Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Vietnam Oil and Gas Group - Petrovietnam) là Công ty nhà nước được quyết định chuyển thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Với sứ mệnh góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và là đầu tàu kinh tế trong xây dựng và phát triển đất nước, sau hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, Petrovietnam đã có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện cả về quy mô và chiều sâu, từng bước hoàn chỉnh đồng bộ từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, đến công nghiệp khí, lọc hóa dầu, điện, khí, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.
Petrovietnam hiện nay đã thực sự trở thành tập đoàn kinh tế mạnh trong nước và quốc tế, công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, góp phần tích cực tham gia giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và đóng góp cho an sinh xã hội.
Trụ sở Petrovietnam
Petrovietnam là tập đoàn kinh tế đầu tàu của Việt Nam, chiếm tỷ trọng lớn trong các loại năng lượng quốc gia, có tốc độ tăng trưởng trung bình 5 năm gần đây đạt gần 20%/năm, chiếm bình quân 18%-20% GDP cả nước, đóng góp trung bình 28%-30% tổng thu ngân sách. Doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước tăng trưởng cao, bền vững; vốn chủ sở hữu tăng mạnh, được bảo toàn và phát triển, hệ số nợ trong mức an toàn và được kiểm soát.
Dựa trên tiềm năng dầu khí trong và ngoài nước, Petrovietnam những năm qua đã sử dụng hiệu quả cao các nguồn lực trong nước, tích cực đầu tư ra nước ngoài để đảm bảo phát triển bền vững ngành Dầu khí và an ninh năng lượng cho đất nước; đồng thời cũng khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia tối đa trong các lĩnh vực dịch vụ, chế biến, phân phối sản phẩm...
Ngoài ra, Tập đoàn còn làm tốt công tác an sinh xã hội, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trên biển, xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên vững mạnh, khẳng định được vị trí, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng được Văn hóa doanh nghiệp Dầu khí. Thành tựu nổi bật của Petrovietnam trong hơn 10 năm đổi mới doanh nghiệp là xây dựng thành công một cách đồng bộ cả về hiệu quả kinh tế, văn hóa và hệ thống chính trị.
Qui mô hoạt động, quy mô về vốn, về tài sản của Petrovietnam tăng rất cao so với 5 năm trước đây, quá trình cổ phần hóa và tái cấu trúc, sắp xếp lại doanh nghiệp đã giúp Petrovietnam nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành một Tập đoàn kinh tế chuyên nghiệp, tổ chức khoa học, kinh doanh năng động, hiệu quả.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, kỹ thuật và tài chính. Tổng tài sản giai đoạn 2006-2012 tăng bình quân 32%/năm (đến 31/12/2012 tổng tài sản đạt hơn 664 ngàn tỉ đồng, so với năm 2006 (chỉ có 146,8 ngàn tỉ đồng) tăng 4,49 lần). Tốc độ doanh thu đạt trên 27%/năm. Nộp ngân sách Nhà nước trong 6 năm qua tăng trung bình 19%/năm. Vốn chủ sở hữu giai đoạn 2006-2012 tăng 23%, đến 31/12/2012 đạt 316,3 ngàn tỉ đồng, tăng 3,2 lần so với thời điểm cuối năm 2006 chỉ là 98,6 ngàn tỉ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu giai đoạn 2006-2012 đạt từ 18-21%/năm.
Hàng năm, Petrovietnam sản xuất 20% sản lượng điện quốc gia
Tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong Tập đoàn năm 2012 đạt 772,7 nghìn tỉ đồng, bằng 117,0% kế hoạch năm, tăng 14,4% so với năm 2011. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 186,3 nghìn tỉ đồng, bằng 138,2% kế hoạch năm, tăng 15,8% so với năm 2011 (vượt mức 51,48 nghìn tỉ đồng (2,45 tỉ USD) so với kế hoạch năm). Tổng lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp toàn Tập đoàn đạt 113,1 nghìn tỉ đồng, bằng 119,4% kế hoạch năm, tăng 12,4% so với năm 2011.
Gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 48 triệu tấn quy đổi, bằng 137,1% kế hoạch năm; ký 5 hợp đồng dầu khí mới (ở trong nước 4 hợp đồng và ở nước ngoài 1 hợp đồng) và 2 thỏa thuận nghiên cứu chung ở Uzbekistan và Kazakhstan; có 2 phát hiện dầu khí mới là Kình Ngư Trắng và Thỏ Trắng; đưa 7 mỏ/công trình vào khai thác (trong đó, ở trong nước 4 mỏ và ở nước ngoài 3 mỏ).
