Mong ước lớn nhất của các thế hệ ngành điện là dòng điện có thể thông suốt cả nước, thắp sáng lên niềm tin và hy vọng vào tương lai. Thực tế, trong suốt những năm qua, mong ước này đã được ngành điện cụ thể hóa bằng những công việc hết sức cụ thể, điện lưới quốc gia đã đến nhiều bản vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo của Tổ quốc. Và để “tiếp sức” cho ngành điện thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020, tổng đầu tư thực hiện chương trình là 29 ngàn tỉ đồng.
Từ năm 1986, công tác đưa điện về nông thôn được khởi đầu nhưng chỉ mang tính tự phát của mỗi địa phương. Trong 10 năm đổi mới, đưa điện về nông thôn trở thành phong trào lớn mạnh với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” lưới điện quốc gia đã lan tỏa về khắp các vùng miền Tổ quốc với 70% xã có điện lưới quốc gia, hàng trăm ngàn km đường dây trung thế được tỏa đi khắp các tỉnh, thành phố với hàng triệu hộ dân được nguồn điện thắp sáng.
Những năm qua, ngành điện đã phát triển mạnh mẽ và toàn diện từ hệ thống nguồn điện, đường dây truyền tải, trạm phát điện… nhưng vẫn còn khoảng 9% hộ dân trên cả nước chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 đặt ra mục tiêu cụ thể đưa dòng điện đến với những bản làng vùng sâu, biên giới, hải đảo, 100% hộ dân được dùng điện quốc gia trong vòng 8 năm. Đây là một mục tiêu cực kỳ khó khăn và là những thách thức lớn đối với EVN trong những năm tới.
Kéo cáp điện lên vùng biên giới Tây Bắc
Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo sẽ thực hiện qua 2 giai đoạn. Từ 2013- 2015, sẽ ưu tiên đầu tư cho các dự án đang triển khai, các xã chưa có điện, các thôn, bản biên giới, khu vực cần tăng cường về an ninh, chính trị, xã hội, các xã, thôn, bản thuộc các địa phương có tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia thấp hơn mức trung bình chung của cả nước... Giai đoạn 2 từ 2016-2020, hoàn thành việc đưa điện đến hầu hết các hộ dân nông thôn trong toàn quốc. Đầu tư phát triển lưới điện để cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào dân tộc tại các xã, thôn, bản chưa có điện có suất đầu tư không quá cao. Bên cạnh đó, sẽ xử lý cấp điện bằng các nguồn điện tại chỗ (nguồn năng lượng tái tạo, trạm nạp ắc quy...) cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn không thể cấp điện từ lưới điện quốc gia hoặc cấp điện từ lưới điện quốc gia có chi phí quá lớn.
Tháng 10 và 11/2013, EVN đã chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) thực hiện thành công các đường điện xuyên biển, đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô - Quảng Ninh và đảo Phú Quốc. Đây là những công trình phức tạp về công nghệ truyền tải và xây dựng điện với tổng chiều dài lên đến gần 100km cáp điện ngầm dưới biển, hàng trăm km cáp điện treo, hàng ngàn trạm biến thế, công tơ đo đếm điện… Hai công trình truyền tải điện trên đã thể hiện bản lĩnh, năng lực và trình độ của CBCNV ngành điện trong tiến trình hiện đại hóa điện lực Việt Nam và quyết tâm đưa điện ra các hải đảo có vị trí chiến lược và quan trọng về kinh tế và chính trị của nước ta.
Lắp cáp điện ngầm đưa điện ra đảo Cô Tô
Theo tính toán sơ bộ của EVN, trên cả nước vẫn còn khoảng 5 triệu người dân chưa được sử dụng lưới điện quốc gia. Chính vì vậy, việc cung cấp điện từ lưới điện quốc gia cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo cùng với việc cung cấp điện từ nguồn năng lượng mới và tái tạo là những yêu cầu cấp thiết cần phải thực hiện nhanh chóng. Tập đoàn điện lực đã đặt mục tiêu đến năm 2015 về cơ bản các xã trên toàn quốc có điện đưa đến tận trung tâm xã. Đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện, với 57 xã, khoảng 12.140 thôn, bản, khoảng 1,3 triệu hộ dân được cấp điện. Chỉ tính riêng khu vực miền Nam, từ năm 1996 đến nay từ 70% số xã có điện với gần 35% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, số phường, thị xã đã đạt 100% có điện, 6,8 triệu hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia (97,87%), trong đó, số hộ dân nông thôn có điện là 4,74 triệu hộ (97,26%).
Đại điện Ban Kinh doanh EVN SPC cho biết: “Hiện nay, trong công tác đưa điện về nông thôn, miền núi và hải đảo ngành điện vẫn phải đối mặt với một số khó khăn nan giải do lịch sử để lại. Thứ nhất là quy định về giá bán điện hiện hành có sự chênh lệch rất lớn giữa giá mua buôn và giá bán lẻ nên các tổ chức điện nông thôn vẫn đang kinh doanh có lãi rất cao. Vì thế không chịu bàn giao cho ngành điện, thậm chí một số tổ chức điện nông thôn đang kinh doanh có lãi cương quyết không bàn giao mặc dù đã có chủ trương của chính quyền địa phương. Mặt khác, vấn đề xử lý an toàn điện, chất lượng điện và tổn thất điện năng sau tiếp nhận khi hệ thống thiếu bảo dưỡng, xuống cấp đã khiến các công ty điện lực cần một số vốn rất lớn để nâng cấp, đầu tư cải tạo”.
Với một chương trình lớn và dài hơi như vậy để đạt hiệu quả cao, đảm bảo tiến độ là một yêu cầu cực kỳ khó khăn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và EVN. Mong rằng điệp khúc “chậm tiến độ” do nhiều lý do… sẽ không lặp lại trong chương trình này.