Năm 2013 là mốc son thắng lợi cho hành trình 10 năm thực hiện Dự án năng lượng nông thôn (REII) Cà Mau của Tổng công ty Điện lực miền Nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần người dân nông thôn. Dự án có quy mô: Xây dựng 647 km đường dây trung thế, 453 trạm biến áp tổng công suất 8.850KVA, tổng vốn đầu tư đạt 137,5 tỷ đồng, cung cấp điện cho 19.973 hộ dân.
Công nhân PC Cà Mau kéo điện 3 pha phục vụ nuôi tôm công nghiệp tại Năm Căn. Ảnh: Đình Hoàng
10 năm trước, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX về yêu cầu “Chú trọng điện khí hóa nông thôn” và “Phát triển năng lượng đi trước một bước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội”, vào năm 2003, Công ty Điện lực 2 (PC2) (nay là Tổng công ty Điện lực miền Nam) đã nỗ lực chuẩn bị tất cả các điều kiện cần thiết để tranh thủ nguồn vốn tín dụng 2,6 triệu USD của Ngân hàng thế giới (WB) dành cho dự án REII Cà Mau qua Hiệp định tín dụng Cr.4000-VN ngày 17/6/2005.
Với quyết tâm cao của tập thể CBCNV PC2, được sự phối hợp hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền địa phương, sự đồng thuận của nhân dân, sau 9 tháng khẩn trương thi công, tháng 12/2007 Dự án REII Cà Mau giai đoạn 1 đã đóng điện hoàn thành với khối lượng 312km đường dây trung thế, 296 trạm biến áp tổng công suất 5.984 kVA, cung cấp điện lưới quốc gia cho 12.373 hộ dân nông thôn trên địa bàn 12 xã của 7 huyện thuộc tỉnh Cà Mau, gồm: Thới Bình, Trần Văn Thời, Phú Tân, Cái Nước, Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển.
Với chi phí 53,55 tỷ đồng đầu tư xây dựng (bình quân 4,3 triệu đồng/hộ dân nông thôn), Dự án đã mang lại nhiều hiệu quả lớn, thắp lên nguồn điện sáng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện cuộc sống của người dân, đặc biệt là đánh thức đánh thức tiềm năng ngành công nghiệp nuôi tôm cũng như chế biến thủy hải sản ở Cà Mau. Ngày khánh thành dự án, người dân như vỡ òa trong niềm vui có điện lưới quốc gia. “Điện về làm đổi đời người dân”, một lãnh đạo huyện bấy giờ nói. Kể từ đó đến nay, lưới điện quốc gia đã phủ trên 98% hộ dân tỉnh Cà Mau, những khoảng tối cuối cùng đang được đẩy lùi. Ánh sáng bừng lên đến đâu, bà con Đất Mũi rôm rả hỏi nhau đến đó: “Nhà ông “cháy” (sáng đèn) chưa? Xóm tui “cháy” đều trời rồi, vui lắm!”.
Thành công vượt bậc của Dự án REII Cà Mau giai đoạn 1 là cơ sở để PC2 thuyết phục WB tiếp tục cung cấp tín dụng cho giai đoạn 2 của Dự án với tổng vốn đầu tư 84 tỷ đồng. Sau nhiều nỗ lực thực hiện, tháng 10/2012 EVN SPC đã hoàn tất đóng điện 335km đường dây trung thế, 157 trạm biến áp tổng công suất 2.868 kVA, cung cấp điện lưới quốc gia cho 7.600 hộ dân nông thôn trên địa bàn các huyện Trần Văn Thời, Phú Tân, Cái Nước, Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, U Minh và các xã vùng ven TP Cà Mau.
Ở giai đoạn 2 này, chi phí đầu tư cho một hộ dân cao hơn, khoảng 11 triệu đồng vì phải xây dựng lưới điện lan tỏa, len lỏi vào vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt. Thời gian thi công kéo dài 21 tháng do một số nguyên nhân khách quan như: Thời tiết mùa mưa lũ, phải trung chuyển vật tư nhiều lần qua các đập ngăn nước mặn, điều chỉnh thiết kế tuyến tránh các vuông tôm, gia hạn thời gian thi công sau mùa thu hoạch tôm để giảm thiểu thiệt hại cho hệ thống vuông tôm tự phát của nông dân đón đầu lưới điện quốc gia đang phát triển rộng khắp ở Cà Mau, khởi phát từ thành quả Dự án REII giai đoạn 1 cấp điện sản xuất tôm-lúa, nuôi tôm thâm canh, quảng canh cải tiến.
Sự thành công của Dự án REII Cà Mau là bước đột phá để EVN SPC và UBND tỉnh Cà Mau cùng quyết tâm thuyết phục Chính phủ chỉ đạo tăng cường các nguồn lực đầu tư và các tổ chức tín dụng quốc tế hỗ trợ tài chính cho việc phát triển điện nông thôn tỉnh Cà Mau, cụ thể như: Hiệp định tín dụng điện nông thôn RD 2008, cung cấp điện phục vụ Đề án nâng cao toàn diện hiệu quả sản xuất tôm-lúa; Dự án đầu tư lưới điện ba pha 23 MVA cho 4.226 ha các vùng, cụm nuôi tôm công nghiệp; Cung cấp năng lượng và huy động các nguồn lực hướng tới mục tiêu 10.000 ha nuôi tôm công nghiệp và 5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2015 của tỉnh Cà Mau.
Theo ông Vương Tiến Dũng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhờ có nguồn điện năng mà diện tích nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau phát triển mạnh mẽ, trải dài trên 7.000ha. Không ai khác chính những người chủ của những vuông tôm hiểu rất rõ vai trò của nguồn điện 3 pha trong quy trình nuôi tôm. Sự phát triển mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản này trở thành nguồn nguyên liệu chủ lực cho các tập đoàn, công ty xuất khẩu con tôm Việt Nam đi khắp thế giới.