Tổng sản lượng khai thác quy dầu năm 2012 đạt 26,0 triệu tấn, bằng 104,8% kế hoạch năm, tăng 8,7% so với năm 2011. Trong đó, sản lượng khai thác dầu đạt 16,70 triệu tấn, bằng 105,6% kế hoạch năm, tăng 9,8% so với năm 2011. Tập đoàn đạt mốc khai thác tấn dầu thứ 290 triệu vào ngày 31/5/2012; sản lượng khai thác khí năm 2012 đạt 9,30 tỉ m3, bằng 103,3% kế hoạch năm, tăng 6,9% so với năm 2011, đạt mốc khai thác m3 khí thứ 80 tỉ vào ngày 15/10/2012.
Tập đoàn sản xuất và cung cấp cho lưới điện Quốc gia đạt 15,10 tỉ kWh, bằng 109% kế hoạch năm, tăng 12,2% so với năm 2011, đạt mốc sản xuất kWh điện thứ 50 tỉ vào ngày 14/10/2012.
Nhà máy Đạm Cà Mau chính thức vận hành thương mại từ ngày 24/4/2012; sản lượng sản xuất phân urê toàn Tập đoàn đạt 1.422 nghìn tấn, bằng 117,5% kế hoạch năm, tăng 77,3% so với năm 2011. Trong đó, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đạt 850 nghìn tấn, Nhà máy Đạm Cà Mau đạt 572 nghìn tấn.
Tính chung sản lượng sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn đạt 5,61 triệu tấn, bằng 94,3% kế hoạch năm. Trong đó tính riêng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã thực hiện công tác bảo dưỡng và khắc phục một số lỗi kỹ thuật còn lại của nhà máy để nghiệm thu lần cuối được triển khai tích cực; sau thời gian bảo dưỡng, khắc phục nhà máy đã vận hành ổn định với công suất tối ưu.
Tổng sản phẩm sản xuất từ nhà máy đạt 5,67 triệu tấn, bằng 95% kế hoạch năm (trong đó sản phẩm xăng dầu các loại của nhà máy đạt 5,14 triệu tấn, bằng 95% kế hoạch năm).
Hoạt động dịch vụ dầu khí tiếp tục được đẩy mạnh, doanh thu dịch vụ dầu khí năm 2012 đạt trên 234 nghìn tỉ đồng, bằng 102% kế hoạch năm, tăng 13% so với năm 2011, chiếm 30% tổng doanh thu toàn Tập đoàn.
9 tháng đầu năm 2013, Petrovietnam đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra và có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 21,81 triệu tấn dầu quy đổi, bằng 62,3% kế hoạch năm; có 5 phát hiện dầu khí mới; ký 4 hợp đồng dầu khí mới và 7 thỏa thuận. Tổng sản lượng khai thác quy dầu 9 tháng qua đạt 19,80 triệu tấn (đạt 78,6% kế hoạch năm, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2012), trong đó, sản lượng khai thác dầu thô đạt 12,38 triệu tấn (đạt 77,4% kế hoạch năm); sản lượng khai thác khí đạt 7,42 tỷ mét khối (đạt 80,6% kế hoạch năm, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2012). Sản xuất và cung cấp cho lưới điện quốc gia 9 tháng đạt 12,40 tỷ kWh, (đạt 89,5% kế hoạch năm, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2012). Sản xuất đạm đạt 1,17 triệu tấn (77,2% kế hoạch năm, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2012); xăng dầu đạt 4,93 triệu tấn (91,4% kế hoạch năm, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2012). Doanh thu của toàn Tập đoàn đạt 548,3 nghìn tỷ đồng (84,8% kế hoạch năm), nộp ngân sách nhà nước 128 nghìn tỷ đồng (86,2% kế hoạch năm).
