Bằng nguồn vốn tự có, với tinh thần trách nhiệm trong phát huy nội lực, thời gian qua Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã triển khai nhiều dự án điện và mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp (DN) trong nước làm tổng thầu EPC không qua phương thức đấu thầu quốc tế. Các dự án này đã được các DN "nội" thực hiện thành công, không chỉ hoàn thành đúng kế hoạch, đào tạo được đội ngũ kỹ sư, công nhân giỏi nghề, mà còn tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước…
Khai thác tại mỏ dầu Sông Đốc. Ảnh: Duy Long
Với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, PVN đã được Chính phủ giao đầu tư 5/13 dự án điện mà EVN trả lại do có khó khăn về vốn và trong giai đoạn 2008-2015, PVN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% tổng sản lượng điện phát ra. Để đạt được mục tiêu này, PVN đã triển khai quyết liệt các dự án điện và mạnh dạn giao cho Tổng Công ty Lắp máy VN (Lilama) làm tổng thầu EPC các dự án nhiệt điện chạy khí như Cà Mau 1, 2; Nhơn Trạch 1, 2 mà không qua phương thức đấu thầu quốc tế. Các dự án này đã được tổng thầu Lilama thực hiện thành công, không chỉ hoàn thành đúng kế hoạch, mà còn tiết kiệm ngoại tệ cho quốc gia, trong đó tiêu biểu là dự án Nhơn Trạch 2. Dự án này không chỉ tiết kiệm gần 100 triệu USD (khoảng 20%) so với giá chào thầu của nước ngoài, mà còn được trao giải thưởng vàng duy nhất về lĩnh vực "Dự án nhà máy điện được xây dựng nhanh nhất, tốt nhất" tại Hội chợ triển lãm thường niên điện lực Châu Á tổ chức tại Thái Lan". Đây là giải thưởng có uy tín hằng năm về lĩnh vực điện lực dành cho các công trình, dự án điện tiêu biểu ở Châu Á và lần đầu tiên Việt Nam đạt được giải thưởng uy tín này. Từ trước đến nay, giải thưởng này chỉ được trao cho các tập đoàn, các nhà sản xuất lớn hàng đầu thế giới.
Cũng bằng phương thức giao thầu trong nước (hai nhà thầu hàng đầu trong lĩnh vực thủy điện là Tổng Công ty Sông Đà và Lilama), sau 5 năm thi công, PVN đã đưa Nhà máy Thủy điện Hủa Na, công suất 180MW vào vận hành đúng tiến độ. Đến nay, Nhà máy này đã cung cấp cho lưới điện quốc gia hơn 400 triệu Kwh điện, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Nghệ An và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, PVN còn giao cho Lilama làm tổng thầu EPC dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vũng Áng 1, Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) làm tổng thầu EPC dự án NMNĐ Thái Bình 2 và Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) làm tổng thầu EPC dự án NMNĐ Long Phú 1... Không những thế, PVN cũng đã giao cho các DN "nội" một số dự án khác trên biển - một trong những lĩnh vực quan trọng và phức tạp nhất của ngành dầu khí và tất cả đều thành công, đạt hiệu quả cao.
Đại diện Tập đoàn PVN cho biết, đến nay những tập đoàn, công ty có khả năng đảm đương được tổng thầu EPC trên thế giới không nhiều. Theo kinh nghiệm ở ngoài và thực tế ở nước ta những năm qua cho thấy, tổng thầu EPC, EPCI đã mang lại cho các DN "nội" và quốc gia lợi ích rất lớn. Bởi, nó không chỉ tận dụng tối đa các nguồn lực trong nước như vật tư, nhân công, máy móc, chi phí quản lý dự án so với tổng thầu nước ngoài, giảm chi phí, đào tạo được đội ngũ kỹ sư quản lý, điều hành dự án, công nhân chuyên nghiệp; mà còn giúp DN "nội" tích lũy được kinh nghiệm, thúc đẩy ngành cơ khí, tự động hóa, luyện kim… cùng phát triển.
Nhờ mạnh dạn đảm nhận vai trò tổng thầu, đến nay Lilama và PTSC đã trở thành những "ngôi sao" trong các DN xây lắp Việt Nam và được các tập đoàn, đối tác nước ngoài tin tưởng, đánh giá là các nhà thầu EPC và EPCI chuyên nghiệp nhất Việt Nam. Các DN này đã đào tạo được hàng trăm kỹ sư quản lý, điều hành dự án chuyên nghiệp, hàng nghìn thợ giỏi tiếp cận nhanh với công nghệ hiện đại và có những "đôi tay vàng", trong đó nhiều nhất là thợ cơ khí, thợ hàn bậc cao. Đây chính là tài sản quý của các DN, của quốc gia và họ thực sự là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.