Thứ tư, 26/01/2011 | 16:02

Giải pháp nào đảm bảo cung ứng điện năm 2011?

Mùa khô năm 2011 sẽ thiếu hụt từ 4-6 tỷ kWh điện, đó là dự báo của EVN trước tình trạng các hồ thủy điện bị thiếu hụt nước nghiêm trọng, các dự án nhiệt điện hầu hết bị chậm tiến độ, những dự án đã đi vào hoạt động liên tục bị sự cố, việc đầu tư các dự án

Giải pháp nào đảm bảo cung ứng điện năm 2011?

Giải pháp nào đảm bảo cung ứng điện năm 2011?

Mùa khô năm 2011 sẽ thiếu hụt từ 4-6 tỷ kWh điện, đó là dự báo của EVN trước tình trạng các hồ thủy điện bị thiếu hụt nước nghiêm trọng, các dự án nhiệt điện hầu hết bị chậm tiến độ, những dự án đã đi vào hoạt động liên tục bị sự cố, việc đầu tư các dự án mới cũng rất khó khăn do thiếu vốn.

CôngThương - Để đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất tiêu dùng, năm 2011, EVN đề ra mục tiêu phải đạt tổng sản lượng cả hệ thống là 117,6 tỷ kWh, tăng trưởng 17,63% so với năm 2010; sản lượng điện 6 tháng mùa khô năm 2011 dự kiến 56,14 tỷ kWh, tăng 18,3% (tăng 8,69 tỷ kWh) so với mùa khô 2010.

Tuy nhiên, làm thế nào để đạt được mục tiêu này là cả vấn đề. Nhiều người cho rằng, lời giải đang nằm trong bài toán vốn - giá điện - phương thức điều hành. Đây cũng là những bức xúc, kiến nghị, những lời tâm sự tại Hội nghị tổng kết công tác 2010 của EVN được tổ chức tại Hà Nội vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: "EVN phải có phương án cung ứng điện phù hợp"

Nhiệm vụ của EVN trong năm 2011 là phải nỗ lực thực hiện các giải pháp đảm bảo tăng trưởng sản lượng 17,3% để phục vụ các nhu cầu thiết yếu của đời sống kinh tế xã hội nhằm. Bên cạnh việc huy động tối đa công suất nguồn, EVN phải tăng cường tuyên truyền và thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, sắp xếp lịch bảo dưỡng sửa chữa phù hợp để đảm bảo độ sẵn sàng cao hơn trong các tháng mùa khô 2011 nhưng phải đảm an toàn cho thiết bị máy móc. Đồng thời tiếp tục đàm phán nhập khẩu điện; Huy động tối đa nhiệt than, tua bin khí. Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ xem xét đề nghị của EVN về việc thực hiện cơ chế giá điện theo thị trường và Đề án giá điện năm 2011. Vấn đề là, nếu có phương án cung ứng địên phù hợp thì EVN có thể cơ bản khắc phục được khó khăn trong năm 2011. Tuy nhiên, EVN cũng cần phải có cách ứng xử phù hợp, điều hành hay tiết giảm điện cần công khai minh bạch, làm tốt công tác tuyên truyền để dư luận xã hội hiểu, thông cảm và chia sẻ với những khó khăn của ngành điện.

Ông Nguyễn Phúc Vinh - Tổng gám đốc EVN NPC: "Cần có chính sách cho vay ưu đãi"

Trên địa bàn quản lý của EVN NPC có 10 tỉnh phía Bắc đang phải mua điện của Trung Quốc với giá 1.400 đồng/kWh (đã tính thuế nhập khẩu và phí vận hành), trong khi công ty chỉ bán được với giá 750 đồng, bằng nửa giá mua vào khiến Tổng công ty bị lỗ nặng. Năm nay, EVN cũng cần 54.000 tỷ đồng chạy dầu FO, DO để phát điện nhưng không biết lấy đâu ra vì các ngân hàng không mặn mà cho vay bởi khoản này chắc chắn không tạo ra lợi nhuận. Vì vậy, Chính phủ cần hỗ trợ bù khoản tiền trên.

Đặc biệt, sau khi xả nước cho cho vụ đông xuân ở đồng bằng Bắc bộ, các hồ thủy điện phía Bắc sẽ thiếu nước rất nhiều, chắc chắn miền Bắc sẽ thiếu điện trầm trọng, tình trạng cắt giảm điện là không thể tránh khỏi. Để minh bạch hóa tình hình cung ứng điện, các địa phương cần thành lập ban chỉ đạo hoặc hội đồng phân phối điện do UBND tỉnh chủ trì dưới sự tham gia của Sở Công Thương nhằm thực hiện tiết kiệm điện. Ngoài ra ngân hàng cần cho vay ưu đãi đối với ngành điện. Đặc biệt, hiện nay điện dùng cho xi măng, thép rất lớn, trong khi nhu cầu sản phẩm đã bão hoà. Nếu cắt giảm điện cho xi măng, thép 30% thì sẽ bớt hẳn việc mua dầu để phát điện cho mùa khô 2011, hiệu quả cao hơn nhiều so với việc vận động tiết kiệm, tiết giảm của các ngành kinh tế khác.