Hiện nay, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội nhất định, dự báo kinh tế thế giới và trong nước sẽ còn gặp nhiều khó khăn thách thức, để thực hiện tốt nhiệm vụ hàng đầu của Petrovietnam là thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch Chính phủ giao, tập thể lãnh đạo và hơn 50 ngàn người lao động của Petrovietnam đặt mục tiêu phát huy tối đa mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ quyết liệt 3 giải pháp đột phá (về quản lý, KHCN và phát triển nguồn nhân lực) để phát triển ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao uy tín, sức cạnh tranh của Tập đoàn và các đơn vị. Bên cạnh đó là tiếp tục chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và tích cực bảo vệ môi trường, đảm bảo ổn định việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Hiện Petrovietnam có đội ngũ cán bộ nhân viên trẻ, có kiến thức vững vàng và năng động, tiềm lực tài chính mạnh, cơ sở vật chất tương đối đầy đủ đồng bộ, tổ chức và cơ chế hoạt động rõ ràng, cán bộ lãnh đạo ngành hầu hết đều được đào tạo bài bản về KH&CN, trưởng thành từ thực tế sản xuất và nghiên cứu khoa học, có tầm nhìn và tâm huyết, có kinh nghiệm và năng lực quản lý công nghệ.
Để Petrovietnam có thể phát triển vượt bậc về chất và lượng, phát triển bền vững, một lộ trình KH&CN cho ngành Dầu khí Việt Nam đã được hoạch định với 3 bước chuyển dịch kỹ thuật và thích nghi công nghệ, lựa chọn và chuyển giao công nghệ, làm chủ và sáng tạo công nghệ..., thể hiện các trình độ phát triển công nghệ dầu khí theo từng giai đoạn. Petrovietnam sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN, quyết liệt triển khai các hoạt động đầu tư cho KH&CN, triển khai nghiên cứu ứng dụng trong hoạt động dầu khí từ khâu thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ quản lý KH&CN tiên tiến; nâng cao năng lực của các tổ chức nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng các công nghệ cao, tiên tiến, gắn nghiên cứu với thực tiễn sản xuất và các yêu cầu cụ thể của Tập đoàn, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tạo nên sự đột phá.
Bên cạnh những giải pháp, nhiệm vụ chung là những giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực như: Đổi mới, đồng bộ trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, phát triển công nghệ thông tin, tự động hóa trong tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, thu gom, vận chuyển, xử lý và sử dụng khí, chế biến dầu khí và hóa dầu, công nghệ công trình dầu khí, xây dựng và vận hành các nhà máy điện...; công nghệ xử lý chất thải, phòng chống sự cố, bảo vệ an toàn và môi trường; khai thác hiệu quả các mỏ có tính chất khó khăn, phức tạp, thực hiện chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm dầu khí, tích cực tận thăm dò, tăng cường và nâng cao hệ số thu hồi dầu; đề xuất phương hướng tìm kiếm thăm dò mới, đưa ra các giải pháp duy trì và nâng cao sản lượng khai thác dầu khí; lựa chọn công nghệ khoan và khai thác phù hợp; triển khai và phát triển công nghệ khai thác mỏ có điều kiện địa chất phức tạp như móng nứt nẻ, áp suất nhiệt độ cao, mỏ có chứa khí CO2, triển khai công nghệ giàn đầu giếng, công nghệ khai thác thứ cấp, tam cấp v.v...
Petrovietnam là đơn vị tiên phong trong trong hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Thực tiễn đã chứng minh, với việc phát triển theo cơ chế thị trường, Petrovietnam đã vươn ra hầu hết các châu lục, hội nhập từ rất sớm, ngay từ khi mới thành lập Tổng cục Dầu khí Việt Nam ngày 3/9/1975. Một số lĩnh vực trong việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật công nghệ của ngành và cho đất nước đã vượt những mong đợi như công nghệ mỏ, hệ thống các giếng khoan, giàn khoan, đường ống, bể chứa, các nhà máy lọc hóa dầu, chế biến khí, sản xuất điện, đạm và đặc biệt là tự đóng được các giàn khoan phục vụ trực tiếp cho ngành.
Petrovietnam đang hợp tác thực hiện 25 dự án dầu khí ở 18 quốc gia và vùng lãnh thổ. Petrovietnam xác định đầu tư có trọng điểm vào những khu vực có tiềm năng dầu khí cao và có quan hệ chính trị tốt, đồng thời đa dạng hóa hình thức đầu tư với các công ty dầu khí lớn, vừa để tránh rủi ro, vừa để học tập, hội nhập quốc tế.
Liên bang Nga là một trong các khu vực (Liên bang Nga và các nước SNG, Nam Mỹ, Trung Đông và Bắc Phi, Đông Nam Á) được Petrovietnam đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, giao lưu kinh tế.
