Thứ năm, 30/07/2020 | 16:15

Đề xuất một số định hướng bổ sung, sửa đổi chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Đề xuất một số định hướng bổ sung, sửa đổi chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Đề xuất một số định hướng bổ sung, sửa đổi chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

1. Những quan điểm, định hướng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW liên quan đến Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nghị quyết số 55-NQ/TW đưa ra những định hướng lớn cho sự phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045. Trước hết, có thể nói quan điểm chỉ đạo quan trọng, xuyên suốt là tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò phát triển năng lượng là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, năng lượng được ưu tiên phát triển nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế. Về thị trường năng lượng, Nghị quyết số 55-NQ/TW xác định quan điểm cần nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng. Đối với hệ thống hạ tầng năng lượng, quan điểm được nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW là phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và đáp ứng yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý. Phân bổ tối ưu hệ thống năng lượng quốc gia trong tất cả các lĩnh vực trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương. Nghị quyết số 55-NQ/TW cũng nêu rõ quan điểm cần chú trọng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng. Bên cạnh đó, quan điểm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của xã hội. Nhằm cụ thể hóa những yêu cầu đề ra, Nghị quyết số 55-NQ/TW đã nêu 14 mục tiêu (Bảng 1) để thực hiện trong từng giai đoạn với một số nội dung chính như: (i) xác định tổng cung năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 320 - 350 triệu TOE; (ii) Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045; (iii) Đối với ngành dầu khí, Nghị quyết số 55-NQ/TW đặt mục tiêu các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước. Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỷ m3 vào năm 2045. Để đáp ứng mục tiêu tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp và tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng như đã nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, Ban Kinh tế Trung ương xây dựng các mục tiêu cụ thể theo kịch bản cơ sở và kịch bản đề xuất, trong đó ngành dầu khí đóng góp với tỷ lệ nguồn cung từ dầu và khí như Bảng 2 và tỷ lệ tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu và khí thiên nhiên như Bảng 3. Để thực hiện các mục tiêu nêu trong Bảng 1, Nghị quyết số 55-NQ/TW đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó các nhiệm vụ cụ thể và giải pháp chủ yếu liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bao gồm: Lĩnh vực Tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí: tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ; nâng cao hệ số thu hồi, tận thu các mỏ nhỏ, cận biên; chủ động và hiệu quả trong hợp tác về tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài; Đối với dầu khí đá phiến, khí hydrate (băng cháy): tích cực nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về địa chất và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để mở rộng phạm vi khảo sát; sớm triển khai đánh giá tổng thể, đẩy nhanh khai thác thử nghiệm khi điều kiện cho phép. Lĩnh vực Chế biến dầu khí: tiếp tục thu hút đầu tư theo hướng chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm xăng dầu, chủ động đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Lĩnh vực Công nghiệp khí: ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Lĩnh vực Công nghiệp điện và năng lượng tái tạo: ưu tiên sử dụng nguồn khí trong nước, chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện. Ngoài ra, Nghị quyết số 55-NQ/TW có điểm mới trong việc sửa đổi, hoàn thiện các luật chuyên ngành về dầu khí, điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật khác liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo; hoàn thiện các quy định về đánh giá các nguồn lực, tài sản phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn; xử lý, tái cơ cấu triệt để các dự án, doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ trong lĩnh vực