Có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió nhưng vẫn đề đặt ra với các nước Đông Nam Á là phải khai thác tốt tiềm năng này. |
Hiện nay nhiều nước ở châu Á hiện đang đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió. Một số nền kinh tế hàng đầu của khu vực này đã nổi lên là những nước đi tiên phong trong lĩnh vực tái tạo như Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng những nước ở Đông Nam Á cũng có tiềm năng tương tự, nhưng lại đang tụt hậu. Năm 2006, các Bộ trưởng Năng lượng của ASEAN đã cam kết thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo. Những lời kêu gọi cho sự hợp tác lớn hơn trong lĩnh vực này được đưa ra giữa lúc giá dầu mỏ tăng cao đe dọa tới các nền kinh tế toàn cầu vào lúc đó. Giống như nhiều nước khác, các quốc gia Đông Nam Á hiện cũng đang phải đối mặt với những tình thế khó khăn tương tự, do những căng thẳng ở Bắc Phi và Trung Đông đang đẩy giá dầu trở lại ở mức cao. Theo Chủ tịch Hội đồng Năng lượng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Chander, cho đến nay, Đông Nam Á vẫn chưa tiến xa trong việc phát triển năng lượng tái tạo tuy đã có một đợt bùng phát trong hoạt động này, đặc biệt là ở Thái Lan và Philíppines. Câu hỏi được đặt ra là liệu các nước Đông Nam Á có thể phát triển được một khu vực năng lượng tái tạo có thể tồn tại được hay không? Theo Rafael Senga, Giám đốc về chính sách năng lượng cho vùng châu Á-Thái Bình Dương thuộc Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF), Indonesia có tiềm năng rất lớn về năng lượng, đặc biệt là địa nhiệt, với khoảng 40% trữ lượng địa nhiệt trên thế giới nằm tại nước này. Việt Nam và Thái Lan, đều là những nước sản xuất gạo và mía lớn nên có rất nhiều tiềm năng cho năng lượng sinh học từ chất thải nông nghiệp. Nhưng nhiều chuyên gia nhận định tiềm năng lớn nhất của Đông Nam Á là gió. Bước đột phá lớn trong năng lượng tái tạo cuối cùng sẽ là từ gió bởi vì tất cả các nước Đông Nam Á đều có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng này. Năng lượng gió chiếm ít đất hơn, trong khi đất đai ở Đông Nam Á rất màu mỡ nên có những mục đích sử dụng khác. Do đó, năng lượng mặt trời sẽ không có ích nhiều vì năng lượng mặt trời chủ yếu được thu từ các mái nhà và những ứng dụng đơn lẻ khác. Những nước như Singapore đang dành nhiều tiền vào việc thu hút đầu tư cho công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D), chế tạo. Việc chế tạo đã diễn ra nhiều ở Trung Quốc hay Ấn Độ và đang bắt đầu được thấy nhiều ở Đông Nam Á. Ví dụ, một số nhà sản xuất điện mặt trời đang quan tâm đến Việt Nam. Do đó, đây không phải là một câu hỏi về sản xuất điện mà đó là toàn bộ chuỗi cung cấp mà Đông Nam Á có thể đóng một vai trò cụ thể trong đó./. |
Theo Báo ĐT Chính phủ |
Thứ hai, 07/03/2011 | 22:11