Bộ mặt nông thôn thay đổi
Tổng kết 15 năm (1998-2013) kế hoạch điện khí hóa (ĐKH) nông thôn cuối tuần qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN đã tập trung nhiều nguồn lực để thực hiện đầu tư phát triển lưới điện nông thôn từ các nguồn vốn khí hóa cơ bản của EVN, vốn vay thương mại, vốn vay ODA, vốn ngân sách trung ương với tổng số vốn đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng trên địa bàn 62 tỉnh, thành (trừ TP.HCM).
Trong đó, riêng vốn vay ODA của các Tổ chức quốc tế là hơn 2,5 tỷ USD. Qua đó, nâng tỷ lệ số xã, hộ dân có điện lưới năm 1998 là 6.673/8.885 xã (75,1%) và 7,111/ 11,384 triệu hộ dân nông thôn (62,5%), đến cuối năm 2013 có 9.002/9.086 xã có điện lưới (99,1%) và 16,225/16,620 triệu hộ dân nông thôn có điện lưới đạt (97,62%).
Điện khí hóa nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo.
Nói chung, chương trình ngành điện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và trực tiếp bán điện đến hộ dân nông thôn đã mang lại nhiều lợi ích: Lưới điện được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp không những đảm bảo chất lượng cấp điện ổn định, mà còn đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi. Người dân nông thôn được hưởng thụ trực tiếp chính sách giá điện của Chính phủ hỗ trợ cho các hộ nghèo.
Kể từ sau khi ngành điện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, các hộ gia đình nông thôn không phải đóng các khoản chi phí cho quản lý, duy tu sửa chữa lưới điện, không phải bỏ tiền mua công tơ khi có nhu cầu được cấp điện. Nhà nước không bị thất thu tiền điện và ngành điện không còn sự kêu ca của dân, được nhân dân hoan nghênh và chung sức bảo vệ an toàn lưới điện.
Các dự án cung cấp điện cho khu vực nông thôn đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đảm bảo trật tự an ninh quốc phòng, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nông dân, nông thôn, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán và quy mô canh tác, tăng vụ, tăng sản lượng các sản phẩm nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế các địa phương và tăng thu nhập cho các hộ dân nông thôn.
Cải tạo lưới điện nông thôn
Có thể nói, chương trình ĐKH nông thôn Việt Nam trong mấy chục năm qua chủ yếu thực hiện theo phương châm "phát huy nội lực", "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Do đó, hầu hết lưới điện hạ áp nông thôn chắp vá và không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, xuống cấp nghiêm trọng dẫn đến tổn thất điện năng cao, gây mất an toàn cho người sử dụng, giá điện vào đến hộ dân cao…
Ngành điện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp đến hộ tiêu thụ điện ở nông thôn. EVN đã tìm mọi biện pháp để thực hiện, dự kiến 2010 hoàn thành.
Tuy nhiên, do chi phí đầu tư quá lớn khi thực hiện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, trong lúc nguồn vốn của EVN rất hạn hẹp và gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn, nên đến thời điểm này, tại 1.680 xã, với 3.105.528 hộ dân nông thôn trong cả nước vẫn do các đơn vị, HTX quản lý điện nông thôn khác quản lý bán điện.
Nhiều xã thuộc Dự án RE II (dự án điện nông thôn 2 vay vốn WB) chưa kết thúc đầu tư, và gần 130 xã không đủ điều kiện kinh doanh bán lẻ điện đến hộ dân dùng điện, nhưng các đơn vị đó chưa chấp nhận bàn giao cho ngành điện, mặc dù đông đảo người dân dùng điện yêu cầu bàn giao cho điện lực càng sớm càng tốt.
EVN và các tổng công ty điện lực thành viên đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi trong nước cho ngành điện để thực hiện nâng cấp cải tạo lưới điện nông thôn đã tiếp nhận, để lưới điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và an toàn, phục vụ tốt nhu cầu điện năng cho sinh hoạt và phát triển kinh tế của các địa phương, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Mức tổn thất điện năng ở khu vực nông thôn trước đây thường rất cao, từ 28% trở lên, nhiều nơi đến 33-38%, năm 2009 giảm xuống còn 25,44%, năm 2010 còn 19,04%, năm 2011 còn 15,25%.