Với tổng công suất nguồn điện hiện nay hơn 28 nghìn MW, việc cung cấp điện cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, nếu không xây dựng kịp thời đường dây để tăng công suất truyền tải vào phía nam, nỗi lo thiếu điện vào mùa khô 2014 thực sự hiển hiện.
Chậm dự án nguồn
Các thông số đầu vào cho thấy, tổng công suất nguồn điện hiện nay hơn 28.000 MW, có thể đáp ứng cho nhu cầu phụ tải cực đại tới 21.000 MW và có dự phòng ở mức hợp lý từ 27 đến 33%. Với điện năng sản xuất như trên, tổng lượng điện cần phải xây dựng để đưa vào vận hành các năm theo quy hoạch đều giảm. Tuy nhiên, hiện có thực tế, cân bằng giữa các vùng miền chưa cân đối, nhiều dự án nguồn điện, nhất là các dự án tại khu vực phía nam bị chậm.
Giai đoạn năm 2016-2017, về nguồn điện, các tỉnh miền nam gần như không có dự phòng, còn giai đoạn 2018 - 2020 tỷ lệ này chỉ đạt từ 1,4 đến 7,2%. Mặc dù, giai đoạn 2015-2020, số giờ vận hành của các nhà máy nhiệt điện phía nam rất cao, nhưng vùng đất này vẫn phải nhận thêm sản lượng điện lớn từ miền bắc và miền trung, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh cung cấp điện của hệ thống. Vì vậy, dự báo trong các năm từ 2014- 2017, tình trạng nói trên sẽ vẫn chưa có gì thay đổi. Tuy nhiên, với chiều dài hơn 1.500 km, việc truyền tải công suất và sản lượng lớn luôn tiềm ẩn rủi ro cao nếu một trong hai đường dây 500 kV bắc - nam bị sự cố.
Thống kê số liệu vận hành tháng 5-2013 cho thấy, có 17 đường dây 220/500kV và 12 trạm biến áp 220/500 kV phải vận hành quá tải. Điều đáng nói, hệ thống điện quốc gia hiện nay còn nhiều đường dây trong tình trạng như vậy, như: đường dây 500 kV Nho Quan - Hà Tĩnh; các trạm 500 kV Ô Môn, Phú Lâm, Nhà Bè, Phú Mỹ; các đường dây 220 kV Thủ Đức - Cát Lái, Phú Lâm - Bình Tân, Hóc Môn - Bình Tân, Long Thành - Phú Mỹ,...
Theo tính toán, nếu các dự án nguồn điện thực hiện đúng yêu cầu tiến độ được chỉ đạo, từ năm 2019, các tỉnh phía nam mới có thể tự cân đối được sản lượng nội miền. Nhưng lúc này có thể thấy tiến độ trên đã không được bảo đảm. Vậy nên, một khi chưa thể bổ sung được 1.500-2.000 MW công suất nguồn điện mới, muốn bảo đảm cung ứng điện năng, giảm thiểu tối đa sự cố, thì buộc phải cấp bách xây dựng các đường dây truyền tải điện 500kV, 220kV để truyền tải điện từ miền bắc và miền trung vào phía nam.
Dồn sức nâng cao năng lực truyền tải
Trên cơ sở cập nhật tình hình cân bằng cung - cầu hệ thống điện quốc gia, Chính phủ đã chỉ đạo ưu tiên đầu tư, nâng cấp hệ thống điện các dự án nguồn, đặc biệt, xây dựng lưới điện truyền tải điện vào khu vực phía nam như đường dây 500 kV Plây Cu - Mỹ Phước - Cầu Bông, đường dây 220 kV Đác Nông - Phước Long - Bình Long.
Điều cần nói là cả hai đường dây này đều phải thực hiện trong điều kiện hết sức khó khăn về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, điều kiện thi công. Đường dây 220kV Đác NôngPhước Long- Bình Long được hoàn thành đưa vào vận hành tháng 12-2013, đã truyền tải điện từ miền trung, Tây Nguyên vào miền nam để giải bài toán thiếu điện ngay từ cuối năm 2013 và đặc biệt để cung cấp điện ổn định cho khu vực này vào những tháng mùa khô năm 2014.
Việc thu xếp vốn cho đồng loạt các dự án đường dây truyền tải điện cấp bách, trọng điểm cũng tạo sức ép rất lớn cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT). Theo Quy hoạch điện VII, giai đoạn 2011 - 2020 sẽ đầu tư cải tạo và xây dựng mới 103 công trình/dự án lưới điện 500kV và 551 dự án lưới điện 220kV với tổng vốn đầu tư cần hơn 210 nghìn tỷ đồng, riêng năm 2013, sẽ khởi công mới 50 dự án với số vốn đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng. Những công trình này đều nhằm bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là khu vực miền nam trong năm 2014 - 2015 và những năm tiếp theo. Trong đó, các dự án thực hiện năm 2013, nhiều dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong việc bảo đảm cung cấp đủ điện cho khu vực phía nam như: Đường dây ĐZ 220kV Đác Nông - Phước Long - Bình Long, các ĐZ 500kV Plây Cu - Mỹ Phước - Cầu Bông; Sông Mây - Tân Định, Vĩnh Tân - Sông Mây; Phú Mỹ - Sông Mây; Trạm 500kV Sông Mây; nâng dung lượng tụ bù dọc ĐZ 500kV Plây Cu -Phú Lâm, Đà Nẵng - Hà Tĩnh, ĐZ 500kV Duyên Hải -Trà Vinh để truyền tải công suất của cụm nhiệt điện Vĩnh Tân và trạm biến áp (TBA) 500kV của cụm nhà máy nhiệt điện Long Phú, cụm nhiệt điện Thiên Lương...
Việc huy động vốn cho các dự án cũng gặp nhiều khó khăn, một phần do nhu cầu vốn quá lớn nên khó thu xếp, một phần do phí truyền tải quá thấp (chỉ chiếm 6-7% chi phí cấu thành giá điện) nên doanh thu của đơn vị chỉ đủ bù đắp chi phí sản xuất, không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cũng như vốn đối ứng của EVN NPT. Bên cạnh đó, hệ số dư nợ/vốn chủ sở hữu của EVN NPT đã hơn 4,4 lần khiến việc thu xếp vốn càng khó khăn. Tuy còn nhiều trở ngại từ khách quan lẫn chủ quan, nhưng tinh thần của EVN NPT quán triệt xuống từng đơn vị là phải chạy đua với thời gian, huy động mọi nỗ lực và sáng kiến để bảo đảm thi công đúng theo yêu cầu và tinh thần khẩn trương "cứu điện" cho mùa khô 2014.
Theo số liệu từ Bộ Công thương, dự kiến tốc độ tăng trưởng điện trong năm 2013-2014 tăng khoảng 13% và đến năm 2020 tăng 12,8%. Theo đánh giá ban đầu, từ nay đến năm 2016-2017, hệ thống điện quốc gia sẽ bảo đảm công suất và sản lượng điện cung cấp theo nhu cầu phụ tải. Sau giai đoạn này, sẽ thiếu khoảng 600 triệu/122 tỷ kWh mỗi năm (0,5%) và rơi vào những tháng 3-4-5 ở khu vực phía nam