Ông Đào Văn Hưng - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN: "Giải pháp căn cơ nhất là giải quyết vấn đề vốn và giá điện"

Năm 2011, tốc độ tăng trưởng phụ tải tiếp tục tăng cao, dự báo cả năm tăng khoảng 17,63%, riêng mùa khô 18,3%. Đến ngày 31/12/2010, mức nước các hồ thủy điện thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Ước tính tổng lượng điện thiếu hụt do thiếu nước lên tới trên 3 tỷ kWh. Năm 2011, EVN vừa phải lo sản lượng điện là 112,6 tỷ kWh, lại vừa phải lo xả nước các hồ thủy điện phục vụ tưới tiêu cho 627 nghìn ha đất trồng của khu vực Bắc Bộ. Trong điều kiện đó, nếu các nguồn nhiệt điện, tua bin khí, nhất là các nhà máy nhiệt điện than mới bị sự cố hoặc vận hành không ổn định thì tình hình cung ứng điện các tháng mùa khô 2011 sẽ vô cùng căng thẳng.
Hiện EVN đang phải chịu sức ép rất lớn vì luôn phải sản xuất và mua điện từ các nguồn có giá cao, trong khi giá bán điện chưa được điều chỉnh. Tổng cộng số tiền lỗ từ tình trạng “mua cao bán thấp” lên tới khoảng 8.000 tỉ đồng, cộng với 15.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá mà EVN chưa biết trông vào nguồn nào để giải quyết.
Điều đó đang đưa EVN vào nguy cơ “đứng sát chân tường”. Năm 2010 chỉ thiếu hụt trên 1 tỉ kWh mà việc tiết giảm điện đã gây bức xúc khá mạnh, trong khi năm nay khả năng thiếu hụt có thể lên đến 3-4 tỉ kWh, tức là gấp 2-3 lần. Dự kiến, năm 2011, EVN sẽ phải huy động một nguồn vốn lớn để chạy điện bằng dầu DO, FO; Đầu tư 65,8 nghìn tỷ đồng vào xây dựng cơ bản, phấn đấu đưa vào vận hành 11 tổ máy với tổng công suất 2.189 MW trong năm. Khó khăn nhất đối với Tập đoàn và vấn đề thiếu vốn đang là sức ép lớn nhất, là bài toán nan giải của ngành điện trong năm 2011. Vì vậy, giải pháp căn cơ nhất là phải giải quyết vấn đề thiếu vốn và giá điện.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng Tổng giám đốc NPT: "Cần có sự chung sức trong khâu đầu tư"
Một trong những vấn đề bức xúc nhất trong lĩnh vực truyền tải là phí truyền tải điện của Việt Nam đang ở mức quá thấp, chỉ có 0,32 cent/kWh, trong khi các nước là 1 cent. Mức khấu hao không đủ trả lãi. Trong khi đó, đầu tư cho truyền tải lại rất phức tạp, như giải phóng mặt bằng để xây dựng lưới khó hơn giải phóng mặt bằng cho xây dựng nhà máy, lưới truyền tải điện lại đi qua nhiều địa phương, mỗi vùng có chính sách khác nhau. Giai đoạn 2011-2015, nhu cầu vốn đầu tư lên tới 150.000 tỷ đồng, trong khi nợ đã lên tới 46.000 tỷ đồng. Đến nay, NPT không còn vốn và cũng không thể vay vốn để đầu tư vì không có vốn đối ứng. Vì vậy, nếu độc quyền truyền tải thì chỉ nên độc quyền khâu vận hành, còn khâu đầu tư thì đề nghị ngành điện phải cùng chung tay gánh vác.
Ông Nguyễn Hữu Á - Giám đốc Công ty Nhiệt điện Cần Thơ: "Càng làm càng lỗ"

Công ty nhiệt điện Cần Thơ có nhiệm vụ chủ yếu sản xuất điện từ chạy dầu DO, FO theo điều hành của EVN. Năm 2010, công ty đã phát 1,125 tỷ kWh điện bằng dầu, đạt sản lượng huy động cao nhất từ trước tới nay, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, thành tích phát điện giá cao, bán điện giá thấp này đã “góp phần” làm cho EVN lỗ gần 3.000 tỷ đồng. Trong năm nay, công ty đã được yêu cầu chuẩn bị các tổ máy ở mức sẵn sàng cao nhất để đảm bảo sản xuất gần 2 tỷ kWh.

Trước áp lực về giá dầu và tỷ giá đều tăng, giá điện vẫn như hiện nay thì công ty càng làm càng lỗ, đặc biệt, vấn đề vốn đang trở nên rất căng thẳng. Để phát được điện cho mùa khô này công ty cần khoảng 8.000 tỷ đồng nhưng chưa biết trông vào đâu. Nếu không có tiền sẽ không có đơn vị xăng dầu nào đảm nhận cung ứng nổi nhiên liệu. Điều đó sẽ rất khó khăn cho công ty trong việc chủ động cung ứng điện mùa khô.

(Theo Báo Công thương)

;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan