Năm nay, nhu cầu sử dụng điện của các ngành sản xuất kinh doanh có thể tăng cao so với dự kiến. Đặc biệt, hệ thống truyền tải điện Bắc-Nam tiếp tục có vai trò quan trọng đảm bảo điện cho miền Nam, trung tâm phụ tải lớn nhất của cả nước. Do vậy, việc hoàn thành đúng tiến độ các dự án cấp bách cấp điện cho miền Nam được đánh giá vô cùng ý nghĩa.
Kéo dây vị trí cột néo 52 thuộc địa bàn xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Trong quá trình triển khai các dự án truyền tải, NPT gặp nhiều khó khăn trong thu xếp vốn, giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng và trình tự thủ tục qua nhiều cấp theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng và cũng mất thời gian nhất trong quá trình đầu tư xây dựng, bởi không công trình nào giống công trình nào. Riêng các dự án truyền tải có đặc thù là đường dây đi qua nhiều tỉnh, huyện, xã khác nhau và mỗi địa phương lại có chế độ chính sách, cách giải quyết khác nhau. “Để đảm bảo tiến độ các công trình này, chúng tôi phải có mối quan hệ tốt và thường xuyên làm việc với chính quyền địa phương, nhân dân có dự án đi qua”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Đặng Phan Tường chia sẻ.
Gặp bác Đỗ Văn Út Hai ở cấp Hòa Phước, xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre), nhà có 945m2 đất bị ảnh hưởng bởi đường dây 220kV Bến Tre-Mỏ Cày. Bác cho biết, lúc đầu còn băn khoăn vì trụ điện dựng trước nhà và đường dây đi qua nhà sợ ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình. Sau khi nghe chủ đầu tư và chính quyền địa phương tuyên truyền giải thích, thấy được lợi ích của Quốc gia nên gia đình đã không còn lo lắng mà hỗ trợ Nhà nước hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng.
Theo bác Hai, ở ấp Hòa Phước có 77/302 hộ trong diện bị ảnh hưởng thì đến nay đã có 7 hộ nhận tiền hỗ trợ đền bù, các hộ còn lại tuy chưa nhận đền bù nhưng vẫn cho đơn vị thi công kéo dây, dựng cột. Như vậy có thể thấy sự đồng tình của bà con rất cao vì theo nguyên tắc phải trả tiền đền bù xong mới cho đốn cây thi công.
Phó Phòng Đền bù, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam, ông Lý Văn Hồng cùng bày tỏ do khâu dân vận của địa phương tổ chức tốt nên đến thời điểm cuối tháng 1/2015, toàn bộ các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng đã đồng ý nhận tiền đền bù.
*Sẵn sàng cho việc quản lý và vận hành
Tại các dự án truyền tải, ngoài lực lượng giám sát A của Ban Quản lý dự án trực thuộc NPT, giám sát B của các nhà thầu thực hiện, các Công ty Truyền tải điện còn có lực lượng giám sát C của các đơn vị sau này quản lý vận hành. Như vậy, với nhiều lực lượng giám sát nên các dự án sau khi đóng điện vận hành mới đảm bảo chất lượng và hiệu quả đầu tư.
Tại Trạm biến áp 500kV Duyên Hải mới đóng điện đưa vào vận hành giai đoạn 1 cuối năm 2014, phần 500kV thuộc giai đoạn 2 đang được thi công và sẽ đóng điện vào cuối năm nay, ông Nguyễn Văn Phừng, Trưởng Trạm cho biết: Với mục tiêu truyền tải công suất từ Trung tâm Điện lực Duyên Hải lên hệ thống truyền tải điện Quốc gia, Truyền tải điện miền Tây (Công ty Truyền tải Điện 4) đã triệu tập những kỹ sư vận hành trên hệ thống; trong đó nòng cốt từ Trạm biến áp 500kV Ô Môn để chuẩn bị lực lượng quản lý vận hành trạm. Mặt khác, tham quan, học tập trao đổi trong công tác quản lý vận hành tại Trạm 500kV Sông Mây (Truyền tải điện Miền Đông 1) và Trạm 500kV Cầu Bông (Truyền tải điện Miền Đông 2) để làm kinh nghiệm cho việc vận hành Trạm 500kV Duyên Hải sau này.
“Bên cạnh những dự án đảm bảo giải tỏa công suất các dự án nguồn điện, để tăng khả năng truyền tải, NPT còn có các dự án cải tạo nâng cấp, lắp tụ bù cho hệ thống 500kV để tăng khả năng truyền tải điện khi các dự án nguồn điện vào chậm”, Chủ tịch Hội đồng thành viên NPT cho biết.
Từ nay đến năm 2018, khu vực miền Nam chỉ có nguồn điện cung cấp từ hai Trung tâm Điện lực Duyên Hải và Vĩnh Tân. Như vậy, đến năm 2020 vẫn phải truyền tải cao từ miền Bắc-Trung vào miền Nam để cung ứng điện cho miền Nam.