Tình hình giảm huy động khí cho phát điện đang diễn ra với quy mô, tần suất ngày càng cao, trong khi đó, tỉ lệ huy động các nhà máy nhiệt điện than vẫn ở mức cao và các nguồn năng lượng tái tạo thời gian qua phát triển nhanh và nóng, bổ sung đáng kể vào nguồn cung, đang được huy động tối đa theo công suất khả dụng,… đã đặt ra câu hỏi về tính hợp lý trong việc điều tiết các nguồn điện.
Huy động điện giá cao, tiết giảm điện giá thấp
Xét về khía cạnh bảo vệ môi trường, khí được xem là nguồn năng lượng sạch, ít phát thải khí nhà kính hơn các nguồn nhiệt điện khác.
Xét về giá, tất cả các dạng năng lượng tái tạo hiện nay đều có giá cao hơn khá nhiều so với giá nhiệt điện khí. Cụ thể, điện mặt trời vận hành trước 30.6.2019 có giá bán là 2.086 đồng/kWh (9,35 cent/kwh), điện mặt trời mái nhà từ 1.7.2019 có giá bán 1.943 đồng/kWh (8,38 cent/kWh), giá bán điện gió đất liền là 1.928 đồng/kWh (8,5 cent/kWh)...
Trong khi đó, giá bình quân của cụm các nhà máy điện Nhơn Trạch là 1.441 đồng/kWh, các nhà máy điện Cà Mau là 1.319 đồng/kWh, các nhà máy điện Phú Mỹ là 1.175 đồng/kWh. Do đó, việc nguồn năng lượng tái tạo với giá cao được huy động tối đa theo công suất khả dụng cùng với việc cắt giảm huy động nhiệt điện khí đã đẩy giá thành điện lên cao trong khi giá điện thương phẩm bình quân không thay đổi áp dụng từ 20.03.2019 là 1.864 đồng/kWh.
Thực trạng nêu trên đã đẩy giá mua điện vào tình thế “bấp bênh” khi có thể vượt giá bán bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, xét về tính ổn định, năng lượng truyền thống có tính ổn định hơn so với nguồn năng lượng tái tạo. Trả lời phỏng vấn trên báo chí vào tháng 11/2020, ông Nguyễn Đức Ninh – Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, năng lượng tái tạo có đặc điểm là nguồn năng lượng sơ cấp, khó có thể tích trữ như các nguồn phát truyền thống khác, gây ra không ít khó khăn trong công tác điều độ vận hành.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện khi tỉ lệ xâm nhập của năng lượng tái tạo tăng nhanh và lớn như hiện nay, các nguồn điện truyền thống đã phải linh hoạt, thường xuyên được điều chỉnh công suất phát. Tuy nhiên, việc điều chỉnh linh hoạt các nguồn truyền thống có những giới hạn nhất định, phụ thuộc vào giới hạn kỹ thuật của tổ máy, yêu cầu kỹ thuật của hệ thống… Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến việc vận hành ổn định, tin cậy của các nhà máy điện và hệ thống điện quốc gia.
Ông Ninh cũng chia sẻ thông tin, cơ chế cắt giảm nguồn năng lượng tái tạo (curtailmennt) đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng khi tỉ lệ nguồn điện này đạt ở mức độ nhất định (trên dưới 20-30%). Việc xem xét thêm các cơ chế mới này rất quan trọng cho việc vận hành ổn định hệ thống điện Việt Nam trong thời gian tới, khi bối cảnh năng lượng tái tạo tiếp tục tăng cao.
Trong khi đó, ở nước ta, sự phát triển năng lượng tái tạo đang diễn ra một cách khá ồ ạt, phá vỡ quy hoạch. Số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đến hết tháng 4/2021, tổng công suất điện mặt trời đã đạt 17.000 MW, vượt 5.000 MW công suất so với quy hoạch đến năm 2030 và chiếm tỉ lệ gần 25% công suất lắp đặt.
Trong khi đó, dự kiến đến cuối năm 2021, sẽ tiếp tục bùng nổ nguồn điện gió ở nước ta với khoảng 5.400 MW được bổ sung cho hệ thống.
Nguy cơ phá vỡ hệ thống giá thành điện
Thực tế việc ưu tiên huy động tối đa theo công suất khả dụng điện giá cao từ nguồn năng lượng tái tạo, trong khi lại cắt giảm huy động nhiệt điện khí đã và đang đưa đến nguy cơ phá vỡ hoàn toàn hệ thống giá thành điện; không thể hiện yêu cầu giảm chi phí và tăng hiệu quả trong lựa chọn huy động từ các nguồn điện; không phù hợp với “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo Nghị Quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị với mục tiêu chú trọng phát triển, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống.
Hiện nay ở nước ta, việc điều tiết huy động công suất các nguồn điện được thực hiện bởi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0). Với vai trò hàng đầu trong điều hành sản xuất và thị trường điện, A0 được so sánh như là "trái tim" của hệ thống điện, có nhiệm vụ đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định hệ thống điện và đảm bảo công bằng, minh bạch cho tất cả các đơn vị tham gia thị trường điện.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất tách A0 - đơn vị lập kế hoạch huy động công suất và theo dõi biểu đồ phụ tải khỏi quyền quản lý của EVN để tránh những "tranh cãi" xảy ra trong huy động công suất nguồn điện giữa EVN (bên mua điện) với các nhà đầu tư nguồn điện khác.
Thực tế cho thấy, bài toán điều tiết huy động các nguồn điện đang có dấu hiệu mất cân đối, thiếu công bằng, không phù hợp với thực tiễn và chiến lược phát triển năng lượng của đất nước, không chỉ tác động đến toàn bộ kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Đây là điều bất cập cần được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo lợi ích tổng thể cho đất nước và các đơn vị sản xuất, tiêu dùng điện.
;
Nguồn: Báo Lao động