Thứ tư, 16/02/2011 | 23:36

Năm 2011 khối các tập đoàn, tổng công ty phải đạt mức tăng trưởng bình quân 15%

TCCSĐT - Ngày 15-2, tại Hội nghị triển khai kế hoạch, nhiệm vụ toàn khối năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu và những kết quả đáng khích lệ của khối các tập đoàn, tổng công ty trong năm 2010; nhấn mạnh yêu cầu

Năm 2011 khối các tập đoàn, tổng công ty phải đạt mức tăng trưởng bình quân 15%

Năm 2011 khối các tập đoàn, tổng công ty phải đạt mức tăng trưởng bình quân 15%

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị
Ảnh: Chinhphu.vn
TCCSĐT - Ngày 15-2, tại Hội nghị triển khai kế hoạch, nhiệm vụ toàn khối năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu và những kết quả đáng khích lệ của khối các tập đoàn, tổng công ty trong năm 2010; nhấn mạnh yêu cầu nhiệm vụ năm 2011 phải xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư để đạt mức tăng trưởng bình quân 15%.

Theo tổng hợp báo cáo của 21 tập đoàn, Tổng công ty 91: đến thời điểm hiện tại, tổng vốn chủ sở hữu toàn khối đạt 540.701 tỉ đồng, tăng 11,75% so với 2009. Trong đó, một số tập đoàn đạt mức tăng trưởng mạnh (từ 44-53%) như Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV), Viettel

Về cơ bản, đến nay các tập đoàn, Tổng công ty đều có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu nằm trong giới hạn cho phép. Tổng doanh thu toàn khối năm 2010 ước đạt 1.173.489 tỉ đồng, vượt 22% kế hoạch năm và tăng 36% so với năm 2009.

Có 20/21 tập đoàn, tổng công ty làm ăn có lãi, tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 70.778 tỉ đồng. Tổng nộp ngân sách ước đạt 173.549 tỉ đồng, tăng 31% so với thực hiện năm 2009.

Việc sắp xếp, đổi mới, kiện toàn tổ chức quản lý các tập đoàn, tổng công ty được triển khai mạnh mẽ. Đến thời điểm tháng 7-2010, trừ Tổng công ty Thép đang thực hiện cổ phần hóa, tất cả các công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty đã được Thủ tướng quyết định chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Các tập đoàn, tổng công ty đã nêu nhiều ý kiến, tham luận đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đặc biệt, là vấn đề tạo hành lang pháp lý để ổn định lãi suất, tạo dòng vốn vay cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, vươn ra quốc tế, biện pháp bình ổn, tiếp cận quy luật thị trường đối với giá cả của một số mặt hàng đầu vào, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty đi đầu trong việc xây dựng các kế hoạch và triển khai một cách sát sao, đồng thời quyết liệt, nỗ lực thực hiện các giải pháp đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trong đó, đặc biệt lưu ý 4 vấn đề:

Thứ nhất, cần đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đang thi công, bố trí vốn để sớm khởi công, hoàn thành các dự án trọng điểm, đặc biệt, là các dự án hạ tầng phục vụ phát triển như điện, giao thông, công nghiệp phụ trợ, không để xảy ra tình trạng thi công dở dang.

Thứ hai, chú trọng xây dựng kế hoạch sắp xếp đổi mới theo hướng cổ phần hóa, giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước có cổ phần chi phối, cơ cấu lại các doanh nghiệp thành viên theo lĩnh vực chuyên môn, bảo đảm hiệu quả, tránh cạnh tranh nội bộ không lành mạnh. Từ đó, tiếp tục rà soát ngành nghề kinh doanh, điều chỉnh để tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề có liên quan. Coi đây là nhiệm vụ đóng góp quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Thứ ba, tập trung xây dựng điều lệ, cơ chế quản lý, tổ chức, quản trị nội bộ, tăng cường công tác kiểm soát nội bộ cả về bộ máy thực hiện và cơ chế làm việc, nhất là kiểm soát rủi ro tài chính để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Xây dựng sự đoàn kết, nhất trí trong đơn vị, chú trọng công tác Đảng và đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực.

Thứ tư, thực hiện có hiệu quả lộ trình điều chỉnh giá, kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thủ tướng cũng lưu ý Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN (Vinashin) cần tiếp tục nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm, đặc biệt là vấn đề chủ quan, yếu kém trong quản lý vốn chủ sở hữu, đầu tư, cố ý làm trái. Vinashin cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, nỗ lực hơn trong đàm phán, cơ cấu lại các khoản nợ, thu xếp nguồn vốn để thực hiện các dự án đóng tàu, công nghiệp phụ trợ hiệu quả, tìm kiếm để ký kết được các hợp đồng đóng mới tàu, kiện toàn quản lý, ổn định sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động, tiến tới kinh doanh có lãi.

Trước các kiến nghị của doanh nghiệp về vấn đề giá một số mặt hàng đầu vào thiết yếu, cũng như cơ chế tỷ giá, lãi suất vay vốn, Thủ tướng nêu rõ tinh thần chỉ đạo là tạo điều kiện tối đa để bảo đảm sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định: cơ chế chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp nhà nước sẽ được tháo gỡ theo hướng cơ quan quản lý thực hiện kiểm tra, giám sát, còn giao quyền tự chủ, tính tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp./.

(Theo Tạp chí cộng sản)

;
Từ khóa: Hoạt động PVN

Bài liên quan