Thứ tư, 09/11/2022 | 13:29

Nhiều dự án đầu tư phát triển nguồn điện tại Thanh Hóa gặp khó

Việc phát triển các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện còn gặp khó khăn, hạn chế. Một số dự án nguồn điện khó khăn trong thu xếp nguồn vốn để thực hiện, dẫn đến chậm tiến độ kéo dài...

Nhiều dự án đầu tư phát triển nguồn điện tại Thanh Hóa gặp khó

Nhiều dự án đầu tư phát triển nguồn điện tại Thanh Hóa gặp khó

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 31 dự án nguồn điện được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực của quốc gia và của tỉnh, gồm: 03 dự án nhiệt điện (tổng công suất 2.400 MW), 22 dự án thủy điện (834 MW), 03 dự án điện mặt trời (235 MW), 02 dự án phát điện từ nhiệt dư nhà máy xi măng (34 MW) và 01 dự án điện rác (18 MW).

Trong đó, có 14 dự án đã hoàn thành đầu tư và đi vào sản xuất; 07 dự án đang trong quá trình đầu tư; 10 dự án đang rà soát, đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động ảnh hưởng môi trường, xã hội, chưa triển khai thực hiện.

Đối với 14 dự án đã hoàn thành đầu tư và đi vào sản xuất: Có tổng công suất 2.437,7 MW, tổng mức đầu tư 4,5 tỷ USD, gồm: 02 nhà máy nhiệt điện (tổng công suất 1.800 MW), 11 nhà máy thủy điện (607,7 MW), 01 nhà máy điện mặt trời (30 MW). Trong đó có một số dự án quan trọng như: thủy điện Trung Sơn, thủy điện Cửa Đạt, nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhiệt điện Nghi Sơn 2... Nhìn chung, các nhà máy điện vận hành ổn định; sản lượng sản xuất trong 10 tháng năm 2022 đạt 6,3 tỷ kwh, tăng 44,3% so với cùng kỳ.

Đối với 07 dự án đang trong quá trình đầu tư, gồm: Thủy điện Hồi Xuân (102 MW), Nhiệt điện Công Thanh (600 MW), Điện mặt trời Kiên Thọ (45 MW), Điện mặt trời Thanh Hóa I (160 MW), Nhà máy đốt rác phát điện Bỉm Sơn (18 MW), Hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư xi măng Nghi Sơn (20 MW), Hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư xi măng Bỉm Sơn (14 MW). Trong đó, Dự án thủy điện Hồi Xuân và Dự án nhiệt điện Công Thanh đang xây dựng dở dang, chậm tiến độ; các dự án còn lại đang thực hiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Ngoài 31 dự án nguồn điện đã được quy hoạch nêu trên, UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo, đề xuất với Chính phủ, Bộ Công Thương bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực thêm 23 dự án nguồn điện, với tổng công suất 23.174 MW, gồm:

Ba dự án điện khí LNG với tổng công suất 20.700MW, gồm: Trung tâm Điện khí LNG Nghi Sơn (9.600 MW), Trung tâm điện khí LNG Thanh Hóa (9.600 MW), Chuyển đổi nhiệt điện Công Thanh sang điện khí LNG (1.500 MW).

Chín dự dự án điện mặt trời với tổng công suất 561MW, gồm: Đồng Thịnh (44 MW), Cẩm Thủy 1 (48 MW), Yên Định mở rộng (42 MW), Công Chính (50 MW), Yên Lạc (40 MW), Cao Ngọc (40 MW), điện mặt trời Lam Sơn (200 MW), Yên Định 1 (48 MW), Yên Định 2 (49 MW).

Năm dự án điện gió với tổng công suất 1.749 MW gồm: Bắc Phương (150 MW), Hải Lâm (49,5 MW), Thanh Phú (49,5 MW) tại thị xã Nghi Sơn; Mường Lát (1000 MW) tại huyện Mường Lát; điện gió Thái Hải Hùng (500 MW) tại vùng biển huyện Quảng Xương.

Năm dự án điện sinh khối, điện rác với tổng công suất 152 MW, gồm: Điện sinh khối Như Thanh (10 MW), điện sinh khối Ngọc Lặc (60MW), điện sinh khối Bá Thước (50MW), điện rác Thọ Xuân (12MW), điện rác Nghi Sơn (20 MW).

Một dự án thủy điện với công suất 12 MW: Dự án thủy lợi - thủy điện Tén Tằn.

Tuy nhiên, việc phát triển các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh hiện còn gặp khó khăn, hạn chế. Một số dự án nguồn điện khó khăn trong thu xếp nguồn vốn để thực hiện, dẫn đến chậm tiến độ kéo dài như Thủy điện Hồi Xuân, Nhiệt điện Công Thanh...

Bên cạnh đó, việc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 chậm được phê duyệt, dẫn đến chưa thu hút được thêm các dự án nguồn điện mới. Ngoài ra, tính khả thi của một số dự án đang đề xuất bổ sung quy hoạch phát triển điện lực là không cao...

Đơn cử như Dự án điện năng lượng mặt trời Kiên Thọ, được chấp thuận chủ trương từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai vì nhiều lý do. Dự án điện năng lượng mặt trời do Công ty CP đầu tư và thương mại, du lịch Hoàng Sơn là chủ đầu tư có quy mô rộng 161 ha, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, có quy mô rộng 79 ha với 172 hộ dân có đất lâm nghiệp bị ảnh hưởng phải thu hồi. Kinh phí giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn huy động hợp pháp của chủ đầu tư. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, trên thực tế dù đã là những tháng cuối cùng của năm 2022 nhưng dự án gần như vẫn án binh bất động.

Giải thích lý do vì sao dự án chậm triển khai, đại diện chủ đầu cho rằng nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa hoàn tất. Trong số 172 hộ dân bị ảnh hưởng của giai đoạn 1 mới hoàn thành việc kiểm kê đối với đất lâm nghiệp và tài sản của 100 hộ dân, còn lại 72 hộ chưa hoàn thành việc kiểm kê nên chưa thể chi trả đền bù giải phóng mặt bằng.

Hay như dự án thủy điện Hồi Xuân có tổng mức đầu tư hơn 3.320 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũ là Tổng công ty cổ phần xây dựng điện Việt Nam, không thu xếp được nguồn tài chính. Năm 2014, dự án được chuyển giao cho Công ty dịch vụ thương mại sản xuất và xây dựng Đông Mê Kông. Đến nay, sau 12 năm thi công dang dở, dự án vẫn chưa biết bao giờ mới có thể chính thức phát điện.

;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan