Thứ hai, 30/09/2013 | 10:04

Vũng Áng, Dung Quất ứng phó với bão số 10 (cập nhật)

 Bão số 10 là cơn bão mạnh nhất từ năm 2006 đến nay đi vào khu vực miền Trung nước ta - nơi có nhiều dự án quan trọng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. PetroTimes cập nhật tình hình phòng chống cơn bão số 10 từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và dự án Nhà

Vũng Áng, Dung Quất ứng phó với bão số 10 (cập nhật)

Vũng Áng, Dung Quất ứng phó với bão số 10 (cập nhật)

 Bão số 10 là cơn bão mạnh nhất từ năm 2006 đến nay đi vào khu vực miền Trung nước ta - nơi có nhiều dự án quan trọng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. PetroTimes cập nhật tình hình phòng chống cơn bão số 10 từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và dự án Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1.


Khu vực Dự án nhà máy nhiệt điện dầu khí Vũng Áng có mưa lớn từ nhiều ngày nay.

Vũng Áng:

Trao đổi với PetroTimes, ông Phan Văn Hiến, Phó ban quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1, Trưởng ban an toàn phòng chống lụt bão của nhà máy cho biết: Cho đến 21 giờ tối 29/9, bão vẫn chưa vào và nhưng gió đã mạnh dần lên. Những ngày qua, khu vực Vũng Áng liên tiếp có mưa lớn, gây ra hiện tượng ngập lụt cục bộ trong khu vực dự án.

Ban quản lý dự án cùng với nhà thầu Lilama đã thực hiện các phương án khẩn cấp chống bão. Toàn bộ mương thoát nước đã được khơi thông, đào mới, giải quyết ngập úng cục bộ trong và quanh nhà máy. Tất cả tàu trong cảng, máy xúc, máy ủi nạo vét các công trình biển được di dời về nơi an toàn.

Mái nhà xưởng đều được chèn bao cát và toàn bộ ban quản lý dự án túc trực với 100% quân số.

Dung Quất:

Nhằm chủ động chuẩn bị đối phó, hạn chế thiệt hại do bão số 10 có thể gây ra, kịp thời phối hợp chặt chẽ với Trung ương và địa phương, chiều ngày 29/9/2013, Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn đã tổ chức cuộc họp khẩn để bàn về cách ứng phó với cơn bão số 10.

Chủ trì cuộc họp, Ông Trần Ngọc Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty đã chỉ đạo các bộ phận, phòng ban chức năng liên quan thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ, cụ thể là: Chuẩn bị phương tiện, vật tư, trang thiết bị dự phòng và lực lượng cần thiết để thực hiện các biện pháp, sẵn sàng đối phó, tham gia ứng cứu sự cố do cơn bão số 10 có thể gây ra; Tổ chức tốt hệ thống theo dõi chặt chẽ thông tin về diễn biến của bão, thông tin chỉ huy, đảm bảo sự chỉ đạo thường xuyên liên tục, thống nhất, kịp thời và đạt hiệu quả cao; Tổ chức trực ban/trực chỉ huy 24/24 giờ để kịp thời tổ chức ứng phó kịp thời với diễn biến của bão.


Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn sẵng sàng ứng phó với cơn bão số 10.

Phòng An toàn Môi trường tổ chức trực bão 24/24 tại Trạm cứu hỏa, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có yêu cầu. Đồng thời phải thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết và dự báo về cơn bão số 10, kịp thời báo cáo diễn biến của cơn bão cho Lãnh đạo Công ty, Ban Chỉ đạo, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) Công ty, các Phòng/Bộ phận liên quan biết và chủ động trong công tác phòng chống cơn bão. Chỉ đạo Trạm Y tế tăng cường lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng thuốc men cho việc sơ cứu, cấp cứu trong các trường hợp khẩn cấp. Làm đầu mối trong việc phối hợp với các Phòng/Bộ phận chức năng Công ty để đề xuất, tham mưu cho Lãnh đạo Công ty trong việc thông báo, huy động các nguồn lực của Công ty bao gồm cả các tổ chức Đoàn thể của Công ty tham gia công tác phòng chống lụt bão (Hội Cựu chiến binh, dân quân tự vệ, Đoàn thanh niên, Công đoàn…).

Phòng Sản xuất và Phòng Bảo dưỡng Sửa chữa bố trí nhân sự đầy đủ để trực các ca kíp sản xuất, chủ động và thường xuyên kiểm tra các thiết bị, máy móc, hệ thống chiếu sáng, hệ thống cống thoát nước, các hạng mục công trình tại các khu vực Nhà máy để có biện pháp ứng phó, khắc phục kịp thời khi có sự cố xảy ra để đảm bảo việc vận hành, sản xuất của Nhà máy được an toàn.

Phòng Quản lý Cảng biển phối hợp với các đơn vị chức năng lập phương án neo cột tàu thuyền tại Bến Cảng số 1, đưa các ca nô về vị trí an toàn; Thông báo cho các tàu thuyền của các Nhà thầu, đối tác biết về tình hình diễn biến của cơn bão để có phương án neo đậu, trú bão an toàn, theo dõi tình hình diễn biến cơn bão; Tổ chức đóng Cảng, ngừng việc nhập và xuất hàng trong trường hợp cần thiết; Tiến hành kiểm tra và đóng tất cả các van trên hệ thống xuất sản phẩm, chốt các van cơ khí cần xuất, chốt các van an toàn chống bão của cần xuất trước khi bão đến; Dùng dây thừng để cột cố định các cần xuất sản phẩm để hạn chế ảnh hưởng do gió, bão gây ra.


Di chuyển các tàu rời khỏi cảng Dung Quất.

Văn phòng tổ chức kiểm tra các tòa nhà làm việc tại các khu vực (Trụ sở 208 Hùng Vương, Văn phòng làm việc tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Văn phòng phân xưởng Polypropylene,…), đôn đốc nhắc nhở các CBCNV làm việc tại các tòa nhà này trong việc tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn, PCCC trước khi ra về (đóng cửa sổ, cửa phòng làm việc, tắt các thiết bị điện…). Yêu cầu Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Dầu khí Miền Trung có kế hoạch chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm đảm bảo cung cấp các suất ăn đầy đủ cho các CBCNV của Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn trước và trong khi bão đến.


Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động bình thường 24/24

Cũng trong ngày 29/9/2013, Tổng Giám đốc Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các phòng/ban chức năng của Công ty, các đơn vị thành viên Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn, các đơn vị cung ứng các dịch vụ tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chủ động ứng phó với cơn bão số 10, cập nhật tình hình, diễn biến của cơn bão số 10, triển khai các biện pháp cụ thể, đồng bộ hạn chế thấp nhất có thể do cơn bão số 10 gây ra.

Có thể nói, đến thời điểm này, Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn và các đơn vị dầu khí tại Quảng Ngãi đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó cần thiết, đảm bảo hạn chế tối thiểu thiệt hại do bão số 10 có thể gây ra.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cơn bão số 10 là một cơn bão diễn biến phức tạp, càng đi vào gần bờ cường độ càng mạnh và cấp độ di chuyển càng nhanh. Bão số 10 có khả năng là cơn bão mạnh nhất từ năm 2006 đến nay đi vào khu vực miền Trung nước ta.

Từ sáng 30/9, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 7 - 8, riêng khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ từ đêm nay có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Đà Nẵng đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 mét.

(Tiếp tục cập nhật)

;
Từ khóa: Hoạt động PVN

Bài liên quan