Ngày 12/11/2013, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Hai bên đã ra Tuyên bố chung về tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống V. Putin đã chứng kiến lễ ký 17 văn kiện hợp tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 5 văn kiện liên quan đến hợp tác dầu khí giữa 2 nước, nâng mối quan hệ hợp tác Việt - Nga về dầu khí thật sự lên một tầm cao mới toàn diện hơn, sâu sắc hơn và hiệu quả hơn.
Tuyên bố chung về tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga ngày 12/11 nhấn mạnh:
"... Hai Bên khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Lãnh đạo hai nước đánh giá cao kết quả hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, cụ thể là việc triển khai các dự án hiện có và thúc đẩy các dự án mới tại Việt Nam và Liên bang Nga, bao gồm mở rộng khu vực thăm dò và khai thác dầu khí, nghiên cứu cung cấp khí hóa lỏng cho Việt Nam và tiêu thụ nhiên liệu động cơ. Hai Bên bày tỏ sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Gazprom và Công ty cổ phần mở Zarubezhneft mở rộng tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam và Liên bang Nga".
Chế tạo, đóng mới giàn khoan
Các văn kiện hợp tác dầu khí được ký ngày 12/11/2013 bao gồm: Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và công ty Rosneft về việc tham gia lô 15-1/05 tại thềm lục địa Việt Nam; Thỏa thuận giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Công ty Rosneft về các điều kiện cơ bản về hợp tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển Pechora; Thỏa thuận giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Gazprom về việc thành lập Công ty liên doanh sử dụng khí làm nhiên liệu động cơ; Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Zarubezneft về việc phát triển và nâng cao hiệu quả Công ty liên doanh Rusvietpetro; Thỏa thuận khung giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Gazprom Neft trong lĩnh vực lọc hóa dầu.
Tổng thống LB Nga V. Putin đã đánh giá: "Vai trò then chốt trong sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Nga và Việt Nam về công nghiệp và đầu tư từ trước đến nay vẫn thuộc về lĩnh vực năng lượng và dầu khí. Ở đây, ngọn cờ đầu của chúng ta là Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) đã tích lũy được kinh nghiệm độc đáo về công nghệ trong hoạt động khai thác ở khu vực thềm lục địa. Khối lượng khai thác của Liên doanh những năm qua đã đạt 206 triệu tấn dầu, tổng lợi nhuận đạt con số hàng chục tỷ USD".
Tổng thống V. Putin cũng khẳng định, Gazprom và Rosneft, hai tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga đang gia tăng sự hiện diện của mình ở Việt Nam. Những dự án hai tập đoàn này đang triển khai liên quan đến khai thác dầu khí, hiện đại hóa những cơ sở lọc hóa dầu, cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng từ vùng Viễn Đông của Nga sang Việt Nam: "Tôi đặc biệt nhấn mạnh rằng sự hợp tác trong lĩnh vực dầu khí mang tính chất tương hỗ, có đi có lại. Hiện công ty liên doanh Rusvietpetro đang hoạt động tốt tại khu tự trị Yamalo-Nhenhetsky của LB Nga. Hoạt động của một xí nghiệp liên doanh khác là Gazpromviet cũng có nhiều hứa hẹn, công ty này hiện nay đã triển khai việc khai thác dầu mỏ và khí đốt ở tỉnh Orenburg và những địa phương khác của Nga".
Hiện nay, Vietsovpetro là liên doanh giữa Petrovietnam và Zarubezhneft vẫn là "con chim đầu đàn" và tiếp theo nhiều liên doanh khác đang lần lượt được thành lập, đi vào hoạt động có hiệu quả. Các tập đoàn dầu khí Nga khác như Gazprom, Rosneft, Lukoil đã phát triển và mở rộng hoạt động thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Trên cơ sở hợp tác tin cậy, hợp đồng giữa Petrovietnam với các đối tác Liên bang Nga đều đem lại hiệu quả thiết thực.
Với Rosneft, tập đoàn dầu khí số 1 thế giới đang tham gia hợp đồng khai thác khí lô 06-1, đường ống Nam Côn Sơn, hai bên thống nhất Rosneft tiếp tục tham gia mở rộng hoạt động dầu khí ở Việt Nam, cung cấp dầu thô cho Việt Nam. Rosneft đã trao cho Petrovietnam quyền khai thác 8 lô thuộc biển Pechora. Petrovietnam hiện đang khẩn trương đánh giá tiềm năng dầu khí các lô này. Ngày 12/11, hai văn kiện quan trọng là Bản ghi nhớ giữa Petrovietnam và công ty Rosneft về việc tham gia lô 15-1/05 tại thềm lục địa Việt Nam; Thỏa thuận giữa Petrovietnam và Công ty Rosneft về các điều kiện cơ bản về hợp tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển Pechora cũng đã chính thức được ký kết.
