Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), vào lúc 14h45 ngày 5/8/2013, sau hơn 3 năm phát triển Dự án Biển Đông 1, với nhiều thử thách về kỹ thuật công nghệ, Chi nhánh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIEN DONG POC) đã chính thức đón dòng khí đầu tiên từ giàn đầu giếng Mộc Tinh 1 (MT1) qua hệ thống ống 20km về tới giàn xử lý Hải Thạch PQP. Tới 2h21 ngày 7/8/2013, dòng condensate được tách qua hệ thống xử lý đã được tàu FSO tiếp nhận an toàn. Sự kiện quan trọng này đã đánh dấu sự thành công của Dự án Biển Đông 1.
Dòng khí đầu tiên trên giàn công nghệ trung tâm PQP - HT
Dự án Biển Đông 1 phát triển khai thác hai mỏ khí - condensat Hải Thạch và Mộc Tinh, với thời gian khai thác dự kiến là 25 năm, công suất khai thác 25 nghìn thùng condensate và 8,5 triệu mét khối khí mỗi ngày đêm.
Các công trình thiết bị chính gồm: giàn đầu giếng MT1 có tổng khối lượng gần 10.000 tấn, Giàn đầu giếng Hải Thạch 1 có tổng khối lượng gần 10.000 tấn và giản xử lý trung tâm PQP có tổng khối lượng gần 21,000 tấn; Tàu chứa condensat FSO và hai hệ thống đường ống 12” và 20” nối giữa hai mỏ và nối cụm mỏ với hệ thống dẫn khí Nam Côn Sơn 1, khí sẽ được chuyển về bờ qua đường ống Nam Côn Sơn (NCS Pipeline) theo hợp đồng phân phối khí với Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas).
Dự án Biển Đông 1, do BIEN DONG POC điều hành, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, là dự án trọng điểm Quốc gia về dầu khí. Toàn bộ công tác quản lý thiết kế, gia công chế tạo, lắp đặt và đưa vào vận hành đều do các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện, đạt kỷ lục về khối lượng, độ sâu nước biển và quy mô dự án.
Các công trình bắt đầu được chế tạo từ tháng 6 năm 2010 tại hai căn cứ cảng Vietsovpetro và PTSC - Vũng Tàu. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn và thử thách về kỹ thuật - công nghệ cho một dự án tầm cỡ khu vực và thế giới, nhưng với sự quan tâm của Lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành, các giàn MT1, HT1 và PQP-HT đã lần lượt được hoàn thành công tác chế tạo, lắp đặt, chạy thử từng phần và chạy thử tổng thể trước khi chính thức đón dòng khí đầu tiên trong điều kiện an toàn tuyệt đối (hơn 17 triệu giờ) không để xảy ra bất cứ tai nạn nghiêm trọng nào và đạt chất lượng phù hợp với đăng kiểm quốc tế và đăng kiểm Việt Nam.
Việc hoàn thành mục tiêu có được dòng khí đầu tiên mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, mang lại nguồn lợi lớn cho đất nước, cũng như góp phần vào việc giữ gìn an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.