năng lượng. Nghiên cứu, triển khai thí điểm cơ chế bán có thời hạn hoặc cho thuê dài hạn đối với các nhà máy điện, kho nhiên liệu, nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh việc cơ cấu lại toàn diện các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng theo hướng tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, có thế mạnh, tách bạch chức năng kinh doanh với chức năng quản lý nhà nước, Nghị quyết số 55-NQ/TW đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng, đặc biệt trong phân ngành điện, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ và linh hoạt, gắn kết với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và một số ngành khác. 2. Đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Triển khai Quyết định số 1749/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 về Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong giai đoạn 2016 - 2019, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã cơ bản hoàn thành mục tiêu chiến lược đề ra, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (đóng góp khoảng 10% ngân sách Nhà nước; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia ...), cụ thể như sau: Các mục tiêu, chỉ tiêu đạt được: - Công tác điều tra cơ bản và tìm kiếm thăm dò dầu khí ở trong nước, nhất là ở những vùng nước sâu xa bờ đã được Tập đoàn triển khai theo chương trình công tác và ngân sách đề ra. Hoàn thành công tác thu nổ địa chấn 2D thuộc dự án PVN-15 và thu nổ địa chấn 3D theo chương trình công tác hàng năm của các lô hợp đồng dầu khí; giai đoạn 2016 - 2019 đã hoàn thành 49 giếng khoan thăm dò thẩm lượng (trung bình 12 giếng/năm). - Khai thác dầu thô đạt mục tiêu Chiến lược đề ra, trong đó khai thác dầu thô trong nước đạt 12,24 triệu TOE/năm; khai thác khí tiệm cận mục tiêu chiến lược, khoảng 10,18 tỷ m3/năm. - Hệ thống các đường ống dẫn khí được vận hành an toàn, cung cấp ổn định cho các hộ tiêu thụ. Trong giai đoạn 2016 - 2019, tổng sản lượng khí cấp về bờ đạt khoảng 40,65 tỷ m3 khí (xấp xỉ 10 tỷ m3/năm); tổng sản lượng khí khô cung cấp cho các hộ tiêu thụ đạt khoảng 38 tỷ m3, trong đó cung cấp cho sản xuất điện với sản lượng khoảng 32 tỷ m3 (chiếm khoảng 75% tổng sản lượng khí khô cung cấp cho các hộ tiêu thụ); kinh doanh LPG giữ vững và gia tăng thị phần, ước sản lượng LPG kinh doanh trong nước đạt 6,2 triệu tấn, đáp ứng gần 70% nhu cầu LPG cả nước. - Công tác quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa đối với các dự án đã hoàn thành và đang vận hành ổn định, cơ bản đảm bảo hiệu quả đầu tư; sản xuất điện giai đoạn 2016 - 2019 đạt 85,82 tỷ kWh. - Các dự án đầu tư trong lĩnh vực chế biến dầu khí đã và đang được tập trung triển khai, đảm bảo thực hiện mục tiêu chiến lược “phấn đấu công suất chế biến của các nhà máy lọc dầu đến năm 2025 đạt 18,5 triệu tấn dầu thô/năm”. - Các nhà máy đạm đạt mục tiêu chiến lược đề ra, sản xuất đạt trên 1,6 triệu tấn/năm, đáp ứng 70 - 75% nhu cầu đạm trên thị trường và đã xuất khẩu sang thị trường Campuchia với tổng lượng hàng năm khoảng 120 nghìn tấn. - Công tác tồn trữ, phân phối các sản phẩm dầu khí cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra, theo đó đã phát triển hợp lý hệ thống phân phối sản phẩm xăng dầu đảm bảo lưu thông và bình ổn thị trường tiêu thụ; tiếp tục điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường; công tác quản lý nguồn, chất lượng, đo lường của các doanh nghiệp cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước. Các mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt và một số nguyên nhân: - Gia tăng trữ lượng dầu khí không đạt mục tiêu chiến lược đề ra (đạt 11,31 triệu TOE/năm). - Khai thác dầu thô ở nước ngoài không đạt mục tiêu chiến lược (đạt khoảng 2 triệu TOE/năm). - Hệ số bù trữ lượng (gia tăng trữ lượng/sản lượng khai thác) giai đoạn 2016 - 2019 chỉ đạt từ 0,49 - 0,54 (hệ số này theo thông lệ phải đạt khoảng 1,5 mới đảm bảo phát triển bền vững). - Công tác dự báo trữ lượng tại chỗ và tiềm năng không lường trước được những vấn đề phức tạp xảy ra khi triển khai công tác ngoài thực địa dẫn tới kết quả không đạt như kỳ vọng và làm thay đổi thông số đầu vào một số dự án phát triển hạ tầng thu gom khí, các mỏ khi mới phát hiện là mỏ nhỏ/cận biên nên chi phí phát triển cao và phải có