Việt Nam được coi là địa bàn đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp (DN) Thái Lan. Bên cạnh các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, hạ tầng khu công nghiệp, bán lẻ... các DN Thái đang tập trung đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
;
Tính đến nay đầu tư trực tiếp của Thái Lan vào Việt Nam đã vượt 10,4 tỷ USD đứng thứ 10/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam tập trung nhiều ở các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, dự án lớn nhất là Tổ hợp hóa dầu miền Nam được xây dựng tại xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 5,4 tỷ USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư Thái Lan
Ông Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch và CEO Tập đoàn SCG - cho biết, các nhà đầu tư Thái Lan khá thuận lợi khi đầu tư vào Việt Nam bởi Thái Lan và Việt Nam gần về địa lý, tương đồng về văn hóa. Chính phủ hai nước cũng đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, cụ thể là việc ký kết Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư vào ngày 7/2/1992.
Theo đánh giá của Hiệp hội DN Thái Lan, trong thời gian gần đây các nhà đầu tư Thái Lan đặc biệt chú trọng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam khi mới đây, dự án Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội tại Phú Yên với tổng vốn đầu tư đăng ký 216,7 triệu USD của một tập đoàn Thái Lan đã được Việt Nam cấp phép.
Hay như gần đây, Tập đoàn năng lượng Thái Lan Gulf Energy Development đã ký hợp đồng với Công ty Năng lượng Xanh để phát triển dự án điện mặt trời tại tỉnh Tây Ninh có công suất thiết kế 48 MW, tổng giá trị đầu tư 66 triệu USD. Tập đoàn này cũng đã lên kế hoạch đầu tư dự án điện khí 7,8 tỷ USD tại Cà Ná (Ninh Thuận).
Tháng 4/2019 vừa qua, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan (EXIM Thailand) đã công bố tăng thêm 65 triệu USD cho hai công ty Eastern Power Group Plc và Communication & System Solution Plc để cấp vốn cho việc xây dựng hai nhà máy điện mặt trời tại Phú Yên với công suất phát điện kết hợp khoảng 100 MW.
Trước đó, năm 2018 một nhà đầu tư khác đến từ Thái là Công ty Sermsang International đã mua 80% cổ phần dự án điện mặt trời Bình Nguyên ở Quảng Ngãi, quy mô 49,61 MW.
Đánh giá từ các nhà đầu tư cho thấy, với tiềm năng điện gió và điện mặt trời dồi dào trên cả nước, cộng với sự phát triển của công nghệ, cũng như chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo của Chính phủ, Việt Nam đang thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là DN Thái Lan.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thu hút FDI từ Thái Lan, Việt Nam đã và đang thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư giữa hai nước; tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN Thái Lan tại Việt Nam; tạo sự gắn kết giữa DN hai nước; kêu gọi đầu tư Thái Lan vào các lĩnh vực thế mạnh của họ mà Việt Nam đang có nhu cầu như phát triển nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch.
Mục tiêu của Chính phủ, điện mặt trời dự kiến sẽ trở thành nguồn năng lượng tái tạo chính trong tương lai, với công suất dự kiến tăng lên 12.000 MW vào năm 2030, tương ứng 3,3% tổng sản lượng điện của cả nước. |