Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển năng lượng dầu khí từ nay đến năm 2015 định hướng năm 2025, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang nỗ lực cao nhất để thực hiện thành công 3 giải pháp đột phá gồm: nhân lực, khoa học công nghệ và quản lý. Trong đó, PVN xác định, phát triển con người sẽ là yếu tố then chốt.
Trong Chiến lược phát triển năng lượng dầu khí từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, PVN xác định sẽ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, bao gồm: cán bộ lãnh đạo, cán bộ khoa học công nghệ đầu ngành và cán bộ quản lý sản xuất kinh doanh. Tất cả nhằm hướng đến ba mục tiêu: hiện đại, chuyên nghiệp; hướng ra thế giới; hướng đến tương lai.
Tìm kiếm thăm dò dầu khí để tăng trữ lượng
Theo báo cáo của PVN, giai đoạn từ nay đến năm 2020, phấn đấu sẽ tăng trữ lượng lên 38-46 triệu tấn quy dầu/năm. Riêng với khai thác, đến năm 2015 đạt 33 triệu tấn quy dầu/năm, trong đó, khai thác trong nước đạt 29 triệu tấn, ngoài nước là 4 triệu tấn. Con số này sẽ tăng cao hơn vào năm 2020 khi PVN đặt ra mục tiêu sẽ đạt 42-44 triệu tấn quy dầu/năm (khai thác trong nước 30-31 triệu tấn, ngoài nước 12-13 triệu tấn).
Để thực hiện được mục tiêu trên, PVN đang đẩy mạnh đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí trên toàn thềm lục địa, bao gồm cả khu vực nước sâu, xa bờ, thông qua thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời chủ động tự đầu tư dẫn dắt.
Việc đầu tư thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài vẫn tiếp tục đẩy mạnh theo hướng thuận lợi về quan hệ chính trị; đa dạng hình thức đầu tư theo hướng tăng cường và mở rộng liên doanh, liên kết với các đối tác chiến lược, công ty dầu khí lớn để giảm thiểu rủi ro.
Công tác nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ khai thác, đảm bảo khai thác hiệu quả và kiềm chế đà suy giảm sản lượng của các mỏ hiện có; áp dụng các giải pháp gia tăng hệ số thu hồi dầu; giải pháp để phát triển các mỏ nhỏ, cận biên cũng được PVN đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh đó, PVN còn tham gia sản xuất điện theo quy hoạch của Chính phủ, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất điện khí gắn với Quy hoạch pháp triển công nghiệp khí. Dự kiến, đến năm 2015 tổng công suất các nhà máy điện của PVN là trên 9.250 MW; đến năm 2020 là 13.000 MW.
Hiện PVN đang lập phương án đầu tư nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, xây dựng các Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Long Sơn; duy trì công suất lọc dầu và công suất sản xuất nhiên liệu sinh học để tổng công suất lọc dầu và công suất sản xuất nhiên liệu sinh học trong nước đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sản phẩm xăng dầu trong nước.
Trong lĩnh vực dịch vụ, theo PVN, từ nay đến năm 2015, sẽ đáp ứng khoảng 40-55% nhu cầu dịch vụ dầu khí trong nước và từng bước phát triển ra thị trường khu vực và quốc tế.
Sức ép nguồn vốn đầu tư
Hiện công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác đã được tích cực triển khai trong và ngoài nước. Giai đoạn năm 2011-2012, giá trị thực hiện đầu tư đạt trên 110 nghìn tỷ đồng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 7 tỷ USD tại gần 50 dự án có sự tham gia của các đối tác nước ngoài.
Cụ thể, năm 2011, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 35,3 triệu tấn dầu thu hồi, bằng 101% kế hoạch. Có 7 hợp đồng/thỏa thuận dầu khí mới đã được ký, đưa 5 mỏ dầu khí mới vào khai thác. Trong năm đã có thêm 3 phát hiện dầu khí mới (Gấu trắng - 1X,Mèo Trắng - 1X, Cá Voi Xanh - 2X) gia tăng trữ lượng khoảng 35,3 triệu tấn dầu quy đổi. Tổng vốn đầu tư là khoảng 51 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2012, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 48 triệu tấn quy dầu bằng 137,1% kế hoạch, tăng 36% so với năm 2011 (ở trong nước đạt 35 triệu tấn và ở nước ngoài đạt 13 triệu tấn). Tổng sản lượng khai thác quy dầu trong năm đạt 26,09 triệu tấn, bằng 105,2% kế hoạch. Trong đó, sản lượng khai thác dầu đạt 16,74 triệu tấn, bằng 105,9% kế hoạch tăng 10,1% so với năm 2011. Sản lượng xuất bán dầu thô đạt 16,67 triệu tấn, bằng 105,6% kế hoạch. Tổng vốn đầu đạt trên 59 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như: Công nghiệp khí, công nghiệp điện, chế biến dầu khí, hoạt động dịch vụ dầu khí… cũng đạt giá trị đầu tư khá cao.