chính sách hợp lý thì nhà thầu mới quyết tâm đầu tư. - Triển khai nhập khẩu LNG chậm do chưa xây dựng được cơ chế giá khí phù hợp, thị trường khí chưa tiến tới cơ chế cạnh tranh nên giá LNG nhập khẩu không cạnh tranh được với giá các nhiên liệu thay thế khác. - Các dự án lọc hóa dầu đang triển khai đều gặp khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ so với kế hoạch. Các dự án hóa dầu chưa đạt như kỳ vọng. - Phát triển nhiên liệu sinh học nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và bảo vệ môi trường còn chậm so với chiến lược đề ra do giá dầu xuống thấp ảnh hưởng tới giá sản xuất ethanol dẫn đến Nhà máy nhiên liệu sinh học  Dung Quất phải dừng hoạt động; việc thực hiện đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học  có nhiều bất cập, chưa lường hết các khó khăn, rủi ro. - Các dự án  nhiệt điện than đều bị chậm tiến độ do năng lực chủ đầu tư, nhà thầu hạn chế; phát sinh tăng tổng mức đầu tư; khó khăn trong việc thu xếp vốn và ảnh hưởng của cấm vận giữa Mỹ và Liên bang Nga. 3. Đánh giá ảnh hưởng của Nghị quyết số 55-NQ/TW và đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam  Qua việc đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời gian qua và những quan điểm, định hướng quan trọng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhóm tác giả có một số nhận định đánh giá ảnh hưởng của Nghị quyết số 55-NQ/TW và đề xuất một số giải pháp định hướng sửa đổi, bổ sung Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời gian tới, cụ thể như sau: 3.1. Đánh giá ảnh hưởng của Nghị quyết số 55-NQ/TW đến Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nghị quyết số 55-NQ/TW đã đưa ra những quan điểm, định hướng quan trọng tạo cơ hội phát triển cho ngành năng lượng Việt Nam trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Những quan điểm, định hướng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW tác động nhất định (gồm cơ hội và thách thức) đối với định hướng chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời gian tới, cụ thể trên một số vấn đề sau: - Với các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 55-NQ/TW đặt ra liên quan đến ngành dầu khí như trình bày tại Bảng 1 mục 1 sẽ là thách thức lớn đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đòi hỏi Tập đoàn cần đánh giá khả năng và đưa ra các giải pháp, đề xuất kiến nghị để thực hiện các mục tiêu nêu trên trong bối cảnh giá dầu thấp và biến động không ổn định, tình hình Biển Đông còn diễn biến phức tạp, khó lường; các cơ chế chính sách đặc thù và nguồn vốn bố trí cho PVN thực hiện mục tiêu chiến lược còn chưa được đáp ứng. - Với định hướng đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tại Nghị quyết số 55-NQ/TW đặt ra yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải định hướng các đơn vị thành viên thích ứng, nâng cao chất lượng các sản phẩm xăng dầu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, xem xét mở rộng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới/sạch dựa trên thế mạnh về chất lượng nguồn lực, khoa học công nghệ, tiềm lực tài chính để tối đa giá trị gia tăng từ chuỗi dầu khí. - Nghị quyết số 55-NQ/TW đưa ra định hướng mở cửa thị trường năng lượng, đẩy mạnh khuyến khích tư nhân tham gia phát triển năng lượng, đồng thời thực hiện cơ cấu lại toàn diện các doanh nghiệp Nhà nước; tạo thuận lợi cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có điều kiện huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực dầu khí. Đồng thời, chính định hướng này cũng đặt Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trước nguy cơ có sự cạnh tranh gay gắt và quyết liệt hơn trong ngành năng lượng nói chung và ngay trong các hoạt động dầu khí cốt lõi của Tập đoàn, đòi hỏi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. 