Với Gazprom, hai bên tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở một số lô tại Việt Nam. Bên cạnh đó, công ty trực thuộc của Gazprom là Gazprom E&P International đã chính thức tham gia 49% tại Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí lô 05-2 và 05-3 và các bên đã đón dòng khí khai thác đầu tiên ngày 4/10/2013.
Thực hiện chiến lược mở rộng tìm kiếm cơ hội đầu tư, thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài, ở LB Nga, Petrovietnam đã thành lập và đưa vào hoạt động hai công ty liên doanh với Zarubezhneft và Gazprom. Công ty liên doanh Rusvietpetro (liên doanh giữa Petrovietnam và Zarubezhneft) từ năm 2010 đến 2012 đã đưa ba mỏ vào khai thác với tổng sản lượng dầu khai thác được hơn 4,4 triệu tấn, mang lại doanh thu hơn 2,2 tỷ USD cho các bên tham gia. Năm 2012, lợi nhuận của phía Việt Nam từ dự án này là 155 triệu USD. Dự kiến năm 2013 sẽ khai thác 2,8 triệu tấn dầu, mang lại lợi nhuận cho Việt Nam 160 triệu USD.
Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực dầu khí giữa Petrovietnam và các đối tác LB Nga thời gian qua ngày càng có hiệu quả và đi vào chiều sâu với nhịp độ tăng trưởng khá mạnh, mang lại những nguồn lợi rất lớn, đóng góp cho sự nghiệp phát triển của ngành công nghiệp dầu khí hai nước. Đặc biệt từ khi hai nước ký kết đối tác chiến lược toàn diện, Petrovietnam đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc triển khai hợp tác và coi hoạt động đầu tư dầu khí ra nước ngoài tại Nga là ưu tiên số 1 bởi đây là môi trường nhiều thuận lợi.
Những năm qua, trong bất cứ hoàn cảnh nào, mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Petrovietnam với các đối tác của LB Nga vẫn luôn phát triển và ngày thêm bền chặt trong sự quan tâm tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau.
Thế giới hiện nay đã biết đến ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam. Tuy đi sau trong lĩnh vực này nhưng Việt Nam lại có những kinh nghiệm và kiến thức trong thăm dò khai thác ở điều kiện địa chất phức tạp, đặc biệt việc tìm ra, đưa đối tượng dầu trong đá móng nứt nẻ vào khai thác, một đối tượng chứa dầu phi truyền thống làm nên thương hiệu mới mang thương hiệu Việt Nam, đóng góp vào khoa học dầu khí Thế giới, tạo ra lợi thế đặc biệt của Petrovietnam khi đàm phán hợp tác. Nhiều nước tin tưởng vào năng lực, uy tín của Việt Nam đã đặt vấn đề với chúng ta hợp tác cùng nghiên cứu, tìm ra những đối tượng tương tự như vậy ở nước họ.
Giàn công nghệ Trung tâm mỏ Bạch Hổ
Hiện nay, Petrovietnam đang tích cực thúc đẩy việc triển khai các dự án hợp tác tại Cộng hòa Uzbekistan, bao gồm dự án Hợp đồng dầu khí lô Kossor, dự án Nghiên cứu thăm dò dầu khí khu vực Buhara Khiva, dự án mở rộng diện tích Hợp đồng lô Kossor. Tại Azerbaijan Petrrovietnam và Công ty dầu khí quốc gia Azerrbaijan SOCAR đã ký kết Thỏa thuận nguyên tắc Hợp đồng khôi phục, thăm dò, khai thác dầu khí khu vực Muradkhanli, bao gồm 3 mỏ dầu Muradkhanli, Dzafarli và Zardov và nằm trong khu vực nhiều tiềm năng dầu khí trên đất liền của Azerbaijan.
Tại địa bàn Đông Nam Á, Petrovietnam đang hợp tác với Indonesia và Malaysia. Tháng 9/2006, lần đầu tiên, ngành Dầu khí Việt Nam có sản phẩm khai thác dầu khí ở nước ngoài từ lô PM 304-Malaysia. Khu vực thứ ba là Venezuela và Mỹ La tinh với các dự án Jundin-2 và lô 67 Peru.
