Thứ sáu, 07/01/2011 | 17:06

Điện gió có thực sự hiệu quả?

Một kết quả nghiên cứu mới được công bố tại Scotland nghi ngờ về việc điện từ sức gió (phong điện) có thể trở thành một nguồn năng lượng thay thế có hiệu quả.

Điện gió có thực sự hiệu quả?

Điện gió có thực sự hiệu quả?

Một kết quả nghiên cứu mới được công bố tại Scotland nghi ngờ về việc điện từ sức gió (phong điện) có thể trở thành một nguồn năng lượng thay thế có hiệu quả.

Chỉ đạt 22% công suất

John Muir Trust (JMT), một tổ chức bảo tồn hàng đầu tại Scotland đã nghiên cứu công suất thực tế của hàng chục nhà máy điện gió (còn gọi là trang trại gió) trong hơn một năm, từ tháng 11/2009 đến cuối năm 2010 và nhận thấy, sản lượng mà các nhà máy này tạo ra chỉ đạt trung bình 22% so với công suất lý thuyết.

Cụ thể JMT đã kiểm tra 47 trang trại gió, phần lớn tại Scotland, trong đó có những khu có quy mô lớn như Whitelee với 322 tua bin, Crystal Rig 2 với 164 tua bin. Theo tính toán, trong 365 ngày, nếu hoạt động hết công suất, các nhà máy này có thể tạo ra khoảng 17.586.000 MW giờ điện. Nhưng trên thực tế, lượng điện năng thu được chỉ là 3.881.900MW giờ, tương đương với 22,07% công suất.

Trong 2 năm qua, có tới 123 ngày sản lượng của các nhà máy tụt xuống dưới 20MW. Thậm chí, có 9 ngày sản lượng xuống dưới 10MW, tức là chỉ đủ điều kiện cho khoảng 3.300 ấm đun nước trong các hộ gia đình.

Theo Stuart Young, chuyên gia phụ trách dự án nghiên cứu hiệu quả điện gió của JMT, đây là sự đánh giá trung thực về loại hình năng lượng thay thế này trong một thời gian khá dài. Nó cho thấy, vấn đề không phải là xây bao nhiêu nhà máy điện gió mà là hiệu quả khai thác của những nhà máy này. Theo nghiên cứu năm 2008 của Bộ Năng lượng Mỹ, hệ số công suất của các nhà máy điện gió tăng tỷ lệ thuận với cải tiến công nghệ. Các tua bin mới sản xuất năm 2004, 2005 có hệ số công suất khoảng 36%. Còn theo website RenewwableUK của Anh, công suất thực tế mà một tua bin điện gió đạt được trong một năm bằng khoảng 30% so với công suất tối đa theo lý thuyết. Nếu so với cả hai con số này thì mức 22% mà JMT đưa ra quả là đáng thất vọng.

Tương lai nào cho phong điện?

Helen McDade, một nhà lãnh đạo của JMT cho rằng, dữ liệu mà tổ chức này thu thập được sẽ góp phần chống lại sự ảo tưởng về điện gió. Nhưng theo Niall Stuart, giám đốc điều hành Scottish Renewwables, cơ quan đại diện cho các nhà sản xuất năng lượng thay thế Scotland thì con số 22% không nói lên điều gì. Cuối đông năm 2009, đầu năm 2010 là một trong những thời điểm lặng gió kỷ lục, do đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi sản lượng điện từ nguồn này xuống thấp hơn mức trung bình. Ông khẳng định, không có nguồn điện năng nào có thể hoạt động 100% công suất trong 100% thời gian và điện gió không phải là ngoại lệ.

Tổ chức năng lượng gió Châu Âu cũng tỏ ra rất lạc quan về triển vọng của điện gió. Theo tổ chức này, đến năm 2010, tổng công suất điện gió của Châu Âu sẽ là 180GW, gấp 72 lần công suất năm 1995 , đủ cung cấp cho 195 triệu dân. Sản lượng điện gió sẽ tăng dần và vượt qua nhiều nguồn năng lượng truyền thống nhưng tiềm ẩn rủi ro cao như điện hạt nhân và thủy điện. Còn theo Hội đồng Năng lượng Gió thế giới, đến năm 2020 sản lượng điện gió sẽ chiếm tới 12% trong tổng sản lượng điện năng của thế giới. Hiệu quả của các nhà máy điện gió sẽ được cải thiện tử 2-3% mỗi năm, góp phần nhanh chóng giảm giảm giá điện thương phẩm.

Theo: Khoa học& Đời sống
;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan