Chiều 2/1 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) và các bộ, ngành về tình hình sắp xếp, tái cơ cấu tại doanh nghiệp có quy mô vốn và đóng góp lớn nhất vào GDP cả nước này.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Phùng Đình Thực: Trong thực hiện tái cơ cấu, PVN quan tâm đến nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp để đáp ứng các đòi hỏi mới trong sản xuất kinh doanh. Cụ thể, PVN dần hoàn thiện các quy chế tổ chức, hoạt động trước đây để phù hợp với các quan điểm chỉ đạo mới của Chính phủ; rà soát chức năng, nhiệm vụ của Tập đoàn và các đơn vị thành viên; xây dựng quy chế người đại diện; tăng cường kiểm tra, giám sát bằng Ban đại diện ở những nơi có vốn của PVN.
Đánh giá về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và lãnh đạo các bộ, ngành đều cho rằng: PVN đang làm tốt công tác quản trị doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy lại quá trình tái cơ cấu tập đoàn, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu sản xuất kinh doanh trong những năm qua.
“Trong thời gian tới, việc nâng cao quản trị doanh nghiệp vẫn cần được quan tâm hơn vì mang tính quyết định tới hoạt động tái cấu trúc của Tập đoàn”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh hơn một lần nhấn mạnh điều này.
Trên thực tế, hoạt động của PVN trong những năm qua đặc biệt là 2 năm gần đây đã có những bước phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng và thu ngân sách của quốc gia.
Các chỉ tiêu, kế hoạch mà PVN đặt ra cho năm 2013 đều vượt. Cụ thể, PVN “về đích” trước 1 tháng chỉ tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 35,3 triệu tấn quy dầu, cung cấp 9,51 tỷ mét khối khí khô (105,6% kế hoạch năm, tăng 3,7% so với năm 2012) và 279.600 tấn khí hóa lỏng (130,5% kế hoạch năm 2013), nộp ngân sách Nhà nước về đích trước 52 ngày, đạt 195,4 nghìn tỷ đồng, vượt 31,5% kế hoạch năm...
Đánh giá chung về nhiệm vụ tái cơ cấu PVN, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hậu cho rằng: PVN đang thực hiện hiệu quả tiến trình này. Từ năm 2010-2012, PVN đã hoàn thành cổ phần hóa 3 doanh nghiệp, đưa tổng số doanh nghiệp được cổ phần hóa lên 18. PVN cũng là doanh nghiệp (thuộc Bộ Công Thương) có số lượng doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu nhiều nhất trên thị trường chứng khoán (33 doanh nghiệp), chiếm khoảng 20% tổng vốn hóa thị trường.
PVN cũng thoái vốn tại các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính tổng giá trị 826 tỷ đồng; từng bước sắp xếp lại các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không hiệu quả.
Hiện PVN đang thực hiện Đề án tái cơ cấu PVN giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt đầu năm 2013. Lãnh đạo PVN cho biết tất cả các đơn vị sau tái cơ cấu đều tập trung vào 5 lĩnh vực chính của Tập đoàn. Những đơn vị không thuộc các lĩnh vực này sẽ được thoái vốn theo lộ trình nhằm bảo toàn vốn cao nhất cho Nhà nước.
PVN cũng chỉ ra những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tái cơ cấu để tìm hướng xử lý trong thời gian tới; kiến nghị giải pháp phát triển các dự án nhiên liệu sinh học, thống nhất hệ thống kinh doanh xăng dầu…
Cho ý kiến về những khó khăn trong cổ phần hóa các đơn vị thành viên của PVN, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý lãnh đạo Tập đoàn cần quan tâm đến vấn đề nhân sự chủ chốt của các đơn vị này có vai trò quan trọng trong xây dựng kế hoạch cổ phần hóa. Khi thực hiện thì lưu ý đến vấn đề nhân lực cả về số lượng và chất lượng để cổ phần hóa có kết quả cao.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước để Chính phủ sớm thông qua, gỡ khó cho các doanh nghiệp nói chung và PVN nói riêng trong nhiệm vụ này.
Đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài của PVN, Phó Thủ tướng đề nghị PVN tính toán, lựa chọn các dự án mang lại hiệu quả cao, đồng thời tổng kết hoạt động này để rút ra những kinh nghiệm cho PVN.