụ cho yêu cầu nội bộ, vừa quảng bá những thành tựu khoa học - kỹ thuật do cán bộ trong Tổng cục Dầu khí thực hiện ra ngoài ngành, kể cả ra nước ngoài, góp phần nâng cao uy tín và xây dựng thương hiệu cho ngành Dầu khí Việt Nam.


Từ phải sang: Ông Nguyễn Hòa, Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí; Đại tướng Võ Nguyên Giáp; ông Hồ Đắc Hoài (hàng sau), Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam; Ông Chu Đỗ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí trong một chuyến đi thăm thực địa

Việc chuẩn bị cho Hội nghị này rất công phu, trong suốt 7 tháng ròng kể từ khi Tổng cục trưởng Nguyễn Hòa ra Quyết định số 548/QĐ thông báo Hội nghị sẽ tổ chức vào đầu tháng 11 cùng năm. Ban lãnh đạo Hội nghị ngành gồm ông Lê Văn Cự, Tổng cục phó, Trưởng ban; hai ông Tổng cục phó Bùi Hải Ninh và Trương Thiên là Phó ban. Các ủy viên gồm các ông: Đặng Của, Vụ trưởng Vụ Khoan - Khai thác; Hồ Đắc Hoài, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam; Nguyễn Văn Kha, Phó giám đốc Công ty Địa vật lý; Nguyễn Đình Khuông, Vụ phó Vụ Địa chất; Ngô Thường San, Phó tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro; Trần Ngọc Toản, Vụ phó phụ trách Vụ Khoa học - Kỹ thuật; Lý Trọng, Phó tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hiệp Xây lắp Dầu khí; Bỳ Văn Tứ, Phó ban chuẩn bị lọc hóa dầu; Phạm Quang Dự, Phân viện trưởng Phân viện Dầu khí phía nam.

Vinh dự lớn của Hội nghị Khoa học - Kỹ thuật ngành Dầu khí lần thứ nhất là được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, phụ trách khoa học - kỹ thuật tới dự và có bài phát biểu chỉ đạo công tác dầu khí nói chung và công tác khoa học - kỹ thuật nói riêng trong dài hạn. Sự có mặt của Đại tướng không những thể hiện sự quan tâm lớn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với ngành công nghiệp Dầu khí mà còn là một sự cổ vũ, động viên tinh thần và ý chí cách mạng đối với toàn thể cán bộ ngành Dầu khí, những người tiếp nối sự nghiệp xây dựng lại đất nước sau sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc của những thế hệ đi trước mà Đại tướng là người tiêu biểu nhất.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh kỷ niệm cùng các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Dầu khí

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương những người lính Cụ Hồ sau chiến thắng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước lại tiếp tục dấn thân vào sự nghiệp xây dựng một ngành công nghiệp mới mẻ và đầy gian khó như Dầu khí. Đại tướng căn dặn, ngành Dầu khí là ngành ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhất, vì vậy đòi hỏi mỗi cán bộ, đặc biệt là các trí thức trẻ luôn phải nỗ lực học tập, tham gia nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề để có thể nắm bắt kịp thời thông tin và kiến thức mới nhất; không ngừng học hỏi các chuyên gia, nhanh chóng tiếp thu và làm chủ công nghệ.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Khoa học - Kỹ thuật ngành nhân kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Tổng cục Dầu khí (tháng 11/1985 tại Hà Nội)

Thấm thía những lời dặn dò của Đại tướng, cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí đã cùng các chuyên gia Liên Xô nỗ lực vượt bậc để chưa đầy 1 năm sau có thể báo công lên Đại tướng, ngày 26/6/1986 đã thành công khai thác tấn dầu đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ từ giàn MSP-1 và ghi tên Việt Nam vào danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô thế giới, khẳng định một tương lai phát triển đầy hứa hẹn của cho ngành công nghiệp dầu khí đất nước.

Năm đó, tại Hội nghị toàn thể, 8 bản báo cáo có nội dung về tổng kết công tác khoa học - kỹ thuật đã tiến hành từ năm 1975 đến năm 1985; tổng kết chương trình tiến bộ khoa học - kỹ thuật cấp Nhà nước 22-01 về dầu khí và phương hướng công tác khoa học - kỹ thuật giai đoạn 1986-1990 đã được trình bày và 60 báo cáo khoa học được trình bày trong các tiểu ban.


Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Nguyễn Hòa (trái) đang báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về một số sản phẩm dầu khí

Bên cạnh các sinh hoạt học thuật có chất lượng cao và gắn chặt với yêu cầu sản xuất, cán bộ ngành Dầu khí trong giai đoạn này còn tham gia các hội nghị khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu trong các vấn đề có liên quan như địa chất khu vực, cổ sinh - địa tầng, khoáng vật - thạch học, địa hóa, địa chất biển, thủy địa chất, địa chất công trình, địa nhiệt, địa mạo, địa vật lý, địa chất ảnh vệ tinh, địa chất Đệ Tứ. Các sinh hoạt này đã góp phần nâng cao kiến thức chuyên môn cho các cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học đồng thời cũng tạo điều kiện để họ đóng góp làm phong phú thêm những kết quả khoa học chuyên ngành.

Xin được đăng tải một số tấm ảnh tư liệu kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với những ngày đầu gian khó của ngành Dầu khí Việt Nam.

;
Từ khóa: Hoạt động PVN

Bài liên quan