3.2. Đề xuất giải pháp định hướng sửa đổi, bổ sung Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam a) Về cơ bản, các mục tiêu cụ thể nêu tại Quyết định số 1749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn giá trị. Tuy nhiên việc xem xét điều chỉnh Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là cần thiết nhằm phù hợp với các định hướng mới của Bộ Chính trị nêu tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, Đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang trình Thủ tướng Chính phủ cũng như thực tế của ngành. Dưới đây là một số định hướng mở để các cấp thẩm quyền xem xét trong quá trình bổ sung, sửa đổi chiến lược phát triển PVN: - Xem xét bỏ mục tiêu “Nghiên cứu, đánh giá khả năng Việt Nam trở thành trung tâm lọc hóa dầu trong khu vực”. - Bổ sung các mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực tồn trữ, phân phối các sản phẩm dầu khí, cụ thể: (i) Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cơ sở cho phép nhập nguồn năng lượng dầu và khí (dầu thô, sản phẩm dầu và LNG) đảm bảo mục tiêu dự trữ năng lượng quốc gia; (ii) Phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu bán lẻ trực tiếp trên cơ sở đầu tư xây mới, mua lại cùng với tăng cường công tác quảng bá thương hiệu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. - Thay thế chỉ tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí bằng đảm bảo hệ số bù trữ lượng dầu khí nhằm đảm bảo phát triển bền vững ngành dầu khí; điều chỉnh giảm sản lượng khai thác dầu khí ở nước ngoài cho phù hợp với tình hình thực tế. - Điều chỉnh tiến độ các dự án nhiệt điện cho phù hợp với thực tế triển khai dự án. b) PVN sớm khẩn trương tổ chức nghiên cứu, đánh giá một số định hướng phát triển phù hợp với Nghị quyết số 55-NQ/TW, cụ thể như sau: - Đánh giá/nghiên cứu định hướng phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trên cơ sở vừa đảm bảo nguồn năng lượng cho đất nước, khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên dầu khí đồng thời xem xét thực hiện nhập khẩu các nguồn năng lượng (LNG…) và xác định các nguồn năng lượng thay thế (hydrogen, điện mặt trời, điện gió, địa nhiệt). - Nghiên cứu đánh giá tiềm năng và lựa chọn chiến lược đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió trên bờ, ngoài khơi, tổ hợp năng lượng gió - mặt trời - hydrogen và các nguồn năng lượng tiềm năng khác). - Nghiên cứu xác định tỷ trọng, cơ cấu các nguồn năng lượng trong thời gian tới PVN có thể tham gia phát triển nhất là trong điều kiện sụt giảm về sản lượng khai thác dầu thô, cụ thể các nguồn năng lượng từ khí đốt, than (nhập khẩu, nội địa), thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng biển, địa nhiệt; đề xuất giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế. - Hiện thực hóa Chiến lược phát triển lĩnh vực công nghiệp khí đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển ngành dầu khí cũng như định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW; đánh giá, xác định thị phần kinh doanh LNG của PVN để đảm bảo đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 55-NQ/TW (Chiến lược nhập khẩu LNG). - Xây dựng Chiến lược phát triển hóa dầu, theo đó phát triển theo hướng chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩn xăng dầu, chủ động đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. c) Kiến nghị Lãnh đạo PVN chỉ đạo các ban chuyên môn PVN và các đơn vị thành viên khẩn trương: (i) Tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 55-NQ/TW với các nội dung liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ ngành dầu khí; đánh giá tổng thể những thay đổi tại Nghị quyết số 55-NQ/TW tác động đến việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam… để nghiên cứu các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện thành công Nghị quyết số 55-NQ/TW; (ii) Xây dựng Chương trình/Kế hoạch hành động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhằm thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ phận/đơn vị liên quan nhằm đạt các mục tiêu cụ thể đề ra cho từng lĩnh vực. 4. Kết luận Nghị quyết số 55-NQ/TW đã đưa ra những quan điểm, định hướng chiến lược lớn cho ngành năng lượng Việt Nam, trong đó tạo cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của PVN trong thời gian tới. Việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu rộng và đánh giá tổng thể những thay đổi tại Nghị quyết số 55-NQ/TW tác động đến ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và PVN nói riêng, đồng thời đánh giá một số định hướng phát triển mới cho PVN phù hợp với Nghị quyết số 55-NQ/TW là yêu cầu cấp thiết để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát triển ổn định, bền vững.

Theo trang PVN.vn

;
Từ khóa: Hoạt động PVN

Bài liên quan