Trong các khảo sát trước đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các nhà thầu đã đề ra hai phương án triển khai đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn. Phương án đầu tiên là 270km đường ống từ Lô B vào đến An Minh, 7km từ bờ vào trạm tiếp bờ (dự kiến) đặt tại huyện An Minh và từ trạm tiếp bờ đến Ô Môn khoảng 120km. Phương án thứ hai là đường ống từ Lô B dẫn qua rừng tràm kéo đến khu khí điện đạm Cà Mau, từ đó chạy thẳng lên Ô Môn. Phương án thứ hai đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện gần như đầy đủ các thủ tục để triển khai. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại đã phát sinh một số thay đổi liên quan đến quy hoạch sử dụng khí Lô B – Ô Môn, đặc biệt là việc ngưng hoạt động của Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương, do đó, Tập đoàn đã quyết định chuyển hướng dự án.
Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã trình Thủ tướng chính phủ đề xuất điều chỉnh tuyến ống dẫn khí theo phương án ban đầu đã đưa ra, đồng thời xây dựng nhà máy nhiệt điện và nhà máy xử lý khí đặt tại huyện An Biên thay thế Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương.
Vị trí dự kiến đặt Trạm tiếp bờ tại huyện An Minh
Qua chuyến khảo sát thực địa, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xác định vị trí đặt Trạm tiếp bờ tại huyện An Minh và vị trí xây dựng nhà máy GPP, nhà máy điện tại huyện An Biên (Kiên Giang) có đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển dự án. Từ kết quả đó, trong buổi làm việc với UBND tỉnh, Tập đoàn đã có một số đề xuất đến lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và hai huyện An Minh, An Biên về các phương án triển khai cũng như công tác hỗ trợ thực hiện dự án.
Đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam do Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Nguyễn Xuân Sơn dẫn đầu
làm việc tại UBND huyện An Biên
Về việc xây dựng nhà máy xử lý khí GPP và nhà máy điện tại huyện An Biên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đề xuất với tỉnh và địa phương sẽ đặt hai nhà máy này tại Khu công nghiệp Xẻo Rô với diện tích 200ha. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành đúng vào thời điểm dòng khí Lô B - Ô Môn được đưa vào bờ trong khoảng 2019-2020. Do đó, Tập đoàn Dầu khí sẽ sớm có những văn bản chính thức kiến nghị UBND tỉnh cùng phối hợp trong công tác quy hoạch cũng như các giấy tờ hồ sơ pháp lý liên quan để nhanh chóng đệ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Song song đó, Tập đoàn cũng đề nghị nhận được sự hỗ trợ từ UBND tỉnh Kiên Giang và huyện An Minh trong việc khảo sát lại tuyến đường ống dẫn khí từ An Minh đến Ô Môn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng.
Dự án Khí Lô B là dự án khai thác khí trọng điểm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Dự án này được cho là có thể sản xuất 13,9 triệu m3 khí đốt và 6.000 - 7.000 thùng condensate mỗi ngày. Quy mô vốn đầu tư của Dự án ước tính lên tới 4,3 tỷ USD. Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn cho biết, sau khi được chuyển nhượng quyền khai thác dự án Khí Lô B từ Chevron (Hoa Kỳ), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quyết tâm sẽ khởi động dự án trước tháng 6/2015.