"Các lô dầu khí mà Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò, khai thác tại biển Đông đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam".
Đó là khẳng định của một số học giả quốc tế tại hội thảo về biển Đông ở Washington (Mỹ) trong hai ngày 27 và 28-6-2012.
Ngày 27-6, theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ông Carlyle Thayer - Giáo sư Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng Trung Quốc đã trả đũa việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển bằng cách mời thầu thăm dò, khai thác tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo ông, đây là một hành động mang tính chính trị nhiều hơn là hành động có tính thương mại.
Cùng chung quan điểm trên, Tiến sĩ Bonnie Glasser - chuyên gia về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cảnh báo rằng bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham gia thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam đều phải thấy mức độ rủi ro rất cao và phải "suy nghĩ thật kỹ" trước khi quyết định.
Về Luật Biển vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua, Giáo sư Thayer khẳng định đây là một "bước đi rất tích cực" vì Việt Nam muốn và cần thiết phải khai thác biển của mình. Ông nhận định đến năm 2025, một nửa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam là từ biển, vì vậy Việt Nam cần luật biển để điều chỉnh và xác định rõ ràng nhiệm vụ của các cấp, các ngành.
Mỹ mong muốn sớm đạt được Quy tắc ứng xử Biển Đông
Mỹ cho biết nước này mong muốn sớm thấy Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đạt được một thỏa thuận về các quy tắc ứng xử để giảm bớt căng thẳng ở biển Đông, theo hãng tin AFP ngày 28-6.
Đây sẽ là một đề tài quan trọng trong nghị trình của Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Hillary Clinton tới Campuchia vào tháng tới tham dự một cuộc gặp ASEAN với các cường quốc khu vực, bao gồm Trung Quốc.
AFP dẫn lời ông Kurt Campbell, trợ lý bộ trưởng ngoại giao phụ trách Đông Á tham dự và phát biểu tại hội nghị biển Đông - nói ông hiểu rằng dự thảo một bộ quy tắc ứng xử đang được thảo luận và Mỹ hy vọng sẽ biết được thêm chi tiết của thỏa thuận này tại Campuchia.
“Chúng tôi đã được chứng kiến đối thoại gia tăng giữa ASEAN và Trung Quốc về những khía cạnh liên quan tới bộ quy tắc ứng xử tiềm tàng”, ông Campbell nói tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Mỹ. Tuy nhiên, ông thừa nhận giải quyết các tranh chấp ở biển Đông là “đầy rẫy khó khăn”.
Thật ra, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thương lượng về một bộ quy tắc chung vào năm 2002, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được tiến bộ nào khi Trung Quốc muốn đàm phán với từng nước riêng rẽ thay vì cả khối.
"Trung Quốc cần hợp tác hơn"
Trong một bài bình luận đăng trên trang Npr.org, trang mạng của Đài phát thanh quốc gia Mỹ, tác giả Stephanie Kleine-Ahlbrandt bình luận trong bối cảnh các nước như Philippines và Việt Nam phải dựa nhiều vào biển để phục vụ các hoạt động kinh tế, thái độ bất hợp tác của Trung Quốc đặc biệt làm gia tăng rủi ro xảy ra xung đột trong vùng.
Theo đó, ngoài các tuyên bố chủ quyền và những hoạt động thực tế đơn phương như một phép thử với các tuyên bố chủ quyền không có cơ sở, Bắc Kinh còn khuyến khích ngư dân tiến vào các vùng biển tranh chấp. Chính quyền Trung Quốc có chính sách đầu tư cho các tàu cá để nâng cấp thiết bị cho phép họ đi xa hơn và có thể ngay lập tức thông báo với lực lượng vũ trang trên biển của nước này khi xảy ra xung đột.
Trong khi đó, một số cơ quan dân sự chuyên về biển, khai thác dầu khí, đánh cá của Trung Quốc cũng trực tiếp tham gia vào những vụ tranh chấp. Dù tàu của những cơ quan này được vũ trang kém hơn và ít đe dọa hơn so với hải quân, nhưng các tàu dân sự lại dễ triển khai và tham gia vào những vụ xung đột hơn. Đó là lý do tại sao không phải hải quân, mà các tàu dân sự, hoặc đội lốt dân sự của Trung Quốc đóng vai trò trung tâm trong các cuộc xung đột trên biển.
“Tất nhiên, Bắc Kinh còn có những động cơ khác”, Kleine-Ahlbrandt viết. “Các sự kiện như ở đảo đá ngầm Scarborough là một ví dụ mà Trung Quốc muốn thử nghiệm những tuyên bố chủ quyền của họ với việc triển khai lực lượng công lực dân sự để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền giờ đã trở thành một khuôn mẫu theo kiểu “mô hình Scarborough””.
Ngay tại biển Đông ngày 27-6, Philippines nói các tàu cá của Trung Quốc đã trở lại khu đảo đá ngầm Scarborough bất chấp một thỏa thuận di tản thuyền của cả hai bên trước đó. Đài truyền hình ABS-CBN dẫn lời người phát ngôn Bộ ngoại giao Philippines, Raul Hernandez, nói chính quyền sẽ hỏi Trung Quốc tại sao sáu tàu cá của nước này trở lại khu vực này sau khi hai nước đã rút tàu đi theo một thỏa thuận trước đó.
Một máy bay của Philippines đã phát hiện ra tàu của Trung Quốc tại khu đảo đá ngầm chiều ngày 25-6, theo lời ông Hernandez. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila từ chối cung cấp thông tin cho truyền thông về vụ việc.
Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington, nói đây là lần đầu tiên kể từ năm 1992, Trung Quốc mời thăm dò những lô dầu khí ở vùng biển không thuộc chủ quyền của họ. Glaser cũng cảnh báo các công ty lớn của Mỹ phải hết sức thận trọng nếu tham gia đấu thầu vì xung đột có thể xảy ra.