Theo quy định tại Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì ngoài nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh chính, Tập đoàn được đầu tư, kinh doanh bất động sản (ngành nghề có liên quan).
Tuy nhiên, hiện nay Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt
Trong khoảng thời gian 2006, 2007 thực hiện chiến lược phát triển các tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành, trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển, đồng thời thực hiện một số cam kết hợp tác của PVN với các địa phương về phát triển kinh tế địa phương, hoặc với mục đích đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, nhà ở cán bộ, công nhân viên (CBCNV), một số đơn vị thành viên của PVN đã đầu tư vào một số dự án bất động sản hoặc doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, việc đầu tư này của các đơn vị phần lớn không làm ảnh hưởng lĩnh vực kinh doanh chính của mình và không dùng nguồn vốn của Nhà nước dành cho hoạt động dầu khí cũng như phát triển công nghiệp dầu khí để đầu tư. Trước những khó khăn của nền kinh tế trong nước và quốc tế trong giai đoạn vừa qua, để tập trung nguồn lực và phát huy thế mạnh của ngành dầu khí và nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa của từng đơn vị thành viên, bắt đầu từ năm 2008, PVN đã triển khai tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng sắp xếp các đơn vị tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh liên quan vào một đầu mối. Thực hiện chủ trương đó, những đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có dự án bất động sản hoặc vốn góp vào doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã và đang thực hiện chuyển nhượng lại các dự án hoặc các khoản đầu tư tài chính cho PVC. Thí dụ: đã chuyển nhượng phần vốn góp của Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam tại Công ty CP Bất động sản điện lực dầu khí (PVPower Land), chuyển phần vốn góp của Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí tại Công ty cổ phần Bất động sản tài chính dầu khí (PVFC Land) cho PVC. Hiện nay đang tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng vốn góp tại các công ty khác cho PVC. Một số đơn vị chưa hoàn thành việc chuyển nhượng vì còn vướng những cam kết đầu tư với các địa phương, Tập đoàn đã chỉ đạo tiếp tục triển khai và hoàn thành công tác này trong năm 2011. Phó Tổng Giám đốc PVN Phạm Thị Thu Hà giải thích: 'Về bản chất các khoản đầu tư của PVN vào lĩnh vực bất động sản, đó là cần phân biệt rõ giữa đầu tư vào dự án bất động sản (làm chủ dự án) và đầu tư tài chính dài hạn (tỷ lệ tham gia vốn góp vào công ty dưới 20% vốn điều lệ) vào các doanh nghiệp có kinh doanh bất động sản. Hiện nay, theo số liệu thống kê, trong Tập đoàn chỉ có PVC là có chức năng kinh doanh bất động sản. PVC hiện có 16 công ty con, trong đó có năm công ty thực hiện kinh doanh bất động sản. Việc PVC đầu tư vào các công ty còn lại (với tỷ lệ vốn góp dưới 20% và không chi phối) có dự án bất động sản chỉ là các khoản đầu tư tài chính của PVC vào các doanh nghịêp có ngành nghề tương tự. Các đơn vị này không phải là đơn vị thành viên của PVN. Thí dụ như: Công ty CP Hồng Hà dầu khí (PHH), Công ty CP Đầu tư thương mại dầu khí Sông Đà (PVSD), Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Nghệ An...
Để tập trung mọi nguồn lực vào nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh chính của các đơn vị thành viên, thời gian qua PVN đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị thành viên không được cùng tham gia góp vốn vào một doanh nghiệp và vào lĩnh vực không phải nhiệm vụ chính, tuy nhiên cho đến nay vẫn còn một số đơn vị có vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành. Đó là một số công ty thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, quản lý và vận hành khu nhà ở cho CBCNV đang làm việc tại khu công nghiệp, nơi có các dự án của các đơn vị thành viên như Công ty CP quản lý và phát triển nhà dầu khí (PVBuilding), Công ty CP quản lý và phát triển nhà dầu khí miền Nam, Công ty Quản lý và khai thác tài sản dầu khí (PVA). Các công ty này thực chất là công ty dịch vụ quản lý và vận hành các tòa nhà, không phải là các công ty đầu tư kinh doanh bất động sản.
Phó Tổng Giám đốc PVN Phạm Thị Thu Hà cho biết: 'Để không làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của Tập đoàn, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị phải thay đổi tên gọi hoặc chấm dứt sử dụng thương hiệu (sau khi tái cấu trúc) nếu không còn vốn góp hoặc còn rất nhỏ. Tập đoàn Dầu khí cũng không dùng vốn dành cho các hoạt động dầu khí để đầu tư kinh doanh bất động sản trong ngành.
(Theo Báo Nhân dân)