Petrovietnam đã chính thức khoan giếng khai thác mỏ dầu đầu tiên tại Venezuela ngày 19/4/2012. Lô Junin 2 có mỏ dầu có trữ lượng lớn nằm trên vành đai dầu mỏ khí đốt Oricono. Vành đai này có trữ lượng lớn thứ nhì thế giới, và lô Junin 2 có trữ lượng lớn nhất. Dự kiến cuối năm 2012 những thùng dầu đầu tiên của Liên doanh được khai thác từ Jundin 2. Sau 4 năm sẽ cho sản lượng đỉnh khoảng 200.000 thùng/ngày và phía Petrovietnam được hưởng 40% trong số đó, theo tỷ lệ góp vốn. Hàng năm, chúng ta có thêm 4 triệu tấn dầu, gần bằng tất cả sản lượng từ các giàn khai thác của Vietsovpetro hiện nay cộng lại… Hợp đồng hợp tác liên doanh giữa ngành dầu khí hai nước có thời hạn tối đa 25 năm nữa với trữ lượng thu hồi khai thác là 1,466 tỷ thùng dầu, trong trường hợp gia hạn thêm 15 năm theo thỏa thuận, tổng sản lượng khai thác có thể lên tới 2,5 tỷ thùng dầu.
Việc Petrovietnam có mặt ở lô Junin 2 đã nâng thêm tầm và khẳng định uy tín của Petrovietnam trên trường quốc tế. Với việc Venezuela dành cho ta lô Junin 2 và trước đó là chúng ta đã thành công ở Nhenhetxky, chuẩn bị khai thác dầu thương mại ở Algeria thì chúng ta hoàn toàn đủ tự tin bước vào thị trường thăm dò, khai thác dầu trên toàn thế giới. Hội nhập thị trường dầu khí quốc tế đã khơi dậy tiềm năng, đang tạo sức bật mới cho Petrovietnam.
Tiếp theo thành công tại Liên bang Nga, Venezuela, Malaysia, Angieri, mới đây nhất ngày 21/6/2012, Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) - Công ty con của Petrovietnam - và Công ty dầu khí Perenco SA đã tổ chức ký Hợp đồng dầu khí lô 67 tại Peru. Theo đó PVEP sẽ nắm 52,6% cổ phần trong dự án thăm dò và khai thác dầu khí tại đất nước Nam Mỹ này. Theo kế hoạch, đến năm 2016 dự án phát triển hoàn toàn, lúc đó Việt Nam sẽ có trên 20.000 thùng dầu/ngày (tương đương gần 3.000 tấn/ngày).
Khơi dậy tiềm năng, Petrovietnam đã tổ chức thành công các chương trình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản (6/2010), tại Hàn Quốc (11/2010), tại Hoa Kỳ (tháng 6/2011) và thời gian tới sẽ tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư tại một số địa bàn tiềm năng châu Âu, thị trường có công nghệ dầu khí tiên tiến.
Những kế hoạch mang tính chiến lược về thăm dò và khai thác dầu khí của Petrovietnam tại nước ngoài đã khẳng định đó là những chủ trương đúng đắn, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai. Xác định những địa bàn ưu tiên để hợp tác đầu tư dầu khí đã mang đến những thành công quan trọng bước đầu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho lâu dài. Mục tiêu đến 2015, sản lượng ở nước ngoài của Petrovietnam sẽ tăng lên 4-5 triệu tấn, và đạt khoảng 8-10 triệu tấn vào năm 2020.
Từ 28-30/11 năm nay, tại TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra một sự kiện đặc biệt, Hội nghị và Triển lãm ASCOPE (ASEAN Council on Petroleum - Hội đồng Dầu khí ASEAN), gồm 10 công ty dầu khí quốc gia/cơ quan quản lý dầu khí trong khu vực Đông Nam Á, với chủ đề “Đổi mới và hợp tác - Hướng tới tương lai”. Đây là sự kiện dầu khí có uy tín nhất trong khu vực và được tổ chức định kỳ bốn năm một lần, luân phiên giữa các nước thành viên.
Sự kiện này sẽ tạo cơ hội cho tất cả các quốc gia thành viên ASCOPE gặp gỡ, trình bày và quảng bá năng lực và thành tựu của mình, đồng thời trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ và các cơ hội hợp tác với các công ty dầu quốc gia, quốc tế và độc lập trên thế giới với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí trong khu vực ASEAN, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và các công ty nước ngoài tới những cơ hội tiềm năng rộng mở ở khu vực đang vươn lên mạnh mẽ này.