Dù vậy, PVN nhận định, trong năm 2013 khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn tác động xấu đến tình hình đầu tư phát triển của Việt Nam. Trong bối cảnh PVN đang đồng loạt triển khai nhiều dự án phức tạp thuộc lĩnh vực mới, có mức đầu tư lớn, nhu cầu vốn tăng cao, vì vậy thu xếp vốn đang là sức ép rất lớn đối với PVN.
Với hàng loạt chương trình đào tạo được triển khai hàng năm, PVN hy vọng vừa đáp ứng nhu cầu cán bộ cho giai đoạn trước mắt, đồng thời chuẩn bị xây dựng lực lượng lâu dài.
Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt
Với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 20%/năm, PVN thực sự trở thành đầu tàu kinh tế, là động lực đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, PVN đã tạo được nguồn vốn chủ sở hữu gần 250 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản của PVN là 525 nghìn tỷ đồng.
Năm 2012, trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa kịp hồi phục, kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhưng PVN đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu của cả năm, về đích trước thời gian các chỉ tiêu: gia tăng trữ lượng dầu khí, tổng doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước.
Theo đó, trong năm 2012, PVN đã nộp ngân sách 187 ngàn tỷ đồng, vượt 52,26 ngàn tỷ đồng(tương đương vượt 2,5 tỷ USD) so với kế hoạch.
Tuy vậy, PVN cũng xác định rõ một trong nhiều thách thức trong các bước phát triển sắp tới vẫn là nhân tố con người. Hiện lực lượng cán bộ, đặc biệt là cán bộ có trình độ cao đang mỏng và thiếu so với khối lượng công việc rất lớn mà PVN đang triển khai.
Do đó, trong Chiến lược phát triển năng lượng dầu khí từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, PVN xác định sẽ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, bao gồm: cán bộ lãnh đạo, cán bộ khoa học công nghệ đầu ngành và cán bộ quản lý sản xuất kinh doanh. Tất cả nhằm hướng đến ba mục tiêu: hiện đại, chuyên nghiệp; hướng ra thế giới; hướng đến tương lai.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống quản trị nhân sự theo chuẩn mực quốc tế; xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển nhân sự theo từng ngành nghề, lĩnh vực; đào tạo chuyên giao theo lĩnh vực mũi nhọn cũng đang được chú trọng.
Với hàng loạt chương trình đào tạo được triển khai hàng năm, PVN hy vọng vừa đáp ứng nhu cầu cán bộ cho giai đoạn trước mắt, đồng thời chuẩn bị xây dựng lực lượng lâu dài.
Bên cạnh đó, các giải pháp liên quan đến quản lý nhà nước, cơ chế, chính sách cũng đang được cụ thể hóa. Bao gồm: các cơ chế ưu tiên và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh; các vấn đề liên quan đến chính sách giá khí, giá điện để từng bước tiếp cận với thị trường; chính sách thuế ưu đãi cho các dự án tìm kiếm - khai thác dầu khí xa bờ tại các vùng biển "nhạy cảm" và các dự án lọc hóa dầu nằm trong quy hoạch các dự án trọng điểm phục vụ mục tiêu an ninh - chính trị - xã hội…
Thông qua việc hoàn thiện mô hình quản lý, điều hành, tái cấu trúc; tăng cường hoạt động quản lý giám sát đầu tư, quản lý giám sát thông qua người đại diện phần vốn… công tác quản lý giám sát của Tập đoàn cũng được củng cố.
PVN cũng cho biết, đơn vị cũng đang tập trung đổi mới, đầu tư công nghiệp hiện đại; đầu tư khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Để tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và đầu tư cho nghiên cứu khoa học thì các quỹ nghiên cứu khoa học trong toàn PVN cũng đã được khuyến khích hình thành.